Đại đa số học sinh không có vấn đề gì về xếp loại hạnh kiểm, nhưng cũng có những trường hợp cá biệt làm ảnh hưởng quyền lợi và tương lai của học sinh.
Mỗi trường mỗi kiểu xếp hạnh kiểm!
Mặc dù mỗi trường khi xếp loại hạnh kiểm của học sinh đều dựa trên những quy định của bộ, nhưng tùy hoàn cảnh cụ thể và ý kiến của hội đồng nhà trường mà mỗi trường sẽ có thêm những quy định khác.
Trường THCS N đưa ra quy định: Học sinh phải ra khỏi lớp trong giờ ra chơi, em nào không ra bị hạ hạnh kiểm một bậc. Đó là điều hết sức phi lý. Càng phi lý hơn khi trường bắt học sinh chọn một trong hai hình thức xử phạt khi phạm lỗi: Một là đến phòng giám thị để chấp nhận bị đánh, hai là mời cha mẹ đến trường làm việc.
Trường hợp của em L.V.H. (trường THPT H) thật đáng suy nghĩ. Em thường hay phạm những lỗi về nội quy như đồng phục, nói chuyện, vì vậy cũng thường bị thầy cô ghi vào sổ đầu bài. Cuối năm, em bị xếp loại hạnh kiểm yếu, phải rèn luyện đạo đức trong hè.
Trong thời gian nghỉ hè, em ra Hà Nội chơi và theo bạn bè đua đòi nhuộm tóc. Khi quay lại trường rèn luyện, em nhuộm đen lại nhưng tóc chưa kịp ăn màu. Dù đã hết sức cố gắng và có giáo viên chủ nhiệm xin bảo lãnh, nhưng H. vẫn bị xếp loại hạnh kiểm yếu và ở lại lớp. Năm sau, em chỉ học nửa học kỳ và nghỉ học luôn.
Một trường khác khá có tiếng ở thành phố đưa ra quy định học sinh không được dùng điện thoại trong trường. Không được dùng trong giờ học là đúng, nhưng có những trường hợp khi đã tan học, các em chưa ra khỏi cổng trường gọi điện thoại cho mẹ, ngay lập tức bị giám thị bắt và hạ một bậc hạnh kiểm! Như vậy là quá nghiêm khắc và cũng oan cho học sinh.
Đối với học sinh học lực khá, hạnh kiểm khá không thành vấn đề, nhưng đối với những học sinh học lực loại giỏi, hạnh kiểm khá lại rất bất lợi. Vì như vậy, em chỉ được xếp loại học sinh tiên tiến, quan trọng hơn những em có nguyện vọng du học sẽ không còn cơ hội.
Trường hợp em N.V.T. là một ví dụ: Cả năm chỉ một lần vắng học không phép và một lần bị ghi sổ đầu bài vì không thuộc bài môn sử, em bị xếp hạnh kiểm loại khá. Trước đó, em thi đạt điểm TOEFL rất cao và được một trường đại học ở Mỹ cấp học bổng, nhưng em không còn cơ hội đi du học nữa khi cuối năm xếp hạnh kiểm loại khá, đồng nghĩa chỉ đạt danh hiệu học sinh khá dù học lực giỏi.
Có những em vì hoàn cảnh gia đình bố mẹ chia tay, tâm lý không ổn định, nghỉ học nhiều ngày, dẫn đến bê bối trong học tập và có thái độ bất cần. Khi ra hội đồng xét duyệt hạnh kiểm, rất nhiều ý kiến xếp em loại trung bình, nhưng may có một giáo viên lớn tuổi đứng dậy phân tích tâm lý, hoàn cảnh cần nâng đỡ em. Cuối cùng, em đã được xếp hạnh kiểm khá, vượt qua được cơn sốc về gia đình, về sau em đã rất chững chạc và vững vàng trong cuộc sống.
Nhưng cũng có những trường hợp ngược lại. Học sinh phạm lỗi có hệ thống và lỗi rất nặng thuộc về bản chất: Dùng tài liệu trong giờ kiểm tra, lăng nhục thầy cô, tìm mọi thủ đoạn để được điểm cao... nhưng phụ huynh là người rất “vai vế”, dùng đủ chiêu bài “trấn áp” nhà trường và giáo viên. Kết quả học sinh đó vẫn được nhẹ tay trong xếp loại hạnh kiểm!
Không xếp loại vì những lỗi nhỏ
Người xưa nói “nhân vô thập toàn” - không một ai là hoàn hảo, không một ai không có khuyết điểm. Học sinh tuổi hiếu động sơ sẩy lỗi này hay lỗi khác là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, không nên xếp loại hạnh kiểm học sinh vì những lỗi nhỏ có tính chất tiểu tiết như đồng phục, đi trễ, tóc dài... không thuộc về bản chất nhân cách, chỉ nên hướng dẫn giải thích và tha thứ để các em nhận rõ điều không nên làm, nên sửa. Chỉ những lỗi nặng có tính chất hệ thống về phạm trù đạo đức nhân cách mới nên xử phạt.
Trong thực tế, rất nhiều em khi đi học hay nghịch ngợm, mắc lỗi này lỗi khác, nhưng ra đời lại là người thành công, biết sống yêu thương, san sẻ. Nhiều em khi thành công đã về trường tài trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tri ân thầy cô mà rất nhiều em khác không làm được.
Dù xếp loại hạnh kiểm học sinh theo tiêu chuẩn, quy định nào cũng nên nhớ rằng, nhà trường là nơi giáo dục chứ không phải nơi kết án. Xếp loại hạnh kiểm cho học sinh không đúng sẽ ảnh hưởng cả cuộc đời các em.
Hãy làm sao để sau này khi các em ra đời, trưởng thành nhìn lại ngôi trường với lòng tri ân sâu sắc: Đó là nơi nếu các em có lỡ vấp ngã thì được yêu thương, nâng đỡ đứng dậy chứ không phải bị vùi dập!
Các hình thức xét duyệt
Có những học sinh vì hạnh kiểm không tốt mà cả cuộc đời bị thay đổi theo chiều hướng xấu, trở nên hư hỏng hơn, bỏ học giữa chừng, mang tâm lý bất mãn suốt cuộc đời hoặc mất cơ hội du học nước ngoài dù tất cả tiêu chuẩn khác đã đủ.
Cách thức xếp loại hạnh kiểm cho học sinh mỗi trường tiến hành một cách khác nhau. Trường thì hoàn toàn do giáo viên chủ nhiệm quyết định, trường phải có sự tham gia của giáo viên bộ môn, rồi phải thông qua một buổi họp giữa các giáo viên và chủ nhiệm của từng khối, trường thì đặt nặng vai trò của giám thị... Mỗi cách làm đều có những ưu điểm và những điều bất cập.
Nếu chỉ để một mình giáo viên chủ nhiệm hoặc thầy, cô giám thị quyết định hạnh kiểm của học sinh cần tránh tình trạng định kiến hoặc thiên vị.
Những trường hợp học sinh bị hạ hạnh kiểm không phải do khống chế vì xếp loại học lực, nên chăng cần có một hội đồng xét duyệt thấu tình đạt lý để học sinh tâm phục khẩu phục và tạo điều kiện cho các em sửa chữa lỗi lầm.