TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ nam diễn viên - người mẫu Nhan Phúc Vinh (ở quận 4) kiện Công ty TNHH Quảng cáo và Giải trí Vương Miện đòi bồi thường gần 167 triệu đồng.
Hết hạn hợp đồng vẫn dùng ảnh quảng cáo
Theo hồ sơ, tháng 11/2013, Phúc Vinh nộp đơn khởi kiện tại TAND quận 1. Theo người đại diện của anh này, vào ngày 25/4/2011, Công ty Vương Miện ký một hợp đồng với Vinh. Theo hợp đồng, anh sẽ thực hiện vai trò đại diện của nhãn hiệu OXY và quay phim, chụp ảnh quảng bá độc quyền cho nhãn hiệu này trong thời hạn 12 tháng. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 76 triệu đồng, Công ty Vương Miện có quyền gia hạn hợp đồng trong hai năm tiếp theo và việc này sẽ thực hiện 30 ngày trước khi kết thúc hợp đồng.
Ngày 17/8/2012, Công ty Vương Miện lại ký một hợp đồng khác với Vinh. Theo đó, công ty được quyền sử dụng hình ảnh đã chụp, đã quay phim của anh cho hoạt động quảng cáo dòng sản phẩm OXY trên truyền hình, báo chí và các vật liệu hỗ trợ tiếp thị tại điểm bán hàng, thời hạn hợp đồng tính từ ngày 17/8/2012 đến 25/4/2013 với giá trị hợp đồng là hơn 83 triệu đồng.
Hết thời hạn hợp đồng mới nói trên, Công ty Vương Miện vẫn sử dụng hình ảnh của Nhan Phúc Vinh cho việc quảng cáo. Tháng 5/2013, phía nam diễn viên gửi thư yêu cầu Công ty Vương Miện thu hồi mọi vật liệu, hình ảnh liên quan đến việc quảng cáo trong thời hạn một tháng. Sau đó hai bên thương lượng chuyện gia hạn hợp đồng nhưng nam diễn viên không đồng ý.
Phía nam diễn viên đã mời Văn phòng Thừa phát lại quận 1 lập vi bằng ghi nhận: "Tại vòng xoay Điện Biên Phủ sáng 25/7/2013, trên sân thượng của tòa nhà số 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 có tấm bảng quảng cáo sản phẩm nhãn hiệu OXY và trong tấm bảng quảng cáo đó bên góc trái (đứng phía dưới nhìn lên) có in logo nhãn hiệu OXY và kế bên là hình ảnh một người mẫu nam, phía dưới có dòng chữ: “TÚT TOÀN DIỆN ĐẸP TRAI ĐÚNG CHUẨN”; kế bên là 13 loại nhãn hiệu hiệu OXY, dưới có hàng chữ: “OXY - TÚT LẠI VẺ ĐẸP TRAI”. Sau đó nam diễn viên khởi kiện ra tòa như đã nói.
Theo Nhan Phúc Vinh, trong trường hợp này Công ty Vương Miện đã vi phạm hợp đồng nên phải bồi thường 100% giá trị của hợp đồng cho mỗi tháng quá hạn thu hồi. Ở đây là quá hạn hai tháng nên phải bồi thường gần 167 triệu đồng.
Còn theo Công ty Vương Miện, do bàn bạc gia hạn tiếp hợp đồng không được nên ngày 25/7/2013, công ty đã không còn sử dụng hình ảnh của Nhan Phúc Vinh nữa. Công ty không đồng ý bồi thường số tiền Nhan Phúc Vinh yêu cầu vì tình hình tài chính khó khăn, nếu bồi thường sẽ lâm vào cảnh phá sản.
Án thương mại, không phải dân sự
Xử sơ thẩm, TAND quận 1 xác định đây là tranh chấp dân sự đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tòa nhận định Công ty Vương Miện đã sử dụng hình ảnh của Nhan Phúc Vinh để quảng cáo “lố” ba tháng. Khi chưa được gia hạn hợp đồng mà công ty vẫn sử dụng vật liệu và hình ảnh của Nhan Phúc Vinh để quảng cáo là có lỗi nên phải bồi thường.
Về mức bồi thường, tòa lấy tổng giá trị hợp đồng kỳ cuối chia thời gian trong hợp đồng để tính giá trị một ngày, từ đó nhân cho ba tháng là hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, do tại tòa Công ty Vương Miện đưa ra con số chấp nhận bồi thường là hơn 31 triệu đồng nên tòa chấp nhận con số này vì có lợi cho nguyên đơn.
Sau đó phía nam diễn viên kháng cáo yêu cầu được bồi thường gần 167 triệu đồng. Lý do là trong hợp đồng cuối đôi bên có điều khoản sau khi kết thúc hợp đồng trong vòng một tháng phải thu hồi mọi vật liệu, nếu vi phạm phạt 100% giá trị hợp đồng. Vì vậy cách tính của phía nguyên đơn là có căn cứ.
Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định hợp đồng ký kết giữa hai bên là vì lợi nhuận, bị điều chỉnh bởi Luật Thương mại. Bên công ty bị đơn có đăng ký kinh doanh, còn nguyên đơn dù không đăng ký thì cũng được xem là thương nhân theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Thương mại. Vì vậy cần phải xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp hợp đồng dịch vụ, là án kinh doanh thương mại chứ không phải là án dân sự như cấp sơ thẩm xác định. Tuy nhiên, việc xác định chưa đúng quan hệ tranh chấp trong trường hợp này không phải là lỗi vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Về mặt nội dung, tòa cho rằng mức phạt bồi thường 100% giá trị hợp đồng là trái pháp luật. Xét công ty bị đơn tự nguyện bồi thường ở mức có lợi cho nguyên đơn nên tòa giữ nguyên phần bồi thường mà án sơ thẩm đã tuyên.