Theo quy chế tuyển sinh 2017 quy định, thí sinh được đăng ký với số nguyện vọng không hạn chế trong đợt xét tuyển thứ nhất khiến nhiều trường đại học lo ngại thí sinh ảo tăng mạnh, ảnh hưởng việc xác định điểm chuẩn.
Vì vậy, các trường liên kết lập nhóm để thực hiện bước tiền lọc ảo. Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT sẽ chuyển dữ liệu chung cho cả nhóm, sau đó chạy trên phần mềm để đưa ra điểm chuẩn phù hợp với từng trường thành viên. Việc tham gia nhóm hoàn toàn không ảnh hưởng tự chủ trong xét tuyển của các trường.
Đây cũng là một trong những nội dung chính được các vị khách mời đề cập trong chương trình giao lưu trực tuyến về tuyển sinh do báo Người Lao Động tổ chức ngày 11/5.
Thuận cho trường, lợi cho thí sinh
Điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay là sự hình thành hai nhóm xét tuyển ở khu vực phía Bắc và phía Nam. Dự kiến, mỗi nhóm xét tuyển có từ 40 đến 60 trường đại học, cao đẳng sư phạm cùng tham gia.
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục chủ trì thành lập nhóm xét tuyển chung ở khu vực phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra). ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chủ trì nhóm trường ĐH xét tuyển phía Nam với 50-60 trường (từ Quảng Bình trở vào).
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: "Các trường tham gia nhóm sẽ nhận kết quả từ phần mềm lọc ảo chung để biết ngoài đăng ký nguyện vọng vào trường của mình, thí sinh còn đăng ký ở bao nhiêu trường khác, ở nguyện vọng nào, từ đó các trường đưa ra điểm chuẩn phù hợp".
Các vị khách mời cho rằng việc tham gia nhóm xét tuyển chung còn đem lại lợi ích cho thí sinh, giúp các em có thông tin đầy đủ, chính xác để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào trường phù hợp số điểm thi của mình. Việc thành lập nhóm xét tuyển chung có thể lọc được khoảng trên 80% đến 90% thí sinh ảo. Các trường ĐH tham gia nhóm trên tinh thần tự nguyện, có sự cam kết bằng văn bản.
Các trường trong nhóm sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển và kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 do Bộ GD&ĐT cung cấp để thực hiện xét tuyển đợt một.
Nhóm xét tuyển cũng không can thiệp vào việc xét tuyển của mỗi trường thành viên. Các trường tự chọn điểm chuẩn và điều chỉnh thông số tuyển sinh phù hợp từng ngành nghề.
Với việc xét tuyển như vậy, các trường có thể yên tâm rằng khi một thí sinh trúng tuyển thì chỉ có thể vào trường mình hoặc bỏ không học chứ không trúng tuyển 2 nơi khác nhau.
Thí sinh sẽ không bị trượt oan
Trả lời báo chí trước đó, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết việc thành lập nhóm xét tuyển giúp các trường và thí sinh đều có lợi. Bởi vì khi các trường xác định được điểm chuẩn xét tuyển vào các ngành, thí sinh sẽ không bị trượt oan.
Với cách làm này, các trường sẽ tự lọc ảo trong nhóm mình. Sau đó, 2 nhóm cùng đưa ra cổng thông tin của Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ lọc những học sinh chuyển từ phía Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Như vậy, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất vào hệ thống của trường trong cả nước. Các trường sẽ không có thí sinh ảo nữa.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, giải thích rằng trong đợt xét tuyển đầu tiên, nếu không liên kết thành nhóm để trao đổi thông tin, mỗi trường chỉ biết thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường mình, không biết thí sinh này đã trúng tuyển hay chưa trúng tuyển ở những trường khác.
Lợi ích rõ ràng nhất của thí sinh là tăng khả năng trúng tuyển của các em. Ví dụ, năm 2016, một số trường đưa ra điểm chuẩn cao quá nên chỉ tuyển được 40% đến 80%. Với việc tham khảo số liệu phần mềm lọc ảo chung của nhóm, các trường sẽ đưa ra điểm chuẩn phù hợp và điều này cũng giúp thí sinh không bị rớt oan.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: Anh Tuấn.
|
Xét tuyển theo học bạ hay kết quả thi?
Tuy nhiên, việc xét tuyển theo nhóm cũng gây băn khoăn cho các trường có nhiều phương thức xét tuyển.
Nhiều trường có 2 loại chỉ tiêu (một loại xét theo kết quả thi THPT quốc gia, một xét theo học bạ) trong khi nguyên tắc trúng tuyển nguyện vọng cao nhất lại chỉ áp dụng với diện xét kết quả thi. Do đó, không loại trừ được ảo cho dù chính các trường này có tham gia nhóm.
Việc chống ảo sẽ không hiệu quả nếu dữ liệu xét tuyển không lọc được số lượng thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức khác trước khi tham gia vào phần mềm xét tuyển chung như xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng...
Đặc biệt, trong năm nay, bên cạnh số lượng lớn thí sinh trúng tuyển bằng học bạ vào các trường ngoài công lập, nhiều trường ĐH công lập lớn cũng tuyển thẳng học sinh giỏi các trường phổ thông từ kết quả học bạ.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng riêng đối với các diện xét tuyển khác (ngoài diện xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia) như thí sinh được tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển từ các trường chuyên, các trường thuộc top 100 hoặc 200, thí sinh phải xác nhận nhập học trước ngày 20/7. Nghĩa là, các thí sinh này cũng thuộc diện được lọc ảo.
Như vậy, năm nay, học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu và trường có điểm thi THPT quốc gia cao của 2 năm trước sẽ chỉ còn một cơ hội trúng tuyển. Nếu đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh đó không được tham gia xét tuyển bằng kết quả thi.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay, 50% thí sinh chỉ đăng ký từ 1-3 nguyện vọng, 30% thí sinh đăng ký 4-5 nguyện vọng.
Như vậy, 80% thí sinh đăng ký từ 1-5 nguyện vọng. 18% thí sinh đăng ký từ 6 đến 10 nguyện vọng.
Cũng theo thống kê này, 98% thí sinh đăng ký từ 1-10 nguyện vọng. Chỉ 2% đăng ký từ 11-48 nguyện vọng (một thí sinh đăng ký 48 nguyện vọng).
Trong 2% này, gần 1,7% thí sinh đăng ký từ 11-15 nguyện vọng và chỉ có hơn 0,3% thí sinh đăng ký trên 15 nguyện vọng.