Liên quan đến đường dây sản xuất, mua bán xăng giả của đại gia Trịnh Sướng (ngụ Sóc Trăng) và đồng bọn vừa bị Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông triệt phá, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông cho biết thường xuyên kiểm tra nhưng không phát hiện xăng giả.
Xăng giả bán ra đến các tỉnh phía Bắc
Theo đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, công an đang làm rõ gần 10 cửa hàng ở Đắk Nông có liên quan đến đường dây sản xuất, bán xăng giả.
Ngoài ra, quá trình điều tra vụ án, công an xác định một lượng xăng dầu lớn đã được xuất bán cho các địa phương như: Đắk Lắk, Cần Thơ, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Hậu Giang, rồi ra đến cả Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng...
Theo lời khai của Trịnh Sướng và đồng bọn, xăng giả được các công ty bán trực tiếp cho cửa hàng nên không cần hóa đơn. Mỗi lần nhập hàng, các đơn vị này lấy một xe bồn khoảng 26 m3 rồi bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Liên quan đến việc cả nước liên tục xảy ra tình trạng cháy xe, có phải do liên quan đến xăng giả hay không, đại tá Quy cho biết đã báo cáo Bộ Công an rà soát.
“Bộ Công an đã thông báo cho công an các địa phương rà soát xem những phương tiện cháy nổ trong 3 năm gần đây có phải do xăng giả hay không", đại tá Quy nói.
Theo một lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ việc các doanh nghiệp chi tới 3.000 tỷ đồng để mua dung môi sản xuất xăng giả được hợp thức hóa như thế nào. Bởi đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc cấp giấy phép, kiểm tra rất chặt chẽ.
Lấy nhiều mẫu xăng, dầu kiểm tra nhưng đều đảm bảo chất lượng.
Tháng 4/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh thành kiểm tra chất lượng xăng dầu tại địa phương. Việc thanh tra chất lượng xăng dầu xuất phát từ việc buôn lậu xăng dầu ở một số tỉnh, đặc biệt là khu vực miền Trung.
Thực hiện kế hoạch trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông đã tiến hành 2 đợt thanh tra về Chuyên ngành ghi nhãn hàng hóa, chất lượng xăng dầu (tháng 6/2018) và Việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng xăng dầu (tháng 9/2018), đối với 28 cơ sở kinh doanh tại địa phương.
Tháng 6/2018, đoàn thanh tra đã làm việc với 4 cơ sở kinh doanh xăng dầu tại thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk Mil và Đắk Song. Đoàn lấy 5 mẫu xăng, dầu để xét nghiệm thì phát hiện một mẫu xăng vi phạm về chất lượng.
Một mẫu xăng (RON 95) không đạt chất lượng của Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Hiệp Thu (huyện Đắk Song). Công ty này sau đó bị phạt gần 36 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh 2 tháng.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông lấy 9 mẫu xăng dầu kiểm tra nhưng không phát hiện xăng giả. Ảnh: Minh Lộc. |
Đến tháng 9/2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông lấy 9 mẫu xăng, dầu để kiểm tra đợt hai nhưng tất cả đều đảm bảo chất lượng.
Theo ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông, hàng năm sở đều tiến hành thanh tra chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, việc thanh tra được thực hiện theo kế hoạch và phải thông báo cho các cơ sở kinh doanh biết.
“Do đó, các đơn vị này có biện pháp đối phó. Thậm chí trong một bồn xăng có nhiều ngăn, khi bị kiểm tra thì các đơn vị đưa kiểm tra xăng đạt chất lượng. Chỉ khi nào phát hiện dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng thanh tra đột xuất thì mới có bằng chứng để xử phạt các cơ sở kinh doanh này”, ông Danh nói.
Còn theo Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông Bùi Huy Thành đơn vị chỉ kiểm tra điều kiện kinh doanh của các cửa hàng xăng dầu.
"3 công ty nằm trong đường dây sản xuất, mua bán xăng giả không phải đối tác bán xăng cho các cửa hàng theo giấy phép kinh doanh được cấp. Các cửa hàng xăng ở Đắk Nông trực tiếp lấy xăng giả từ 3 công ty trên về bán cho người dân", ông Thành nói.
Vị giám đốc cho biết thêm, Sở Công Thương đang đợi kết luận điều tra để đưa ra hướng xử lý đối với những cửa hàng bán xăng giả.
Quy trình Sản xuất, mua bán xăng giả của Trịnh Sướng và đồng bọn. Ảnh: Zing.vn. |