Còn khoảng 10 ngày, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận - Đồng Nai) được khánh thành và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, những ngày qua nhiều ôtô, xe máy tự ý lưu thông vào tuyến cao tốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn. |
Hiện, tuyến chính cao tốc dài có tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng này đã được hoàn tất thảm nhựa. Tuy nhiên, tại một số đoạn của dự án, đội ngũ kỹ sư, công nhân vẫn còn thi công lắp đặt các hạng mục cuối cùng. |
Dọc toàn tuyến có biển cảnh báo khu vực thi công, cấm vào, song nhiều tài xế vẫn tự ý lưu thông qua tuyến cao tốc chưa cho thông xe để rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến Phan Thiết và ngược lại. |
Theo ghi nhận của Zing, trong lúc nhóm công nhân, kỹ sư đang thi công đổ bê tông cho hạng mục khe co giãn trên cao tốc, đoạn gần nút giao quốc lộ 1A, thì bất ngờ một tài xế lái xe bán tải lao nhanh qua khu vực. |
Sự việc khiến quá trình thi công bị gián đoạn và đội ngũ công nhân, kỹ sư phải xử lý lại phần bê tông vừa đổ vào khe co giãn. |
Khe co giãn vừa được lắp đặt đã bị lệch sau khi bị tác động lực từ xe bán tải. |
Đội ngũ thi công khắc phục khu vực khe co giãn bị xe bán tải cán qua khi lớp bê tông vừa được đổ. Theo các kỹ sư tại hiện trường, hạng mục này đã thi công được hơn 10 ngày, và hiện trong giai đoạn cuối cùng. "Trong quá trình này, chúng tôi đã giăng dây, để bảng cảnh báo không đi vào khu vực, các xe khác đều quay đầu trở ra, nhưng không hiểu sao người này vẫn lao nhanh vào không ai cản kịp", một kỹ sư nói. |
Sau đó, công nhân phải lắp các bao xi măng tạm để tài xế xe bán tải ra khỏi khu vực thi công khe co giãn. |
"Chúng tôi từ TP.HCM đi Phan Thiết, nghe có tuyến cao tốc nên đi thử, không biết khu vực đang thi công nên vô ý chạy vào, mong được thông cảm", một người cùng đoàn giải thích. |
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đến nay đạt 95% tổng khối lượng và còn nhiều đầu việc phải hoàn thiện trước khi đưa vào khai thác. Việc người dân tự ý lưu thông vào khu vực công trường không chỉ có nguy cơ gây tai nạn mà còn ảnh hưởng quá trình thi công dự án. |
Người dân lưu thông trên cao tốc, đoạn gần nút giao quốc lộ 1A. |
Hồi đầu tháng 4, Ban quản lý Dự án Thăng Long đã có văn bản gửi tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận nơi dự án đi qua, về việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tự ý di chuyển vào đường cao tốc. Đồng thời, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu triển khai giải pháp ngăn chặn tình trạng người và phương tiện lưu thông trên tuyến đường. Trong ảnh là đoạn gần nút giao quốc lộ 1A. |
Nhiều tài xế phớt lờ các biển báo khi công trình chưa được đảm bảo an toàn. Trong ảnh là đoạn cao tốc qua sông Nhạn (Đồng Nai). |
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo dự kiến khánh thành dịp 30/4. Đồ họa: Tiến Hoàng. |
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h. Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo.
Dự án được khởi công tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022 nhưng sau đó gia hạn đến 30/4 năm nay.
Cùng với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (dài 63,4 km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) cũng khánh thành vào dịp 30/4.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.