Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xe trong bãi tạm giữ bị cháy, CSGT có phải bồi thường?

Luật sư cho rằng nếu tài xế vi phạm giao thông bàn giao phương tiện cho cảnh sát thì lực lượng chức năng phải bồi thường nếu hỏa hoạn xảy ra không có dấu hiệu hình sự.

Khuya 30/3, hỏa hoạn xảy ra tại bãi tạm giữ xe trên đường Thống Nhất, phường Bình Thọ, TP Thủ Đức, TP.HCM khiến hàng chục xe máy bị thiêu rụi.

Đây là nơi CSGT thành phố Thủ Đức tạm giữ phương tiện của người vi phạm giao thông. Sau vụ cháy, nhiều người thắc mắc ai sẽ bồi thường thiệt hại tài sản cho chủ xe?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hợi, Phó trưởng bộ môn Luật Dân sự của Đại học Luật Hà Nội, đánh giá trong vụ việc này, cơ quan công an trước hết cần điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn để xác định chủ thể bồi thường thiệt hại.

Nếu kết quả điều tra cho thấy vụ cháy có dấu hiệu hình sự do ai đó gây ra, cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.

Chay bai giu xe  cua CSGT anh 1

Bên trong một bãi tạm giữ xe vi phạm luật giao thông. Ảnh: N.H.

Theo tiến sĩ Hợi, căn cứ kết quả điều tra và giám định giá trị các phương tiện bị cháy, người gây ra hỏa hoạn sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các chủ xe. Nếu công an xác định người gây ra vụ việc mất năng lực hành vi dân sự (như tâm thần) thì người giám hộ sẽ phải làm thay việc bồi thường.

Trong trường hợp cơ quan điều tra xác định vụ cháy do chập điện tại bãi tạm giữ hoặc do một trong số phương tiện xe máy phát hỏa và gây cháy lan, việc bồi thường sẽ căn cứ Điều 601 Bộ luật Dân sự. Ông Hợi phân tích xe máy, ôtô là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ xe sẽ là chủ sỡ hữu nguồn nguy hiểm cao độ này.

Tuy nhiên, chủ xe máy hoặc tài xế vi phạm luật giao thông bị CSGT lập biên bản, ra quyết định tạm giữ phương tiện. Sau đó, các phương tiện này được đưa về bãi trông giữ xe.

"Như vậy, chủ sở hữu đã bàn giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác quản lý, ở đây là lực lượng ra quyết định tạm giữ xe. Khi xảy ra hỏa hoạn, người quản lý phải bồi thường thiệt hại, trừ khi 2 bên có thỏa thuận khác", tiến sĩ Hợi nêu quan điểm.

Theo Phó trưởng bộ môn Luật Dân sự của Đại học Luật Hà Nội, việc chuyển giao tài sản được thể hiện qua biên bản tạm giữ xe vi phạm, xác nhận tình trạng phương tiện trước khi bị tạm giữ và các quyết định khác do cơ quan có thẩm quyền xác lập.

Về việc bồi thường, theo quy định của Bộ luật Dân sự, các bên liên quan được tự thỏa thuận về cách thức và mức bồi thường thiệt hại. Họ có thể thống nhất với nhau để thuê một đơn vị độc lập giám định giá trị tài sản.

Trường hợp không tìm được tiếng nói chung, một trong các bên có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường.

Cháy bãi giữ xe tang vật ở TP Thủ Đức

Bãi để xe máy rộng hơn 500 m2 trên đường Thống Nhất, phường Bình Thọ (TP Thủ Đức), bốc cháy ngùn ngụt khiến nhiều phương tiện bị thiêu rụi.

Hoàng Lam ghi

Bạn có thể quan tâm