Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Xấu hổ khi con không biết chào hỏi, chúc Tết

Khi con không biết chào người khác, cha mẹ không nên đánh mắng mà hãy chủ động làm gương để con học theo.

Nhiều trẻ không biết chúc Tết do cha mẹ chưa hướng dẫn cụ thể. Ảnh: Sasiistock.

Nhắc về những câu chuyện dở khóc dở cười ngày Tết, Minh Anh (26 tuổi) lại nhớ một lần khi đi chúc Tết họ hàng, cô hốt hoảng khi thấy anh họ đánh mông cháu vì cháu không chịu chào mình.

Lúc đó, Minh Anh đã cố can ngăn nhưng anh họ cô vẫn đánh mông con rồi giải thích với cô là “nếu không đánh, sau này cháu hư”.

“Cháu không chào mình chắc do mình đi du học lâu năm nên cháu quên mặt, mình cũng không để bụng hay tức giận gì cả. Mình chỉ hơi lo vì anh mình đánh cháu ngay trước mặt người khác, cháu sẽ tự ái, tổn thương lòng tự trọng”, Minh Anh nói với Zing.

Con không chào khách, cha mẹ phải “chữa cháy”

Cũng là câu chuyện khó xử khi con không biết chào hỏi vào ngày Tết, chị Bùi Huệ (TP.HCM) vừa giận, vừa xấu hổ khi dẫn cậu con trai 8 tuổi đi chúc Tết họ hàng vào năm ngoái.

Chị kể khi gặp họ hàng, con không chịu chào hỏi ai. Chị Huệ đã phải nhắc 2 lần nhưng con nhất định không chào cô bác mà còn hỏi ngược lại: “Sao người lớn không chào con trước mà bắt con chào?".

Biết mình sai khi chưa biết làm gương cho con khi chào hỏi, chị Huệ chủ động chào hỏi và chúc Tết mọi người. Những người có mặt hôm đó cũng hiểu ý, chủ động chào hỏi, chúc Tết lại gia đình chị Huệ. Lúc đó, con trai chị Huệ nhanh chóng học theo mọi người. Em khoanh tay, lễ phép chào hỏi.

day con chuc Tet anh 1

Nhiều trẻ hay rụt rè nên chưa biết cách chào hỏi, chúc Tết. Ảnh: Adobe Stock.

Chị L.T. (Hà Nội) lại không bình tĩnh được như chị Bùi Huệ. Tết Nguyên đán năm 2021, do quá nóng tính, chị T. lỡ mắng con trước mặt mọi người vì con không chịu chào ai. Con gái chị T. mới 6 tuổi, tính cách hơi nội tâm, rụt rè. Mỗi lần gặp người lạ, con không chịu nói gì mà chỉ biết bám chặt áo mẹ rồi lắc đầu ngượng ngùng.

Nhớ lại lần đó, khi đi chúc Tết hàng xóm, chị T. đã nhắc con nhiều lần nhưng con vẫn không chịu chào ai. Do xấu hổ với mọi người, chị T. lớn tiếng mắng con: “Mồm đâu con, không chào bác à? Sao con cứ để mẹ nhắc nhiều lần thế?”. Bị mẹ mắng, con chị T. sợ, lại càng rụt rè hơn bình thường.

Khi đó, chị T. “chữa cháy" cho con bằng cách giải thích rằng có lẽ hôm nay cháu lần đầu gặp cô chú nên thấy ngại và chưa quen, mong mọi người không để bụng.

Chị T. cho biết nhiều lần nóng giận, hoặc khi cảm thấy khó xử khi con không biết chào hỏi, chị lại rơi vào trạng thái mất kiểm soát, lớn tiếng, thậm chí là quát con, khiến con thêm sợ và khóc ngay lúc đó.

Bàn về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, nói rằng dù trẻ không chịu chào, cha mẹ cũng không nên đánh, mắng con trước mặt người khác vì điều đó sẽ khiến những cảm xúc tiêu cực của trẻ tăng lên nhiều lần.

Khi đó, điều quan trọng là cha mẹ cần phải nhẹ nhàng giáo dục, chủ động “kéo” con vào việc chào hỏi bằng cách chính mình làm gương trước. Khi đó, bản thân các bé sẽ hiểu rằng chào hỏi là việc nên làm, người lớn hay trẻ nhỏ cũng cần phải chào hỏi.

Vào ngày Tết, cha mẹ cũng có thể hướng dẫn con “thay thế” lời chào bằng lời chúc Tết, ví dụ “Chúc bác năm mới nhiều sức khỏe, phát tài phát lộc”, “Chúc bác năm mới vạn sự như ý”... Khi cha mẹ chủ động chúc Tết, trẻ sẽ học theo mà không cần nhắc nhở.

Làm thế nào để rèn thói quen chào hỏi cho con?

TS Vũ Thu Hương cho biết nếu muốn hình thành một thói quen, một người phải lặp lại hành động đó trong ít nhất 40 ngày. Như vậy, nếu muốn hình thành thói quen chào hỏi mọi người, con trẻ phải duy trì thói quen này trong 40 ngày.

