Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xét tuyển bổ sung thế nào để dễ trúng tuyển?

Trong đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh phải nộp bản gốc phiếu báo điểm thi tốt nghiệp THPT.

Từ hôm biết điểm chuẩn của các trường đại học, trong khi nhiều bạn vui mừng, Nguyễn Tiến Linh (Hà Nội) lại tiếc nuối. Điểm thi tốt nghiệp THPT tổ hợp A01 của em đạt 27,4 điểm, IELTS 7.0 nhưng Linh đã trượt đại học trong đợt 1 xét tuyển.

Cân nhắc kỹ

“Em chủ quan, nghĩ điểm cao nên chỉ đăng ký 4 nguyện vọng vào những ngành hot của ĐH Kinh tế Quốc dân và ĐH Ngoại thương. Khi hai trường báo điểm, em mới biết mình đã trượt đại học”, Linh chia sẻ.

Theo dự đoán của các chuyên gia, năm nay, nhiều thí sinh điểm cao không trúng tuyển đợt 1.

hoc sinh lop 1 nhap vien anh 1

Thí sinh xác nhận nhập học tại trường ÐH Hà Nội. Ảnh: Diệp An/Tienphong.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết có em chủ quan, tự tin, chỉ đăng ký vào vài mã hot, điểm cao mà không đăng ký dự phòng mã ngành thấp.

“Trường hợp 27,4 điểm không trúng tuyển vào trường đại học Kinh tế Quốc dân chúng tôi rất tiếc”, ông Triệu nói.

Ông khẳng định, với mức điểm đó, thí sinh chắc có nhiều trường để chọn tiếp. Tuy nhiên, các trường tốp đầu thường đã tuyển đủ.

“Nhưng cũng là cơ hội để một số trường tuyển được thí sinh giỏi. Người tài thì ở đâu cũng sẽ phát huy được”, ông nói.

Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi thông tin theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT còn 40% số trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1. Thí sinh còn nhiều cơ hội vào các trường, ngành nghề khác nhau. Một số trường danh tiếng cũng tuyển bổ sung cho một số ngành.

“Cơ hội còn nhiều, các em hết sức tỉnh táo để không mắc bẫy theo kiểu ai nhanh thì trúng ai chậm thì trượt như một vài trường vừa qua. Sau ngày 10/10, các trường mới được nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung. Bộ cũng quy định khung thời gian xét tuyển bổ sung tối thiểu là 15 ngày”, ông Thạc nói.

Theo ông, thí sinh hết sức cân nhắc nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vì phần lớn các trường sẽ thu luôn bản gốc phiếu báo điểm. Thí sinh thực sự yêu thích, nhìn thấy cơ hội thì nộp luôn. Nếu không, các em phải cân nhắc vì các trường không được lọc ảo nên cũng muốn chắc chắn có thí sinh.

Phụ huynh cần chống sốc cho thí sinh

Do năm nay phổ điểm cao nên một số thí sinh đạt điểm cao trượt đợt 1 xét tuyển. Chống sốc cho con, cùng con chuẩn bị tâm lý bước vào các đợt xét tuyển bổ sung là điều cần thiết đối với các bậc phụ huynh.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), thí sinh cần hiểu, suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực khi bản thân đối diện nỗi thất vọng lớn như điểm khá cao. Các em rất cố gắng nhưng vẫn không đạt điều mình mong đợi là bình thường.

“Trốn chạy là một trong những biện pháp giải quyết khủng hoảng thí sinh thường dùng”, ông lý giải.

Theo ông, các em hoàn toàn không nhận ra, những cảm xúc, suy nghĩ này sẽ sớm qua đi nếu tiếp tục ra ngoài và chia sẻ. Tuy nhiên, do không có người đồng hành, giúp đỡ vượt qua, các em bị “mắc kẹt” trong những cảm xúc tiêu cực, cảm thấy mình thật vô giá trị nên tìm cách kết thúc nó.

“Với những người có dấu hiệu thu mình và suy nghĩ tự tử, cha mẹ nên ở bên, động viên con thay đổi cách nhìn nhận về thất bại như cơ hội học hỏi. Phụ huynh đừng giờ làm con bẽ mặt hoặc xấu hổ. Phụ huynh hãy nhắc nhở rằng, điều kiện tiên quyết cho một tương lai tươi sáng là con cần phải sống. Cùng với việc động viên, cha mẹ cũng cần loại bỏ những loại vật dụng có thể gây hại đến cơ thể. Nếu các em có dấu hiệu trầm cảm về tâm lý, cần can thiệp sớm trước khi quá muộn để xử lý”, ông Nam khuyên.

ĐH Thăng Long nói gì về việc thí sinh xếp hàng chờ xét tuyển bổ sung

Hàng nghìn phụ huynh, thí sinh xếp hàng xuyên đêm để chờ nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào ĐH Thăng Long (Hà Nội).

https://www.tienphong.vn/giao-duc/xet-tuyen-bo-sung-lam-the-nao-de-trung-tuyen-1732573.tpo

Nghiêm Huê/ Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm