Clip ghi cảnh cô giáo Vân Anh (37 tuổi) - chủ nhóm lớp Tuổi Hoa (Thanh Trì, Hà Nội) - tát liên tiếp 7 cái vào mặt cháu K. (3 tuổi) trong khi cho ăn cháo khiến nhiều người phẫn nộ. Chỉ trong phòng 2 phút, giáo viên này cũng liên tiếp đút cháo vào miệng, bắt học sinh ăn như... cái máy.
Trời đánh còn tránh miếng ăn
Điều khiến nhiều độc giả bất bình, không những giáo viên liên tiếp tát 7 cái vào trẻ mà còn cố gắng nhét cháo vào miệng khi cháu chưa kịp nuốt hết. Nhiều người đánh giá, nữ giáo viên mầm non thiếu kiên nhẫn và trình độ hiểu biết, không xứng đáng làm nghề nuôi dạy trẻ.
Độc giả Lễ Nguyễn viết: "Xem xong clip mà rớt nước mắt. Bé trai rất ngoan, con trai mình cũng bằng tuổi bé, ở nhà bố mẹ cưng như trứng mỏng, đến lớp lại bị hành hạ, thật vô lý. Những vụ việc này đã diễn ra quá nhiều".
Bạn Hoàng Công Lưu cho rằng ngày càng nhiều cô giáo mầm non hành nghề mà cái tâm không còn trong sạch. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị phát hiện, còn thực tế dưới góc khuất camera sẽ có những điều kinh khủng mà phụ huynh không biết.
Sau khi sự việc xảy ra, nữ giáo viên tát học sinh trong clip nức nở nói lời xin lỗi: “Tôi biết mình sai rồi. Tôi biết nói gì hơn ngoài lời xin lỗi phụ huynh và chấp nhận những hậu quả sẽ đến với mình”.
Nhiều độc giả cho rằng, không thể chấp nhận lời xin lỗi của cô giáo Vân Anh và đề xuất đưa ra những mức xử lý nghiêm. Ngoài ra, việc giáo dục con trong mỗi gia đình cần được phụ huynh thay đổi cách nhìn nhận.
Hình ảnh cắt từ clip. |
Facebook Lê Hiền có bài viết nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của đông đảo bậc cha mẹ. Người này cho rằng, ngoài việc trách cô giáo, bố mẹ cũng đóng góp một phần lớn gây ra hậu quả con bị bạo hành, bởi áp lực tăng cân trong mỗi bữa ăn của con.
“Các cháu đều có đầy đủ tay chân, mắt mũi, đều đã ở lứa 2 đến 5 tuổi. Vậy tại sao phải đút, và nhồi y như cái cảnh mấy bà bán gà vịt ngoài chợ nhồi thức ăn để có cân nặng. Tôi vẫn nghe việc phụ huynh cứ hàng tuần, hàng tháng đong đo xem con lên hay xuống cân. Nếu con lên cân thì khen, thậm chí thưởng cho cô giáo, con không lên cân thì trách móc. Chính cái muốn đó của phụ huynh tạo áp lực khổng lồ lên các cô giáo”, người mẹ này nêu quan điểm.
Theo chị Hiền, bằng cách này, phụ huynh khiến những đứa trẻ sợ ăn hoặc béo phì vì nhồi nhét quá mức: “Trời đánh tránh miếng ăn – tại sao lại biến bữa ăn của con thành địa ngục?”.
Theo nữ phụ huynh, cải cách giáo dục phải bắt đầu từ nhà trẻ và mẫu giáo. Quan trọng nhất với lứa tuổi này là tự học ăn, học nói, học giao tiếp với bạn bè và mọi người. Những năm tháng đầu đời là thời gian quan trọng giúp con định hình mọi thứ.
Cha mẹ, phụ huynh nên biến bữa ăn của các con thành trò chơi để các bé vui và thưởng thức ngon lành, thay vì hình ảnh “một đàn gà bị đem nhồi trước khi bán”.
Cần giải pháp triệt để
TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội nêu: Giáo viên đánh con trẻ không chỉ là hiện tượng đơn lẻ mà đã thành vấn đề nghiêm trọng, cần giải quyết.
Nữ tiến sĩ đề xuất: Phương án xử lý là xem xét lại toàn bộ từ khâu bằng cấp giáo viên, cách quản lý của trường mầm non, những vấn đề liên quan bữa ăn, giấc ngủ của trẻ tại trường và mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường.
Một trong những nguyên nhân khác chính là tâm lý của giáo viên, mong muốn trẻ tăng cân và chiều cao đều đặn. Tâm lý này tạo sức ép lớn đến giáo viên mầm non.
Song hành với nó là mong muốn thành tích ở trường tiểu học. Chính lý do này đã phá vỡ không gian an toàn của trẻ, gây ra những bức xúc không đáng có trong cuộc sống tuổi thơ của các em và tạo ra áp lực với giáo viên. Những giáo viên non tay, hiểu biết tâm lý trẻ kém, kiến thức khoa học không đủ, thậm chí là không có, rất dễ để mọi việc đi đến cực đoan.
Vì vậy, cần giải phóng tâm lý thành tích và cân nặng cho trẻ của cả giáo viên và phụ huynh. Điều đó thậm chí còn khiến trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt hơn hiện nay.
Ngoài ra, TS Hương cho rằng, việc thiếu kiểm soát bằng cấp giáo viên cũng là vấn đề gây ra những hậu quả đáng tiếc.
“Tôi từng chứng kiến những giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở nuôi giữ trẻ tư nhân hoàn toàn không có bằng cấp sư phạm. Tình trạng này diễn ra khá nhiều khiến việc nuôi dạy trẻ không được đảm bảo. Việc kiểm soát bằng cấp giáo viên rất cần sự ra tay của các cơ quan chức năng”, nữ tiến sĩ cho biết.
Bà cũng cho rằng lương bổng cho giáo viên cần được xem xét. Tại nhiều nơi, giáo viên mầm non có mức lương từ 2 – 3 triệu đồng/tháng, các cô giáo khó có thể sống tốt. Áp lực cuộc sống sẽ khiến khả năng kiên nhẫn của các cô giáo giảm sút gây ra những vấn đề nghiêm trọng khi đang chăm sóc và dạy dỗ trẻ.
Cuối tháng 5 vừa qua, Facebook Họ Vũ Tên Dung chia sẻ hình ảnh bé 16 tháng tuổi bị cô giáo đánh khiến nhiều người xót xa. Hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng đồng cảm với gia đình.
Trong tháng 4, một học sinh lớp hai tại trường tiểu học Phúc Ứng (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng bị giáo viên, đồng thời là chị họ của mình, đánh tím chân.
Sự việc diễn ra ngày 19/5, cô giáo tên Thắm đã đánh học sinh này tại nhà riêng của em. Giáo viên dạy hợp đồng sinh năm 1993 nêu, là họ hàng nên đánh học sinh với suy nghĩ dạy dỗ tốt hơn. Lý do cô giáo này đánh thâm tím học sinh là em viết sai một chữ trong bài kiểm tra cuối học kỳ hai vừa qua.
Trong tháng 4, học sinh lớp 1 là em Thủy (xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai) bị cô giáo đánh thâm tím mặt. Thời gian dài sau đó, tâm lý của em vẫn hoảng loạn. Thủy luôn lo sợ, giật mình khóc và tránh tiếp xúc người lạ.