Sân khấu Ca nhạc 126 từng là nơi ăn nên làm ra của giới tổ chức biểu diễn ca nhạc tạp kỹ, giờ đã trở thành sân khấu “chết” vì thua lỗ kéo dài. Có tin sân khấu này đang được nghệ sĩ Hoài Linh và Sân khấu Kịch Nụ Cười Mới thuê lại để tổ chức biểu diễn kịch và cả ca nhạc. Chưa biết với tên tuổi của Hoài Linh, sân khấu này có thay da đổi thịt được không nhưng tình hình chung của các sân khấu ca nhạc, kể cả kịch nói, hiện nay rất eo sèo, một đêm diễn có khi chỉ bán được vài chục đến vài trăm vé dù giá chỉ trên dưới 100.000 đồng/vé.
Hát sự kiện và beer club là đất sống của ca sĩ hiện nay. Trong ảnh, ca sĩ Noo Phước Thịnh biểu diễn trong chương trình quảng bá nhãn hàng |
Cùng cảnh ngộ với Sân khấu 126 là Sân khấu Ca nhạc Trống Đồng, một nơi từng sáng đèn hằng đêm của TP HCM. Bây giờ, thỉnh thoảng ở đây mới có những chương trình được dàn dựng, có nhiều sao ăn khách tham gia được công chúng quan tâm. Những người bán vé ở sân khấu này ngán ngẩm: “Thường xuyên phải trả lại vé cho khán giả, kể cả chương trình diễn ra vào 2 ngày cuối tuần và giá vé cũng chỉ 100.000 đồng/vé”.
Từ nhiều năm nay, Sân khấu Ca nhạc Lan Anh gần như chỉ hoạt động cầm chừng, ai thuê thì cho mướn. Thỉnh thoảng ở đây mới có 1-2 chương trình biểu diễn nhưng “vắng khách” đến mức không ngờ. Giới làm sô giải thích: “Sân khấu Lan Anh không đủ sang trọng như Nhà hát Thành phố hay Nhà hát Hòa Bình nhưng lại không thể bình dân như Trống Đồng hay Sân khấu 126. Vì thế, giá vé đưa ra cũng lỡ cỡ”. Đó là lý do những chương trình được tổ chức ở Sân khấu Lan Anh gần đây, dù rất nhiều sao tham gia, vẫn “ế vé”. Không ít bầu sô phải ngậm đắng nuốt cay trả vé cho khán giả vì không diễn được. Những chuỗi chương trình 5 đêm diễn chỉ còn rút lại 2 đêm hay chuỗi 3 đêm diễn chỉ còn 1 đêm ở sân khấu này không còn lạ đối với giới bầu sô. Sân khấu Lan Anh không còn là nơi cho những chương trình kinh doanh, chỉ còn là nơi cho những chương trình quay hình lên sóng truyền hình hay sự kiện.
Nhà hát Thành phố hay Nhà hát Hòa Bình lại quá kén nhà tổ chức. Chi phí làm chương trình ở Nhà hát Hòa Bình rất lớn nhưng khả năng bán vé không đủ bù chi. Nhà hát Thành phố có khán phòng quá nhỏ, bán hết vé cũng chỉ chưa đến 500. Một lựa chọn khác là Nhà hát Bến Thành nhưng sân khấu này gần như dành cho kịch nói nhiều hơn là các loại hình nghệ thuật khác.
Phòng trà ca nhạc hiện nay không còn đông khách như trước, mỗi đêm mỗi phòng trà có thương hiệu chỉ có vài chục khách, ngay cả đêm nhạc của ca sĩ ngôi sao cũng chỉ hơn 100 khách. Không đủ bù chi, các phòng trà chỉ hoạt động cầm chừng là chính. Những club của giới underground cũng gần như “hết thời” vì sự thay đổi trong nhu cầu giải trí của khán giả. Hoạt động đều đặn nhất hiện nay là các beer club, một mô hình giải trí mới lành mạnh lại rẻ hơn bar đang thu hút giới trẻ. Các ca sĩ cho hay hiện nay họ chỉ chạy sô biểu diễn cho sự kiện (các nhãn hàng tổ chức) và beer club. Thậm chí, hát ở beer club nhàn hơn mà thù lao cũng được tính gần bằng với hát sự kiện.
Thế nên, ở hầu hết các sân khấu đang thoi thóp, nhà tổ chức phải xoay đủ kiểu để giữ chân khán giả. Hễ thấy gì ăn khách là lôi lên sân khấu. Vậy nên, những chương trình diễn viên hát, nghệ sĩ hài hát, MC hát hay thậm chí vận động viên hát... lần lượt được bày ra để thu hút người xem. Ai cũng hiểu đây chỉ là giải pháp tạm thời của người tổ chức biểu diễn nhưng chính cách làm này tạo ra sự nhếch nhác, phi nghệ thuật và càng đẩy hoạt động nghệ thuật giải trí đến vực thẳm.