Ngày nay khi đã mòn chân theo nghiệp làm thuốc tôi mới hiểu ra cái hay của ngành nha. Ông cha ngày xưa ắt hẳn đã đúc kết kinh nghiệm thừa kế từ cuộc đấu tranh chống bệnh tật khi khẳng định cái răng, cái tóc là gốc con người. Làm người có ai muốn mất gốc bao giờ!
Trục trặc nhỏ làm hỏng chuyện lớn
Thuở còn khoác áo sinh viên y khoa vào đầu thập niên 1970, hầu như ngày nào tôi cũng phải “chịu đựng” một ông thầy nổi tiếng hóc búa với học trò. Thời đó, ông hay kể câu chuyện nghe hoài đến nhàm tai nhưng nay khi đã quá nửa đường đời, tôi mới thấm thía lời nhắn nhủ của người thầy xưa. Chuyện kể về một người lần đầu lên thành phố sắm chiếc radio sau nhiều tháng thắt lưng buộc bụng để tập làm sang. Về đến nhà, chưa kịp uống ly nước cho thấm giọng, anh đã vội vàng trịnh trọng đặt máy lên giữa bàn, trước đôi mắt trầm trồ thán phục của thân bằng quyến thuộc đang nóng lòng chờ đợi dấu hiệu của cuộc sống văn minh.
Nhưng nỗi hãnh diện chưa kịp dâng cao đã vội tịt ngòi một cách phũ phàng vì sau khi cắm điện, máy lại im re! Tiếng đài phát thanh ở đâu không biết, chỉ nghe toàn giọng xuýt xoa tiếc rẻ pha lẫn chê bai của… thính giả dù được mời miễn phí! Tất nhiên, khổ chủ đâu chịu mất mặt dễ dàng đến thế với hàng xóm láng giềng, bèn vội vã cong lưng chở máy trở lại nơi bán hàng để… mắng vốn! Đến nơi thì quái lạ làm sao, máy lại phát thanh ngon lành, tiếng vừa trong lại vừa rõ. Mặt mày hớn hở như trạng nguyên trong buổi vinh quy bái tổ, anh phóng xe trở về làng với vận tốc tưởng chừng nhanh hơn cả sóng truyền thanh! Tuồng cũ trước đó vài giờ lại được diễn tiếp với đầy đủ cử tọa, từ vai chính đến khán giả. Ôi thôi, bút mực nào tả cho xiết gương mặt tẽn tò của gia chủ, vì chiếc máy phát thanh lại câm như hến! Vặn tới vặn lui, xoay ngang xoay dọc, máy vẫn trơ trơ như cố tình trêu tức khổ chủ. Quá tức giận anh thẳng tay đập tan chiếc máy phát thanh còn mới toanh mà vô dụng.
Là bệnh nhân, có ai không muốn được định đúng bệnh cho sớm, chữa lành bệnh cho nhanh?! |
Ít ngày sau đó, khi câu điện để thắp ngọn đèn đêm, anh tình cờ mới vỡ lẽ là ổ cắm điện đã bị mất… điện! Không điện thì radio nào cất tiếng cho nổi? Biết ra thì quá muộn màng. Chỉ vì mãi chú trọng tìm kiếm lý do cầu kỳ nên anh đã bỏ quên nguyên nhân rất đơn giản, trong tầm tay.
Trăm sự cũng tại… hàm răng
Với người có kinh nghiệm trong nghề chữa bệnh kiếm cơm, câu chuyện vừa kể không có gì mới lạ. Rất nhiều bệnh chứng tưởng chừng như phức tạp vô cùng vì chữa hoài không xong, trên thực tế lại liên quan với bệnh nguyên thường khi không quá rắc rối. Rất thường khi nguyên nhân của nhiều bệnh chứng nhiêu khê gói trọn trong hai… hàm răng. Thầy thuốc đã xác định từ nhiều thập niên trước đây mối liên hệ mật thiết giữa nhiều chức năng tâm sinh lý và tình trạng khỏe mạnh của hàm răng. Nói rõ hơn, có người còn rất trẻ mà lại đau tim chỉ vì nướu răng cứ thường nhiễm trùng mưng mủ, có người trước đó bản tính yêu đời bỗng thậm chí sinh tật trầm uất chỉ vì mang chiếc răng sâu mà không biết. Chạy chữa đủ kiểu vẫn trong cảnh lay lắt nay đau mai yếu. Đến khi may mắn nhờ nha sĩ ra tay, dù chỉ có chủ ý chữa bệnh răng miệng, nhiều bệnh chứng trầm kha kia bỗng nhiên biến mất như có phép lạ!
Kết quả cụ thể của hàng loạt công trình nghiên cứu đã là tiền đề giúp các nhà điều trị thuộc trường phái y khoa sinh học đi xa hơn nữa để hệ thống hóa tiêu chuẩn chẩn đoán thông qua vị trí và tính chất bệnh lý ghi nhận trên hàm răng.
Coi chừng nhồi máu cơ tim do… đau răng
Bệnh răng miệng sớm muộn cũng là dấu hiệu báo động cho bệnh khác, sâu xa hơn và thường khi nghiêm trọng hơn. Cho nên nếu có bệnh răng miệng thì nên liệu mà chữa cho sớm, chữa cho dứt để trừ hậu họa. Cho dù không vui gì khi phải đến nha sĩ nhưng lỡ có cuộc sống khó tránh căng thẳng thần kinh, như ở xứ mình, nên xem việc khám răng định kỳ không chỉ vì lý do thẩm mỹ hay vệ sinh, mà là một biện pháp phòng bệnh toàn diện. Một thống kê ở Thụy Điển cho thấy 90% doanh nhân có vấn đề với bệnh tim mạch, điển hình là tình trạng thiếu máu động mạch vành, đều có bệnh răng miệng! Nếu biết được tỉ lệ tử vong hằng đêm do nhồi máu cơ tim chắc chắn không mấy ai còn tiếc rẻ chút thời giờ cho một lần khám răng!
Đồng nghiệp trong ngành nha nhiều lúc phải chịu cảnh thiệt thòi vì quan điểm thiếu bình đẳng của giới thầy thuốc quen chữa khắp người nhưng quên… bộ răng! Sinh viên trường y nào mà không thuộc lòng câu châm biếm “Có chừng đó cái răng mà phải học đến sáu năm!”. Trong thiên niên kỷ mới, chiếc ghế trong phòng nha sẽ không chỉ dùng để nhổ, trám, trồng… răng mà còn là phương tiện để nha sĩ và y sĩ tay trong tay thực hiện nhiều phác đồ điều trị và dự phòng trong ý nghĩa toàn diện.
Còn có thêm một lý do để tôi soạn bài này: Vì không còn trẻ như xưa nên răng cũng đã bắt đầu ê ẩm với cuộc đời. Viết vội ít hàng này thực ra để mong nếu đến ngày phải ngồi lên ghế trồng răng thì hy vọng đồng nghiệp nào đó sẽ thương tình mà… nhẹ tay!