Đồng hồ điểm 8h. Trên con đường Hồng Bàng tại quận 5, nơi tập trung đông người Hoa nhất TP.HCM, cánh cổng ngôi nhà bán bánh dừa dần hé ra. Mùi thơm của bột mì, dừa sên hay cadé, sầu riêng thoang thoảng khiến những "cái bụng đói" đi qua là muốn tạt vào.
Có một xe đẩy ở trước cửa. Bên trên nó là những chiếc khuôn gang để nướng món bánh dừa nổi tiếng của người Triều Châu. Phải khoảng 8h30, một người đàn ông khoảng 60 tuổi mới xuất hiện. Ông nở nụ cười dễ chịu và luôn gửi kèm câu cảm ơn với mỗi vị khách mua hàng.
Đó là ông Trang Vĩnh Phát, chủ nhân xe bánh dừa hơn 40 năm tuổi ở Sài thành.
Bánh xưa, bánh nay
"Bánh dừa xưa khác giờ lắm. Vỏ nó dày hơn, nhân chỉ có đậu xanh với dừa. Mà bánh xưa cái quan trọng nhất là phải ngọt. Bánh mà không ngọt, khách sẽ chê ngay", ông Phát nói về hương vị bánh dừa xưa của người Hoa.
Theo ông Phát, những chiếc bánh dừa này là món ăn truyền thống của người Triều Châu. Họ chỉ truyền cho những người trong gia đình, không dạy nghề cho người ngoài. Ông Phát sinh ra ở Việt Nam nhưng có bố mẹ là người gốc Hoa. Món bánh này là do ông được anh rể chỉ dạy.
Bánh dừa chú Phát đã biến tấu nhiều so với "bản gốc" như phần vỏ lá dứa, nhân có thêm bơ sữa, sầu riêng, bơ đậu phộng... |
Trong trí nhớ của người đàn ông 60 tuổi, chiếc bánh hồi năm 12-13 tuổi ông ăn không đa dạng nhân như mình bán bây giờ. Ông cũng thích bánh hồi xưa với dừa, đậu xanh. Nhưng giờ, dừa vẫn còn được chuộng chứ đậu xanh họa lắm một ngày mới có người mua.
Ông bảo đậu xanh là món yêu thích của người Hoa. Tuy nhiên, giờ ít ai chuộng nó. Trước kia, ông cũng bán nhưng ế quá nên thôi. Thỉnh thoảng, chỉ có một, hai người 70-80 tuổi đến hỏi nhưng cũng đành lắc đầu bảo không có.
Chiếc khuôn có tuổi đời 70 năm được ông Phát coi như báu vật. |
Cái vị ngọt giờ cũng được giảm đi đáng kể. Vì xu hướng giờ mọi người thích những món ít ngọt, ai cũng sợ tiểu đường, béo phì. Vỏ bánh bớt dày hơn xưa để phần nhân có thể nhiều thêm. Làm vậy, khách mới thích. Những người cùng thế hệ ông Phát, họ có khi ăn chẳng cần nhân. Chỉ cần cái vỏ bánh từ bột mì, trứng gà là đủ khoái rồi.
"Giờ đa số đánh bại thiểu số. Khách thích sao thì mình cũng phải thay đổi. Nhưng cá nhân tôi thấy làm vậy cũng đúng chứ có một, hai nhân ăn mãi người ta ngán nhanh", ông chia sẻ.
25 năm rong ruổi
Cạnh lò nướng của ông Phát bây giờ còn gắn thêm cái quạt làm mát. Thế mà, mồ hôi ông đôi khi vẫn vã như tắm vì hơi nóng của cái lò nướng. Thỉnh thoảng, người nhà lại phải đưa ông cái khăn để lau cho bớt. Nhưng với ông, như này đã là sướng lắm rồi.
Trước khi có điểm bán ổn định ở đây, ông từng phải đạp xe khắp ngõ ngách ở TP.HCM để rao bánh. Cái tiếng rao ấy vẫn cứ văng vẳng bên tai ông. Chỉ cần ai hỏi, ông có thể kể lại như chuyện mới ngày hôm qua.
Chiếc bánh dừa chuẩn người Hoa phải có vỏ to, làm từ bột mì, trứng gà để tạo độ mềm, xốp và hương thơm chuẩn. |
Vào năm 1980, ông Phát có xe bánh dừa đầu tiên bên một bến đò. Khoảng 10 năm sau, khi bến đò bị giải tỏa, ông mới chuyển sang khu Tản Đà (quận 5), đối diện khách sạn Thiên Hồng. Từ đó, cái tên bánh dừa Tản Đà cũng trở nên nổi tiếng.
Có giai đoạn, ông bán ở nhà riêng tại quận 8 nhưng chỗ này nhỏ, đường đi khó tìm. Thế nên, gần đây, cả nhà quyết định thuê mặt bằng ở quận 5 để việc buôn bán tiện hơn.
