Quan điểm “xăm hình là không chấp nhận được” hay “ai xăm hình thường không đáng tin” vẫn còn tồn tại từ trong gia đình đến ngoài xã hội và cả các mối quan hệ công sở.
“Con mà xăm hình thì đừng có về cái nhà này”.
Câu nói đanh thép của mẹ khiến Hoài Thu (24 tuổi), kế toán một công ty điện máy, ám ảnh mãi không quên.
Theo đuổi phong cách nhẹ nhàng, Hoài Thu được nhận xét là kiểu con gái chuẩn “bánh bèo”. Vì thế, việc cô có hình xăm ở cổ tay khiến nhiều người đặt dấu hỏi.
“Nó cũng chẳng ảnh hưởng gì nhiều. Miễn mọi thứ trong chừng mực là được”, cô gái bày tỏ quan điểm.
Trước khi sở hữu hình xăm đầu tiên, 9X từng nhắn tin hỏi dò mẹ: “Con mà xăm thế này, mẹ có đuổi con khỏi nhà không?”.
30 giây sau, bà gọi thẳng: “Mẹ nói bao nhiêu lần rồi, đừng nhắc lại việc vớ vẩn đấy". Bố cũng dặn: “Biết tính mẹ rồi đấy, không nên con ạ”.
Gia đình Thu cực kỳ khó khăn trong chuyện này. Mấy lần xem phim, cứ đến đoạn có nhân vật xăm trổ, mẹ lại nói: “Sau chọn chồng cho cẩn thận, xăm trổ là không chấp nhận được”.
Thế nhưng, một khi đã thích, Thu nhất định sẽ làm. Một tháng sau khi ướm thử ý mẹ, cô gái xăm dòng chữ dài 5 cm ở cổ tay.
Chỉ 2 phút sau khi thông báo với mẹ, cô nhận được cuộc gọi của anh trai: “Khỏi về nhà, mẹ bảo không muốn nhìn mặt em nữa”.
18h, cô gái lập tức đi 40 km từ Hà Nội về nhà. Sao mẹ cổ hủ thế? Xăm thì làm sao, tư cách vẫn tốt là được? Bạn bè xung quanh xăm rất nhiều có sao đâu, không lẽ cứ xăm là hư hỏng?
“Mẹ tưởng xa nhà học thứ gì hay ho, hoá ra toàn cái hư hỏng”. Biết là không thể giải thích, Thu ngậm ngùi ngồi nghe cả nhà mắng trong vòng 2 tiếng.
Cuối cùng, mẹ chốt lại: “Xăm thêm hình nữa thì đến nhà khác mà ở”.
Vốn là người có tính cách mạnh mẽ, muốn là sẽ làm, chỉ cần trước đó suy nghĩ thật kỹ, nhưng từ đó tới nay, Thu chưa khi nào thôi trăn trở: “Xung quanh mình toàn người thành đạt, họ cũng xăm, còn xăm hơn mình, vậy xăm có gì là xấu mà mẹ lại phản ứng mạnh đến thế?”
Quan điểm “Xăm hình là không chấp nhận được”, “Những người xăm hình thường không đáng tin” vẫn tồn tại từ trong gia đình đến ngoài xã hội và ở cả các mối quan hệ công sở.
Không riêng Việt Nam, định kiến về xăm mình đã và đang diễn ra ở nhiều nước khác.
Liao Lijia, một nghệ sĩ xăm hình có tiếng Bắc Kinh, nói với CNN: “Mười năm trước, chúng ta vẫn cho rằng hình xăm là đặc điểm để nhận dạng người xấu, những kẻ giang hồ, những người muốn chơi trội giữa xã hội".
Cũng tại Trung Quốc, một trong những điều kiện cơ bản để được tham gia giải đấu bóng đá chuyên nghiệp là cầu thủ không được có bất cứ hình xăm nào lộ ra. Trong giải giao hữu quốc tế năm 2018, U23 Trung Quốc gặp xứ Wales, 11 cầu thủ nước chủ nhà phải dùng băng màu da, quần bó để che giấu hình xăm. Thông tin này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng trên toàn thế giới.
Những định kiến khá gay gắt về xăm hình tồn tại không chỉ ở những nước châu Á. Mỹ cũng không phải ngoại lệ.
Nghiên cứu của Kristin Broussard và Helen Harton đăng vào tháng 9/2017 trên The Journal of Social Psychology, một tạp chí chuyên ngành có uy tín về tâm lý xã hội, đã chỉ ra: Dù số người có hình xăm trên mình đã tăng lên trong suốt một thập niên qua, nhóm người này vẫn bị nhìn nhận một cách tiêu cực như có tính cách tồi tệ, năng lực, tính xã hội kém. Thậm chí, họ còn bị đánh giá dễ lăng nhăng hơn.
Một nghiên cứu khác về các phụ nữ xăm mình cũng khẳng định: Cùng một hành vi, nhưng phái nữ bị đánh giá khắt khe hơn nam giới.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng giới tính X mà có hình xăm thường bị xem là dạng người bê tha như hay say xỉn, ít cuốn hút, kém thông minh, bất cần, thiếu trung thực.
