Ngày 22/5, mạng xã hội xuất hiện clip ôtô lưu thông trên đường với ô che nắng gắn trên nóc. Đoạn clip đã tạo ra nhiều tranh luận xoay quanh tính đúng, sai của hành vi này.
Anh Nguyễn Quang Tuấn, người kinh doanh ô che nắng ôtô tại Hà Nội cho biết sản phẩm này xuất hiện tại thị trường Việt Nam vài năm gần đây, đặc biệt đắt hàng vào mùa nắng nóng. Anh khẳng định công dụng chính chỉ để che nắng khi ôtô dừng đỗ, không nên dùng để lưu thông trên đường.
Ôtô gắn ô che nắng lưu thông trên đường. Ảnh: Trieu Trinh. |
Chia sẻ với Zing.vn, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ xử lý của Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Công an Hà Nội) cho biết việc ôtô, xe máy lắp thêm mái che nắng khi lưu thông trên đường là vi phạm luật giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Ông Quỹ nhận định gió lớn có thể khiến mái che bị thổi bay, gây nguy hiểm cho người đi đường. Mặt khác, hệ thống mái che cồng kềnh sẽ làm giảm tầm nhìn của các phương tiện xung quanh. "Ngay cả việc người đi xe đạp mang theo ô cũng đã là sai luật", ông Quỹ nhấn mạnh.
Khoản 2, điều 55 Luật Giao thông đường bộ đã quy định: "Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
Nhiều xe máy đi trên đường cũng lắp đặt thêm mái che nắng. Ảnh: Thắng NĐ. |
Theo ông Quỹ, trường hợp xe máy lắp thêm mái che, mức phạt sẽ từ 800.000 đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đến 2 triệu đối với tổ chức (căn cứ điểm c, khoản 4, Điều 30 Nghị định 46/2016 của Chính phủ).
Với ôtô, mức phạt được căn cứ theo điểm a, khoản 9, điều 30 Nghị định 46/2016. Theo đó, chủ ôtô có hành vi tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đến 8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 triệu đến 16 triệu đồng đối với tổ chức.