Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Xin nghỉ phép, đi nước ngoài chỉ để xem idol Hàn, Trung

Ngay từ đầu năm, Thủy Tiên (sinh năm 1995) đã lên kế hoạch tiết kiệm ngày nghỉ phép và tiền bạc để dành cho dịp tham gia concert của nhóm The Boyz ở Thái Lan vào tháng 7.

fan du idol kpop anh 1

Tiếp xúc Kpop 10 năm nay và hiện là fan các chàng trai The Boyz, nữ nhân viên văn phòng ở Hà Nội từng bỏ ra 40 triệu đồng để mua album và may mắn trúng fancall (trò chuyện với thần tượng qua video call trong thời gian giới hạn) của thần tượng.

“Hôm đó, mình được nói chuyện giao lưu với các thành viên, trực tiếp bày tỏ tình cảm và gửi lời cổ vũ các thành viên”, cô kể với Zing.

Tương tự Thủy Tiên, dù bận rộn với guồng quay công việc, cuộc sống, không ít người hâm mộ Kpop vẫn cố gắng dành thời gian, tiền bạc để phục vụ sở thích của mình. Song khác với thời điểm còn đi học, cách ủng hộ thần tượng của những người hâm mộ đã đi làm cũng có nhiều khác biệt, cả về cách thức và tài chính.

Mạnh tay chi tiền theo thời gian

Khi còn đi học, do chưa tự chủ tài chính, Tiên chủ yếu ủng hộ tinh thần cho các nghệ sĩ yêu thích thông qua việc cày view, xem chương trình, phim ảnh, dần dần mới mua album nhạc, sản phẩm idol làm đại diện.

Tham gia khá sâu vào các hoạt động của fandom The Boyz nói riêng, từng là quản lý một forum cho cộng đồng fan và quan sát người hâm mộ nhóm nhạc khác, Tiên nhận xét những năm gần đây, cộng đồng fan Kpop chịu chi hơn rất nhiều. Có người bỏ hàng chục, hàng trăm triệu đồng để mua goods hay có cơ hội gặp mặt trực tiếp thần tượng.

“Điều này có thể lý giải bằng một số lý do như các gia đình hiện có kinh tế tốt hơn, độ tuổi fan Kpop rộng hơn, có nhiều người đi làm chứ không chỉ phần lớn là học sinh như trước. Hiện, mọi người cũng quen với khái niệm chi tiền để ủng hộ sản phẩm âm nhạc chứ không ‘nghe chùa’ như ngày trước nữa”.

Thu Trang (sinh năm 1995, phiên dịch viên tại một công ty công nghệ) cũng cảm thấy việc chi tiền cho thần tượng cũng giống như người khác đi du lịch, tập gym hay mua sắm, mỗi người có cách riêng để giải tỏa căng thẳng hoặc theo đuổi sở thích.

“Hiện mình cũng hoàn toàn đủ kinh tế và thời gian để thực hiện việc này, không làm ảnh hưởng đến khía cạnh khác trong cuộc sống".

Đầu tháng 9, fan nữ nhóm Monsta X đã xin nghỉ phép, chi 26 triệu đồng để sang Seoul (Hàn Quốc) xem đêm nhạc của thần tượng yêu thích 5 năm nay.

“Vì giờ mở bán vé sát ngày diễn, mình không thể đợi đến khi chắc chắn mua được vé mới bay sang nên đánh liều qua Hàn trước. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười. Concert hôm đó thật sự tuyệt vời”, Trang cho hay.

Khi trở về, fangirl 27 tuổi được sếp, đồng nghiệp hỏi thăm về chuyến đi “đu” idol, một số tỏ ra bất ngờ với hành trình của cô gái. Tuy nhiên, đối với một người hâm mộ ngoại quốc như Trang, những chuyến đi như vậy không có gì lạ và là một trong những cách thể hiện tình cảm đến nghệ sĩ mình yêu mến.

Hiện mỗi ngày, dù công việc bận rộn, cô đều dành khoảng 15 phút đến nửa tiếng để cập nhật tình hình, xem video của thần tượng trên YouTube hoặc Twitter.

Vất vả săn vé concert

Trở thành fan của nhóm nhạc BTS cách đây 4 năm, điều Huyền Thu (27 tuổi, Hà Nội) yêu thích nhất về thần tượng là khía cạnh âm nhạc, cụ thể là những câu hát truyền cảm hứng cho tuổi trẻ.

Năm 2019, Thu cùng hội bạn bay sang Seoul dự concert của nhóm. Trước đó, cả nhóm trải qua giai đoạn "săn vé" vất vả. Theo đó, concert BTS vốn rất đông khán giả và trải qua 2 vòng mua vé.

fan du idol kpop anh 6

Các mẫu có hình Tata - mẫu thú bông do thành viên V của BTS thiết kế, được Huyền Thu sưu tầm.

"Vòng đầu tiên là raffle (một dạng quay số bốc thăm), nếu trúng sẽ có cơ hội mua vé ở vị trí đẹp, gần sân khấu. Còn không, fan phải chờ tới lượt sau, khi mở bán những chỗ còn lại.

