Theo Người Lao Động, trong số 1.226 hồ sơ đủ điều kiện được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay, nhiều hồ sơ thuộc diện phải xem xét lại. Riêng ngành Y tế có 19 hồ sơ, trong đó có hồ sơ của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Trả lời Zing.vn tối 28/2, GS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y tế năm 2017, nguyên Giám đốc Học viện Quân y - cho hay: “Thông tin có bao nhiêu hồ sơ để lại xem xét, cụ thể những trường hợp nào tôi không dám nói vì chưa có sự thống nhất giữa chủ tịch hội đồng giáo sư ngành và tổ công tác”.
Theo GS Khánh, chủ trương chung là Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước sẽ báo cáo kết quả và xin ý kiến Thủ tướng.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Thanh Hải. |
Trước đó, với trường hợp của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dư luận đặt câu hỏi bà tập trung thời gian cho quản lý, không tham gia giảng dạy, nhưng vẫn được xét duyệt hồ sơ giáo sư? Chất lượng hồ sơ phong giáo sư có đảm bảo?
GS Phạm Gia Khánh cho biết về tiêu chí giảng dạy bà Tiến đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ lấy bằng và đang đào tạo 3 nghiên cứu sinh. Bà tham gia giảng dạy tại ĐH Y dược TP.HCM, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn, giảng dạy tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Bộ trưởng có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn.
Về nghiên cứu khoa học, bà Tiến chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước, số đề tài cấp bộ đã nghiệm thu là 6, cùng 15 đề tài cấp cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến có 91 bài báo khoa học, 14 bài đăng trong tạp chí quốc tế ISI, tổng điểm quy đổi cao (34,38). Trong khi đó, chức danh giáo sư chỉ yêu cầu 20 điểm. Bà Tiến có 2 cuốn chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn.
Về nghiên cứu khoa học, bà Tiến chủ trì 2 đề tài cấp Nhà nước, số đề tài cấp bộ đã nghiệm thu là 6, cùng 15 đề tài cấp cơ sở.
Ở nước ngoài, người đứng đầu ngành y tế thỉnh giảng 2 nhiệm kỳ của ĐH Oxford, Anh.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng Bộ Y tế - nói giới học thuật trên thế giới đã ghi nhận với những quy định khắt khe hơn ở Việt Nam, vậy không lẽ gì bộ trưởng lại không được công nhận giáo sư?
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, nói nghiên cứu, giảng dạy của Bộ trưởng Tiến ảnh hưởng thời gian quản lý là không đúng, vì bà cũng là nhà khoa học.
Khi được hỏi: “Bộ trưởng làm quản lý thì không có thời gian nghiên cứu, giảng dạy để đạt đủ số thời gian lên lớp?”, ông Xuân Trường trả lời bộ trưởng vẫn đi dạy và giảng bài ở các trường đại học, cơ sở y tế. Đó là những kiến thức không có trong trường mà thực tế của toàn ngành.
Cũng theo ông Trường, hai việc làm quản lý và nghiên cứu hỗ trợ cho nhau tốt hơn trong việc truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau.
Theo GS Nguyễn Anh Trí - nguyên Giám đốc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương - bộ trưởng, thứ trưởng nếu có danh hiệu phó giáo sư, giáo sư là tốt, còn lại không quá cần thiết.
"Nếu các bộ trưởng có thời gian gắn liền sự nghiệp đào tạo, viết sách, hướng dẫn nghiên cứu sinh thì có thể làm giáo sư. Nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng một người đã lên cấp quản lý như thứ trưởng, bộ trưởng rất khó có thể hoàn thành đủ bộ hồ sơ xét duyệt giáo sư. Bởi những quy định về số giờ giảng dạy, số lượng nghiên cứu sinh… đều rất chặt chẽ", GS Trí nói.
Nếu bình quân giảng viên giảng mỗi ngày 2 tiếng (tương ứng 2 tiết), trong một tuần, họ phải dạy 3-4 buổi đều đặn mới đủ số giờ dạy để xét duyệt. Vậy thứ trưởng, bộ trưởng làm quản lý, thời giờ đâu để giảng dạy? Điều này cần được xem xét sao cho đúng mực.