Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp. Ảnh: Phương Lâm. |
Ngày 14/4, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Trong đó, đối với việc xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; Bộ GD&ĐT quyết định vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng CDNN nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT thông tin khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn là trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.
Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của CDNN đang được xếp theo Thông tư liên tịch số 20,21,22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì giáo viên sẽ được bổ nhiệm vào CDNN tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.
Trước đó, các Thông tư số 01-03 được địa phương triển khai thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc như: Giáo viên mầm non khi chưa đạt các tiêu chuẩn của CDNN hạng II mới thì được bổ nhiệm CDNN hạng III mới và chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A0 (2,10), tuy nhiên, Thông tư số 01 chưa hướng dẫn cụ thể việc xếp lương trong trường hợp này.
Bên cạnh đó, giáo viên tiểu học, THCS khi đạt tiêu chuẩn để bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0) thì những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.
Tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT Bộ GD&ĐT cũng điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN. Cụ thể, bộ chỉ quy định 1 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN.
Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng CDNN và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên tương ứng với từng cấp học.
Khi bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN giáo viên tương ứng theo quy định tại các Thông tư 01-04 và khi chuyển CDNN thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.
Bộ GD&ĐT cũng bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng CDNN và chỉ quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả hạng. Khi bổ nhiệm sang hạng CDNN tương ứng giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng CDNN cũ.
Đồng thời, bộ đã điều chỉnh thời gian giữ CDNN giáo viên mầm non hạng III từ 9 năm xuống còn 3 năm để thống nhất với các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, thời gian giữ CDNN giáo viên mầm non hạng II sẽ tăng từ 6 năm lên 9 năm để đảm bảo tuân thủ quy định của Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời để giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.