Tuy nhiên, fan quốc tế rất khó tự mua được vé ở vòng này dù canh từ rất sớm. Vậy nên, mình xác định trước nếu trượt vòng raffle thì chỉ có thể mua vé sang nhượng từ người bán hoặc đặt qua trung gian bên Hàn mua hộ với mức giá gấp 3-4 lần so với giá gốc", Huyền Thu giải thích.

Đến lúc dự concert, cả nhóm của Thu "xé lẻ" vì thời gian, vị trí ngồi của mỗi người lại ở các khu khác nhau.

"Xung quanh chỗ mình xem show toàn là các bạn người Hàn Quốc. Có một điều đáng yêu là các bạn hay chuẩn bị những món quà nho nhỏ tặng cho người bên cạnh. Mình nhận được một gói bánh, chai nước, một bộ sticker. Đó là lần đầu tiên đến concert nên mình không biết văn hóa này".

Hiện tại, Huyền Thu đang ngóng chờ đến giữa tháng 10, cô và hội bạn sẽ lần nữa bay tới Seoul để xem concert của BTS sau 2 năm show bị hoãn lại vì dịch bệnh.

"Lần này, mình chắc chắn chuẩn bị những gói quà nhỏ có món cà phê đặc trưng của Việt Nam để làm quà cho các fan xung quanh. Trong nhóm, ai có vé sẽ vào sân, còn không sẽ mua vé live play (livestream trên màn hình lớn bên ngoài SVĐ). Chỉ cần là concert của idol thì ở đâu chúng mình cũng cố gắng sắp xếp đến xem".

Liệu pháp xả stress

Cùng hội "đu BTS" với Huyền Thu, Hương Trà (27 tuổi, làm việc trong ngành du lịch) cho biết cả nhóm 5 người có một group chat chung, cùng nhau nói về các câu chuyện xung quanh idol.

Mỗi khi nhóm nhạc chuẩn bị tung MV "come back" hay có thông tin nào mới, cả nhóm lại lập tức rôm rả bàn tán liên tục. "Đu idol có đông bạn bè tất nhiên sẽ vui hơn là chỉ có mình mình hâm mộ", Trà cho biết.

fan du idol kpop anh 7

Theo Hương Trà, để fan quốc tế mua được vé giá gốc của concert BTS là rất khó. Những khán giả như cô phải chấp nhận mua sang nhượng với giá cao gấp nhiều lần.

Từng 2 lần bay sang nước ngoài để đi concert của BTS kết hợp với du lịch, Trà ước tính mỗi chuyến đi hết ít nhất khoảng 15 triệu đồng cho các khoản chi phí.

Với cá nhân Trà, "đu idol" là một trong những cách giúp bản thân xả stress, giải trí sau một ngày đi làm hoặc những khi gặp áp lực. Ngược lại, các idol cũng là động lực khiến cô tích cực "cày cuốc" hơn để có tiền đi xem concert.

Cũng như nhiều fan Kpop khác, Trà từng nghe người xung quanh nói việc bỏ tiền, thậm chí bay sang nước ngoài để xem idol diễn là phí phạm, vô nghĩa nhưng với cô, mỗi người một hệ quy chiếu và góc nhìn khác nhau, người không cùng sở thích sẽ không hiểu được. Cô chọn bỏ ngoài tai và tiếp tục thú vui của mình.

Không tập trung vào chi tiền như nhiều fan khác, Gia Huy (sinh năm 1996, làm việc trong ngành công nghệ) chủ yếu thể hiện sự ủng hộ Red Velvet qua việc nghe, nghiền ngẫm các bài hát của nhóm.

“Mình sẽ tìm hiểu hết ý nghĩa, bối cảnh, nội dung các bài hát bởi thích đi sâu vào khía cạnh chuyên môn âm nhạc. Khi idol come back, mình thường xem MV 1-2 lần, cảm nhận bài hát chủ đề và sẽ dành một buổi tối cuối tuần ở nhà để nghe toàn bộ bài hát còn lại trong album”.

Trước năm 2016, Huy thường nghe nhạc US UK, phần lớn là pop, rock và hip-hop R&B hay một số nhóm nhạc từ những năm 80-90 và một chút hiện đại. Anh thậm chí từng có chút định kiến với nhạc Kpop lúc bấy giờ.

“Dần dần, nghe một số bài hát của TWICE, Red Velvet, mình thấy khá thú vị và ‘lún sâu’ lúc nào không hay đồng thời xóa tan những định kiến trước đây. Cá nhân mình cảm nhận, Kpop và đặc biệt là Red Velvet có một thứ âm nhạc mang tính chuyên môn rất cao.

Những bản ballad, R&B hay pop của nhóm (hay Kpop nói chung) được phối bằng công sức và chất xám của rất nhiều nhà sản xuất kinh nghiệm. Điểm đặc biệt nữa mà mình thích ở Red Velvet là các cô gái có màu giọng khá đặc trưng, khi hòa âm tạo cảm giác thanh thoát và nghệ thuật”.

'Thẻ bo góc' là gì

Sau hơn một thập kỷ, "thẻ bo góc" vẫn giữ nguyên độ phổ biến của nó đối với cộng đồng fan Kpop.

Trà My - Ánh Hoàng

Bạn có thể quan tâm