![]() |
Vì những định kiến này mà nhiều bạn trẻ, đặc biệt là nữ, rất “thèm khát” có một hình xăm nhưng lại không dễ gì thực hiện được.
Lưu Thanh Nga, 22 tuổi, mới tốt nghiệp ngành Tài chính của Học viện Ngân Hàng. Mong ước ấp ủ gần 3 năm chưa thực hiện được của cô là có hình xăm ở bắp chân.
Ở Hà Nam quê cô, con gái xăm hình rất tai tiếng. 9X chưa thấy bạn gái nào trạc tuổi mình có vết mực trên người.
“Yêu ai, ghét ai, thích cái gì thì cứ việc, tại sao phải xăm lên người, muốn chứng minh cái gì. Sau này mà đưa ai có hình xăm về nhà là mẹ đuổi thẳng, khỏi phải cưới xin gì nữa”, mẹ cô từng nói như vậy khi nhắc tới con dâu tương lai, vợ của anh trai, người cho đến giờ vẫn chưa hề xuất hiện.
Nga cũng sợ. 9X đành chịu đựng sự thèm thuồng xăm hình chứ không muốn có ngày bị bạn trai “đá” chỉ vì bố mẹ người ta không đồng ý con dâu “thể hiện cá tính bằng hình xăm”, như cách mẹ cô vẫn miêu tả.
Khác với Thanh Nga, nhiều người vẫn quyết đoán và lựa chọn sống với sở thích dù biết giây phút chiếc kim xăm chạy trên da thịt là bắt đầu phải chấp nhận sống với những định kiến.
Thậm chí, có người sẵn sàng đánh đổi một vài mối quan hệ do bất đồng quan điểm về xăm mình.
Nguyễn Mai Anh, 21 tuổi, là du học sinh ngành Quản trị Khách sạn ở Úc. Mẹ cô dạy cấp 2, bố là quân nhân nhà nước. Trong mắt nhiều người, đó là gia đình chuẩn gia giáo, truyền thống từ cách dạy con tới suy nghĩ, quan điểm.
Là chị cả trong nhà và cũng là người được bố mẹ giao trọn niềm tin, 9X thường hỏi mẹ trước khi đưa ra một quyết định lớn. Và xăm cũng vậy.
- Con xăm nhé?
- Xăm thì đi đến nhà khác mà ở!
Dù là người tâm lý, suy nghĩ thoáng nhưng mẹ vẫn cấm cản vì sợ điều tiếng rằng có đứa con xăm trổ lung tung.
Dù vậy, Mai Anh đã vẽ lên mình tổng 12 hình lớn nhỏ và chưa bao giờ hối hận.
Nhưng 9X cũng từng buông tay một mối quan hệ trong quá khứ vì những hình xăm.
Tròn 6 tháng bên nhau với người bạn trai là công an, trong lần đầu về ra mắt, khi tất cả đang cùng nhau xem phim, mẹ anh nói: “Con gái xăm nhìn có ra cái thể thống gì đâu”.
Cả hai chính thức “đường ai nấy đi” sau câu nói tưởng như không có ý gì kia. “Làm sao có được hạnh phúc trọn vẹn khi ba mẹ ‘nửa kia’ không ưa mình?”, Mai Anh băn khoăn.
![]() |
Không riêng gì gia đình và xã hội, các nhà tuyển dụng cũng có cái nhìn khá khắt khe về môn nghệ thuật xăm mình.
Một cuộc điều tra ở Trung Quốc cho biết, bộ phận nhân sự của Foxconn (China Lab Watch) sẽ trực tiếp kiểm tra hình xăm trên người ứng viên.
Ở Mỹ, những nhân viên có hình xăm trên người cũng rất dễ bị phân biệt đối xử. Một nghiên cứu cho thấy các nhà quản lý tuyển dụng sẽ không thuê một người có hình xăm lộ ra ngoài bởi nó sẽ làm xấu đi hình ảnh công ty. Nghiên cứu cũng xác nhận những người xăm mình gặp rất nhiều khó khăn trong lúc xin việc.
Nguyễn Phương Thảo (24 tuổi) là nhân viên marketing của một tập đoàn lớn. Trước công việc này, cô là leader bộ phận dịch vụ khách hàng ở một khách sạn có tiếng.
Năm 22 tuổi, Thảo có hình xăm đầu tiên. Bố mẹ cô không gay gắt chuyện này nhưng tất nhiên cũng chẳng ưa cho lắm. Tuy nhiên, việc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của cô.
Hồi còn là quản lý bộ phận dịch vụ khách hàng ở khách sạn, Thảo đã bị viêm da, tấy đỏ khu vực xăm hình và mất vài tháng mới bình phục.
