Gần một tuần sau khi em Thủy (xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai) bị cô giáo đánh thâm tím mặt, tâm lý của em vẫn hoảng loạn. Thủy luôn lo sợ, giật mình khóc và tránh tiếp xúc người lạ.
Liên tiếp bạo hành, xâm hại
Chia sẻ trên Zing.vn, một độc giả thốt lên "Xin đừng đánh vào mặt con", khi nhìn đôi mắt bầm tím và gương mặt đáng thương của Thủy.
Bạn Thanh Trần chia sẻ: “Tôi cứ suy nghĩ mãi không hiểu vì sao một giáo viên với gần 15 năm kinh nghiệm mà lại đánh vào mặt, vào đầu một đứa trẻ. Phải chăng cô giáo này chưa lập gia đình?".
Vết thương trên gương mặt Thủy sẽ lành lặn theo thời gian nhưng những hằn sâu về tinh thần chắc hẳn không dễ mất đi với cô bé vừa bước vào lớp 1.
Trường hợp của Thủy chỉ là một trong số những vụ việc về bạo lực học đường, khiến nhiều người đặt câu hỏi: "Trường học có còn là nơi an toàn cho trẻ?".
Cũng tại Lào Cai, một thời gian ngắn qua, liên tiếp các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện. Công an tỉnh vừa khởi tố Đỗ Văn Nam - nhân viên bảo vệ Trường tiểu học bán trú La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương), với cáo buộc dâm ô 14 học sinh. Nam thừa nhận đã dùng kẹo và bim bim để dụ dỗ các em.
Ngay sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sa Pa tiếp tục bắt giữ nam giáo viên Trường tiểu học Bản Khoang để điều tra việc ông này bị tố dâm ô với học sinh lớp 5 tại trường.
Bạo lực hay xâm hại tình dục trẻ em đều khiến phụ huynh lo lắng về môi trường giáo dục an toàn cho trẻ. Ảnh minh họa. |
Vấn đề bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em ở trường học khiến nhiều phụ huynh lo lắng. TS tâm lý Nguyễn Thị Minh – Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ: Trẻ em bị bạo hành hay xâm hại tình dục đều gây ảnh hưởng cả về thể xác lẫn tinh thần.
Trẻ thường có các biểu hiện bất thường như đêm tè dầm, mút tay nhiều, ánh mắt lấm lét, không dám đến nơi bị xâm hại. Trẻ thường khóc trong đêm, ăn quá nhiều hoặc bỏ ăn, nói lắp hoặc nói dối…
Hầu hết trẻ ở trường mầm non và đang học cấp 1, nhất là đối với trẻ vùng sâu, vùng xa đều chưa được trang bị kiến thức bảo vệ thân thể, có thể lực yếu.
Xử lý nghiêm người làm tổn thương trẻ
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định, nhà trường cần có trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em bạo lực thể chất và tránh bị xâm hại tình dục. Đặc biệt, những trường nội trú nơi vùng cao nên được chú ý.
“Việc để hàng chục học sinh Trường tiểu học bán trú La Pán Tẩn bị xâm hại là vấn đề nghiêm trọng và trách nhiệm thuộc về nhà trường. Tôi thấy vô lý khi tình trạng kéo dài, đến bây giờ mới được phát hiện?”, TS Tùng Lâm bày tỏ quan điểm.
Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, trách nhiệm cao nhất thuộc về thầy hiệu trưởng, thậm chí họ nên xin từ chức.
Là nhân viên trường - những người đảm nhiệm công tác giáo dục - nếu làm tổn thương trẻ, cần xử lý nghiêm. TS tâm lý Nguyễn Thị Minh – Học viện Hành chính Quốc gia đề xuất: Những hành vi làm tổn thương đến con trẻ nên phạt nặng.
“Một thân cây mỏng manh khi bị vết móng tay bấm vào, theo thời gian vẫn hằn sâu. Sức đề kháng của các em rất yếu, kinh nghiệm sống còn non nớt, cần được gia đình, nhà trường, xã hội và truyền thông bảo vệ”, TS Minh phân tích.
Để môi trường giáo dục tin cậy và an toàn hơn, một độc giả đề xuất: "Ngành giáo dục nên bổ sung điều kiện hành nghề của giáo viên, đó là chứng chỉ về đạo đức và sự nhẫn nhịn".
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ngoài việc xử lý nghiêm thầy cô, cần áp dụng kỹ năng mềm, giới tính để giúp trẻ phòng vệ khi gặp tình huống xấu để tạo môi trường giáo dục trong sạch.
Hơn ai hết, thầy cô nên là người tư vấn, cởi mở cùng học sinh, đặc biệt là học sinh miền núi thường ít giao tiếp, có tâm lý ngại ngùng, sợ sệt.
Tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nơi TS Nguyễn Tùng Lâm là hiệu trưởng, học sinh được dạy về cách xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm.
Nhận xét về mô hình tư vấn trong nhà trường, TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết, qua khảo sát các trường THCS, THPT tại Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Khánh Hòa..., trên 90% học sinh gặp khó khăn, vướng mắc về tâm lý và các em đều có nhu cầu được tư vấn.
Tuy nhiên, việc triển khai phòng tâm lý trong trường học còn nhiều hạn chế. Nhiều trường chưa có giáo viên tư vấn chuyên trách, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm. Đa số góc tư vấn ghép chung với phòng y tế hoặc phòng Đoàn - Đội.
Giáo viên tâm lý chủ yếu phải làm việc ngoài giờ hành chính… Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn nghĩ phòng tư vấn dành cho người bị tâm thần.