TS Hương từng chứng kiến nhiều gia đình không dạy con chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, hay mời cơm vì họ cho rằng việc đó không quan trọng, không cần thiết và luôn cảm thấy con mình ngoan và lễ phép. Nhiều gia đình dạy con chào hỏi thường xuyên nhưng đứa trẻ vẫn không hình thành thói quen này vì phương pháp dạy của cha mẹ không phù hợp với tâm lý của con. Từ đó, đứa trẻ sẽ từ chối những lời dạy dỗ, khuyên bảo của cha mẹ.

Khi dạy trẻ giao tiếp, người lớn nên làm mẫu thay vì bắt ép, ra lệnh. Nhiều người lớn có suy nghĩ mình có quyền ra lệnh, yêu cầu trẻ, bắt trẻ phải làm thế này, làm thế kia. Cách dạy này không hiệu quả vì trẻ sẽ không hiểu được vì sao mình phải làm mà người lớn không cần làm.

day con chuc Tet anh 2

Cha mẹ nên là tấm gương, chủ động chào hỏi, chúc Tết để con học theo. Ảnh: Freepik.

Để giải quyết tình trạng này, cha mẹ nên chủ động làm mẫu cho con để con học theo. TS Hương lấy ví dụ nếu bạn nói “chào con”, đứa trẻ sẽ quay sang nói “chào bố”. Nếu muốn con chào lễ phép hơn, cha mẹ nên chào hỏi có đủ chủ ngữ, vị ngữ. Ví dụ: “Bố chào con ạ”, khi đó trẻ sẽ hiểu là bản thân cần chào lại “Con chào bố ạ”.

Khi dạy trẻ, điều quan trọng nhất là bạn phải làm mẫu nhiều lần để giúp con hình thành thói quen. Việc nhắc nhở cũng tương tự, cha mẹ nên nhắc con với vai trò là một người bạn, không nên nhắc con với vai trò bề trên.

“Với các bạn nhỏ, điều quan trọng là bạn phải tạo môi trường cho con phát triển thói quen hoặc truyền đạt cho con thông điệp cụ thể để con học hỏi, ghi nhớ và làm theo”, TS Hương nhấn mạnh.

Những lời chúc Tết ý nghĩa nên dạy con

Đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học, các em khó có thể ghi nhớ những mẫu câu dài, nhiều từ vựng khó. Nếu muốn dạy con chúc Tết, cha mẹ chỉ nên dạy con những câu ngắn, đơn giản, có vần và gắn với những hình ảnh quen thuộc hàng ngày như con vật, sự vật.

Dưới đây là một số mẫu câu chúc Tết đơn giản cha mẹ có thể dạy trẻ vào dịp đầu năm.

  • Nhân dịp năm mới, cháu chúc ông bà sống lâu sống khỏe, trẻ mãi không già.
  • Con chúc ông bà, cô chú, anh chị mạnh khỏe an khang, giàu sang phú quý.
  • Con chúc ông bà một tô như ý, chúc cô chú một chén an khang, chúc anh chị một đĩa tài lộc.
  • Con chúc cả nhà vui vẻ như chim sẻ, mạnh khỏe như con trâu, sống lâu như đà điểu.
  • Con chúc mọi người năm mới mạnh khỏe như trâu, cầu được ước thấy.
  • Nhân dịp năm mới, em chúc anh chị có nhiều niềm vui, tiền đầy túi, tình đầy tim.
  • Cháu chúc cô chú nhà cửa sung túc, luôn luôn hạnh phúc, tài lộc đầy nhà.
  • Năm Quý Mão, con chúc mọi người sức khỏe dồi dào, tiền đầy hầu bao, cả năm vui vẻ.
  • Năm mới đến, con chúc mọi người sức khỏe tràn trề để mang niềm vui về nhà.
  • Nhân dịp năm mới, con kính chúc mọi người luôn khỏe mạnh vui tươi, cảm ơn mọi người vì đã luôn yêu thương, dạy dỗ, chăm sóc con.

Zing giới thiệu đến bạn những cuốn sách nói về ngày Tết của người Việt xưa:

Việt Nam phong tục: Phan Kế Bính miêu tả rất kỹ các phong tục trong họ hàng, gia đình. Từ đó, những lớp trầm tích văn hóa được tôn lên, người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp phong phú của một nền văn hóa lâu đời.

Hội hè lễ tết của người Việt: GS Nguyễn Văn Huyên đem đến một lối viết phóng khoáng, bay bổng trong các tiểu luận của mình ở Hội hè lễ tết của người Việt. Cuốn sách mở ra một không khí náo nhiệt và đượm màu sắc văn hóa của các ngày lễ Tết trên dải đất hình chữ S này.

Con vùng vằng, chê ít khi nhận tiền lì xì

Phong tục lì xì đầu năm bị biến tướng, gây ra những câu chuyện dở khóc dở cười khiến cha mẹ lẫn người lì xì đều cảm thấy lúng túng, khó xử.

Lan Anh - Thái An

Bạn có thể quan tâm