Trong 4 ngày (từ 26-29/4), TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử vụ án Buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới do Hà Tuấn Dũng (tức Dũng “mặt sắt”) cầm đầu liên quan đến 3 công ty có đăng ký tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - buôn lậu 508 chiếc ôtô hạng sang đã qua sử dụng sang Trung Quốc.
Ngoài 22 bị can bị đưa ra xét xử sơ thẩm, còn Dũng “mặt sắt” cùng 3 bị can khác đang bỏ trốn, nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra bị can, đến khi bắt được sẽ xử lý sau.
Ôtô cũ “biến” thành xe mới
Theo cáo trạng, đêm 5/5/2013, tại khu vực giáp biên thuộc huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh), Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) phối hợp với các đơn vị chức năng tạm giữ 15 người đang vận chuyển ôtô băng qua cống ngầm sang biên giới sang Trung Quốc.
Tại cuộc đột kích, lực lượng phá án đã thu giữ 55 xế hộp hạng sang (phần lớn đã lắp biển kiểm soát của Trung Quốc) cất giấu chờ thông quan để trong khu chợ, sân ban quản lý chợ, bãi tập kết xe container gần khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà).
Trong số xe ôtô thu giữ có 25 chiếc thuộc công ty TNHH Tuấn Đông; 29 chiếc thuộc công ty Tân Đại Dương và 1 chiếc thuộc công ty CP Xuất nhập khẩu quốc tế NC.
Từ số xe chờ làm thủ tục xuất qua biên giới bị thu giữ, Bộ Công an đã xác minh, tất cả 55 chiếc xe ôtô hạng sang này đều đã qua sử dụng, số khung xe bị tẩy xóa, năm sản xuất của xe kê khai trong hồ sơ Hải quan không đúng với năm sản xuất thực tế.
Các bị cáo trong phiên tòa. |
Các công ty trên đã cố tình hợp thức hóa xe cũ thành xe mới, nhằm buôn lậu xuyên biên giới (vì đây là hàng thuộc danh mục “tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX) - kể từ ngày 30/9/2012).
Mở rộng điều tra xác minh được băng nhóm này đã tự tạo dựng đối tác, làm giả các hợp đồng, hóa đơn thương mại mua bán xe ôtô (chưa qua sử dụng) với đối tác “ma” ở Hồng Kông và Trung Quốc, nhưng thực chất là buôn bán ôtô đã qua sử dụng đưa từ nước ngoài vào Việt Nam để rồi tuồn sang Trung Quốc tiêu thụ.
Trở lại vụ việc 55 chiếc xe ôtô chưa kịp tẩu tán bị bắt giữ và 500 chiếc ôtô hạng sang từ Việt Nam qua Trung Quốc trót lọt cho thấy rõ mức độ tinh vi và sự câu kết chặt chẽ với lực lượng thực thi như Hải quan và Biên phòng...
“Trùm” buôn lậu vẫn thoát lưới pháp luật
Mọi đầu mối điều tra ngay sau đó đã tập trung vào “ông trùm” thao túng vùng biên là Hà Tuấn Dũng (tức Dũng “mặt sắt”) - người điều hành “ngầm” của công ty Tuấn Đông và bảo kê cho công ty Tân Đại Dương. Trong số 26 bị can bị khởi tố trong vụ án này, có 13 bị can thuộc công ty Tuấn Đông.
Do là “ông trùm” đứng sau chỉ đạo cho Bùi Tiến Quảng - Giám đốc và các cộng sự thực hiện các công đoạn từ lúc nhận xe và mở tờ khai tại Cảng Cái Lân đến khâu “lo lót” thủ tục và xuất xe qua của khẩu Bắc Phong Sinh sang Trung Quốc. Cáo trạng điều tra cho thấy: Từ ngày 13/3 - 3/5/2013, Quảng ký hợp đồng mua và bán 138 xe ôtô TNTX.
Liên quan đến công ty Quốc tế Tân Đại Dương (do Nguyễn Mạnh Hà làm giám đốc) - cáo trạng đã thể hiện đơn vị này ký hợp đồng vơi đối tác Hồng Kông mua 370 chiếc xe hơi và đã được Hải quan Bắc Phong Sinh làm thủ tục giám sát xuất 367 chiếc (Hải quan Hoành Mô xuất 3 chiếc).
Tại thời điểm bị phá án, Tân Đại Dương cũng còn 29 chiếc xe hạng sang chưa kịp tẩu tán. Công ty thứ 3 góp mặt vào đường dây buôn lậu này là công ty CP XNK quốc tế NC - khi có đến 100 chiếc xe mở tờ khai và đã thông quan trót lọt 99 chiếc, chiếc duy nhất còn lại đã bị tạm giữ...
Điều đáng quan tâm là vai trò của Dũng “mặt sắt”, hiện bản cáo trạng mới chỉ thể hiện một phần, bởi nghi phạm này và 3 người khác thuộc lãnh đạo công ty CP XNK quốc tế NC đã kịp tẩu thoát ngay khi vụ án được phá. Theo các bị cáo khai tại tòa, mỗi chiếc xe đi lọt qua biên giới sẽ phải chi lại cho Dũng “mặt săt” từ 15-17 triệu đồng/chiếc.
Tại phiên tòa, tổng số 22 người bị xét xử, có 2 bị can là cán bộ Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh đã tiếp tay cho hành vi buôn lậu là Triệu Hoài Anh và Bùi Quang Anh. Tuy nhiên điều thắc mắc trong vụ việc, là bản cáo trạng đã thể hiện rõ: Bùi Tiến Quảng (công ty Tuấn Đông) khai đã chi cho Hải quan Cái Lân số tiền 15 triệu đồng/xe, nhưng trong lần xét xử này lại không hề thấy bóng dáng một cán bộ Hải quan Cái Lân nào bị đưa ra trước pháp luật.
Còn những cán bộ thuộc lực lượng Biên phòng (Đồn Biên phòng số 19, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) với dấu hiệu tiếp tay cho đường dây buôn lậu này, dư luận mong sớm công khai khi mà việc điều tra, xử lý là do phía Bộ Tư lệnh Biên phòng chịu trách nhiệm.