Theo quy định khách sạn, nhân viên không được có hình xăm lộ. Đồng phục của Thảo khi ấy là chân váy tới đầu gối, không thể che được hình la bàn có đường kính 7 cm ở bắp chân. Để khắc phục, cô chỉ có một cách duy nhất là dùng băng urgo che mỗi ngày. Cuối cùng, Thảo bị viêm da vùng xăm cấp độ nặng.
“Không lâu sau đó, mình nghỉ việc. Hình xăm là một trong những lý do của quyết định này”, Thảo chia sẻ.
Về mặt sức khoẻ, xăm hình còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà không phải ai cũng biết.
Theo Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ (AAD), hiện tượng sưng đỏ, đau nhức sau khi xăm là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không được cảnh báo trước về điều này. Nghiêm trọng hơn, có người còn gặp phải triệu chứng sốt, phát ban, mụn nước hoặc vết sưng trên da, sưng mủ ở vết xăm...
Theo Time, ở Mỹ, các loại mực xăm hầu như không được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan chức năng cho rằng đó là một loại mỹ phẩm. Chính vì vậy, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chỉ vào cuộc khi có sự cố xảy ra.
Trong những năm qua, mực bị nhiễm khuẩn đã gây ra nhiều căn bệnh về sức khỏe, bao gồm phản ứng da và các bệnh truyền qua đường máu. Cũng theo Time, xăm hình còn có nguy cơ gây ung thư da. Dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào về việc này nhưng các bác sĩ đã ghi nhận vài trường hợp được chẩn đoán có khối u ác tính ở khu vực xăm hình.
![]() |
Trong vòng vài năm trở lại đây, quan niệm về hình xăm đã ít nhiều thay đổi, đặc biệt ở Trung Quốc, nơi từng coi những nét mực trên cơ thể là điều cấm kỵ.
Zhuo Dan Ting, được mệnh danh là “nữ hoàng xăm mình" ở đất nước tỷ dân khi 70% cơ thể cô đều được phủ kín bởi các hình xăm, đã tận mắt chứng kiến ngành nghệ thuật này bùng nổ.
Theo Zhuo, hầu hết người trẻ ở Trung Quốc đều đang rất hứng thú với bộ môn này, một phần cảm hứng có được là nhờ người nổi tiếng và các ngôi sao thể thao.
“Tất nhiên, ban đầu mọi người sẽ thấy bạn thật kỳ lạ”, Zhuo nói với South China Morning Post. “Tuy nhiên bây giờ, xăm mình đã trở nên phổ biến. Mọi người có thể bắt gặp người có hình xăm ở khắp mọi nơi và đây không còn là điều gì to lớn nữa”, Zhuo nói thêm.
Theo Zhuo, thái độ đối với phụ nữ xăm hình cũng thay đổi tích cực trong vài năm qua. Người Trung Quốc ngày càng trải nghiệm nhiều hơn với nghệ thuật xăm hình. Nhiều phụ nữ có thể tự tin và làm chủ quyết định xăm hình dù nó có thể tốn tới hàng ngàn nhân dân tệ - điều từng bị coi là hết sức vô lý trước đây.
Zhuo đúc kết: “Mọi thứ thay đổi rất nhiều. Trước đây, không có nhiều người xăm hình bởi hình xăm bị coi là chỉ dành cho người xấu. Bây giờ, xăm mình lại là cách để thể hiện sự khác biệt của bản thân”.
Đối với những người quyết định “ghim” mực lên người, họ đều khẳng định đây là quyết định cá nhân hoàn toàn đúng đắn và sẵn sàng chịu trách nhiệm với nó.
Nguyễn Đăng Quang, một photographer có tiếng ở Hà Nội, bày tỏ quan điểm: “Đâu có quy chuẩn gì về việc một ai đó được hay không được thích điều gì? Bạn thích đi du lịch, bạn thích chơi nhạc… còn tôi thích xăm hình, có gì sai?”.
Mẹ Quang nổi tiếng nghiêm khắc, bà là hiệu trưởng trường cấp 3 anh từng theo học. Tất nhiên, Quang không được mẹ cho phép xăm hình. Tuy vậy, anh vẫn quyết tâm thực hiện đam mê bởi theo suy nghĩ của Quang, mỗi người chỉ được sống một lần.
Dù đồng ý rằng tuổi trẻ thì cần sống hết mình, nhưng chẳng lẽ không xăm hình nghĩa là không hết mình hay sao? Bà đưa ra cả loạt ví dụ về các anh chị đi trước, họ có sự nghiệp thành công và chẳng ai xăm hình cả. Còn Quang thì chưa có gì trong tay mà đã đua đòi xăm trổ.
Tuy vậy, Quang vẫn tin vào quyết định của mình.
“Bản chất của một người không thể hiện qua hình xăm. Quyết định xăm mình là chấp nhận tai tiếng nhưng trên tất cả, mình biết đã suy nghĩ đủ kỹ, chọn lựa địa điểm uy tín thì mình làm thôi. Không thể cứ mãi sống theo những gì người khác muốn”, Quang nói.