"Thời gian đầu thực sự khổ. Tôi chỉ nặng có 42 kg nhưng ngày nào cũng phải đẩy xe bánh dừa đi khắp ngõ ngách thành phố. Mà quan trọng, mình phải tới đúng giờ để người ở đó biết tên, nhớ mặt. Phải khoảng 25 năm từ ngày đầu tiên bán bánh, tôi mới có thể dừng một chỗ ổn định. Lúc ấy, cuộc sống mới bớt cực", ông tâm sự.
Ông Phát ban đầu không theo nghề bánh dừa của gia đình mà đi làm công nhân. Tuy nhiên, công việc quá vất vả khiến ông suy nghĩ lại. Thế rồi, ông theo phụ anh rể bán bánh 3 ngày. Đến ngày thứ 4, ông tự ra bán một mình.
Phần nhân bánh được làm thủ công hoàn toàn bởi những người trong gia đình. |
Công việc bán bánh trong những ngày rong ruổi thực ra cũng vất vả chẳng kém công nhân. Dù vậy, thứ ông có là sự tự do. Ông tâm sự mình làm chủ, dù là buôn bán nhỏ, vẫn thích hơn bị gò bó. Hôm nào bán sớm thì bán, hôm nào bán trễ cũng chẳng ai la. Đôi khi, ông cũng có thể dành cho mình một ngày nghỉ nhưng hầu như là rất ít.
Có một điều ông Phát tiếc nuối đó là chiếc xe đồng hành của ông từ ngày đầu tiên đã hỏng, phải bỏ đi. Với ông Phát, nó như người bạn đồng hành "vào sinh ra tử". Đợt giãn cách kéo dài 6 tháng năm ngoái, chiếc xe phải để ngoài đường vì căn nhà ở quận 8 bé quá. Thế rồi, nó hỏng. Ông tiếc lắm nhưng cũng đành bỏ và chỉ chụp lại tấm hình kỷ niệm trước khi chia tay "ông bạn già" của mình.
Cha truyền con nối
"3 năm sau khi làm nghề, tôi cưới vợ. Từ đó đến giờ, cuộc sống cứ tất bật sáng sớm làm bột, rồi bán bánh đến chiều về. Tiền kiếm được lo cho cuộc sống gia đình. Quay ngoắt một cái, tôi đã thấy mình 60 tuổi. Già thật rồi", chủ xe bánh hơn 40 năm tuổi nói khi tay đang lau những giọt mồ hôi.
"Chú Phát" bảo cái nghề này nếu chăm cũng đủ sống. Chịu khó tiết kiệm thì ốm đau cũng chẳng cần nhờ ai. Nhưng nó cũng vất vả vì toàn bộ công đoạn đều được làm thủ công. Nguyên liệu hoàn toàn do nhà làm, không dùng hương liệu có sẵn vì sợ mất cái tiếng mình đã gây dựng bao lâu.
Cái ông Phát sợ nhất có lẽ là hại phổi. Ông nói mình bao năm làm nghề, cứ áp ngực sát cái bếp nướng, phổi chắc rồi cũng bị ảnh hưởng. Phải tới khi có chỗ bán cố định, ông mới lắp thêm quạt còn đỡ. Nhưng tạm thời, ông vẫn cứ vui vẻ vì ít ra, cái nghề của nhà cũng có người nối dõi.
Còn rất ít những xe bánh dừa chuẩn Triều Châu ở TP.HCM. Theo ông Phát, nhiều người giờ làm bánh dừa vỏ nhỏ, dùng các loại bột không chuẩn. |
Ông Phát có 4 đứa con, 2 trai, 2 gái. Tuy nhiên, chỉ có con trai út là theo nghề này. Cả 3 người còn lại đều có hướng đi riêng. Ông không buồn vì điều đó bởi làm nghề mình phải thích mới bền lâu được. Cũng như ông, khi xưa, chẳng ai bắt ông nối nghề cả. Đơn giản là ông thấy thích thì làm.
Có con út gánh vác chiếc xe đẩy (nay đã là cửa hàng), ông cũng yên tâm phần nào. Ở tuổi 60, sức ông không còn như xưa. Chỉ đứng lâu một lúc, ông đã đau nhức hết người. Bây giờ, mọi công đoạn làm bánh, con trai ông đều đã thành thục. Nhờ thế, ông Phát mới có thể thong thả mỗi sáng và chỉ qua đây để phụ thêm.
Theo chủ tiệm bánh, những xe bánh dừa chuẩn Triều Châu ngày xưa đã hiếm. Bây giờ, số còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lớp trẻ hầu như không thích theo nghề này nữa vì vất vả, tiền không nhiều.
"Tôi thấy nghề này cũng được chứ, chẳng áp lực, lại tự làm chủ. Ai thấy vui sẽ làm được lâu dài", ông nói.