Không giải thích rõ hơn ý kiến của mình, KTS Mỹ cho rằng, việc đánh giá, khảo sát mức độ hư hỏng để đưa ra giải pháp xây mới trường “có lẽ cần phải được đánh giá kỹ lưỡng hơn, có những giải pháp hiệu quả hơn, tốt hơn về mặt kinh tế cũng như giá trị lịch sử văn hóa trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.
KTS Mỹ cũng nêu quan điểm: “Dù đưa ra giải pháp phá đi để xây lại kiến trúc cũ hay trùng tu thì vẫn nên xem xét đây là địa chỉ văn hóa, là nơi lưu giữ ký ức của đồng bào, của người dân Cần Thơ qua nhiều thế hệ. Ngoài công năng là cơ sở đào tạo thì còn là văn hóa, là ký ức mọi thế hệ của người dân ĐBSCL nói chung và của TP Cần Thơ nói riêng”.
Sắp đến giờ “G” xây mới trường THPT Châu Văn Liêm, nhiều bạn trẻ từng học tại trường này tranh thủ đến chụp ảnh lưu niệm với ngôi trường cũ. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Chiều 7/7, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ và Ban giám hiệu trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cũng đã tổ chức buổi họp đột xuất lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về việc xây mới hay trùng tu ngôi trường “trăm tuổi” hiếm hoi của ĐBSCL.
Lãnh đạo sở đã báo cáo chi tiết quá trình xây dựng và nâng cấp sửa chữa trường Châu Văn Liêm. Theo đó, năm 1987 Pháp đã có văn bản gửi đến trường thông báo công trình trường do Pháp xây dựng đã hết thời hạn sử dụng.
Từ đó đến nay, trường đã qua sáu lần sửa chữa. Tại cuộc họp, phần lớn phụ huynh đều đồng ý xây mới trường, nhưng giữ lại kiến trúc cũ và giữ lại những hàng cây lâu năm.
Ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của người dân để công trình được xây hoàn thiện nhất. Ông khẳng định việc xây mới Trường Châu Văn Liêm hoàn toàn dựa trên vị trí cũ, số tầng cũ, ngay cả hoa văn chi tiết, màu sơn, cửa gỗ cũng sẽ giống kiến trúc cũ.
“Tất cả cây xanh trong khuôn viên trường đều được giữ lại chứ không đốn hạ” - ông Khiếm nói.
Trong khi đó chiều cùng ngày, ông Trần Thanh Mẫn - bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho biết: “Tôi đã liên hệ với đại sứ Pháp, ngài đại sứ Pháp cũng đã vô trường hai lần. Pháp nghiên cứu hơn ba năm và cho biết duy tu, trùng tu cũng khó.
Quyết định xây dựng trường mới thì dư luận người đồng tình, người không đồng tình nên cần xem xét, khảo sát lại.
Trường này nếu tiếp tục để như vậy thì ngành giáo dục không đảm bảo chịu trách nhiệm. Ai chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố? Đây mới chỉ là kế hoạch, chưa phải đập, chưa làm gì hết”.