Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Xin thầy, cô cho con tôi ở lại lớp'

"Lần đầu tiên trong đời dạy học và làm quản lý giáo dục, tôi được nghe người mẹ có nguyện vọng thiết tha xin cho con ở lại lớp", thầy Trần Văn Tám nói.

Biết trình độ và năng lực của con mình còn hạn chế, nữ phụ huynh quyết tâm cho cậu bé lưu ban lớp một để học lại cho vững.

"Người mẹ làm nhiều thầy cô của trường vừa ái ngại, vừa khâm phục", thầy Trần Văn Tám - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi, TP.HCM) - chia sẻ.

Được lên lớp thì... tội nghiệp cho cháu quá

Thầy Tám kể ông đã rất xúc động khi phụ huynh đề xuất như trên, dù các thầy cô đều cố gắng giúp nam sinh hoàn thành chương trình, để được lên lớp như bạn bè cùng trang lứa.

Cũng vào thời điểm này của năm ngoái, cậu học sinh lớp một của trường không đủ điều kiện lên lớp. Nhà trường nhờ giáo viên ôn tập riêng cho em, nhưng sau 2 lần kiểm tra lại, nam sinh vẫn không thể vượt qua.

benh thanh tich anh 1
Vẫn có những phụ huynh hiểu năng lực của con mình, không ép trẻ học giỏi bằng mọi cách. Ảnh minh họa: Phạm Trường.

Giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh đến trường trao đổi, đưa cho mẹ em xem các bài kiểm tra lại của con mình, đồng thời nhắc gia đình sắp xếp thời gian để kèm cặp thêm trong những ngày bé nghỉ hè. Đầu tháng tám, cô giáo đến nhà giúp em ôn tập, sau đó cho làm bài kiểm tra lần thứ ba.

Người mẹ thừa nhận sức học của con rất yếu. Hết năm lớp một, cháu chỉ viết được vài con chữ đơn giản, tính toán được cộng trừ trong phạm vi 5. Phụ huynh vui vẻ nhận lời phối hợp giáo viên.

"Sáng hôm kiểm tra lại lần thứ ba, thầy cô chờ mãi không thấy phụ huynh đưa con đến trường. Giáo viên chủ nhiệm gọi điện nhắc, người mẹ liền đáp: 'Mấy ngày nay, tôi suy nghĩ rất nhiều. Con tôi thật sự học rất yếu, chậm hiểu bài. Cô giáo nhiệt tình ôn tập, kèm cặp và thương tình cho nó lên lớp 2.

Tôi nghĩ cháu học cũng không nổi đâu, trí óc còn non nớt, học mười chưa nhớ một. Lên lớp 2 thì tội nghiệp, nó học không vô đâu. Cô nói với thầy trong ban giám hiệu nhà trường, tôi xin cho con ở lại lớp một để năm học tới cháu vững hơn'”, thầy Tám kể lại.

So sánh con bằng giấy khen, điểm 10

Câu chuyện trên của thầy hiệu phó ở TP.HCM khiến nhiều phụ huynh phải suy nghĩ, nhất là ở thời điểm cuối năm, tình trạng "ai cũng được giấy khen" diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp học. 

Không ít cha mẹ ép con học triền miên để cuối năm có thành tích xuất sắc, ôn thi vào những trường chuyên, lớp chọn. "Thông điệp điểm số" được chuyển tải một cách mạnh mẽ từ giáo viên, phụ huynh cho đám học trò.

"Bạn Hằng thi môn Tiếng Việt được 9 điểm, con cũng được 9, sao không được trường phát giấy khen như bạn ấy?". Đó là câu hỏi mà thầy H., giáo viên cấp hai tại TP.HCM, nhận được từ cháu mình. Giải thích cho bé hiểu về việc khen thưởng ở lớp, nam giáo viên thấy xót xa cho những đứa trẻ đã sớm suy nghĩ đến chuyện hơn thua ngay từ những ngày đầu tiên đi học.

"Từ bao giờ tư tưởng so sánh, ganh đua đã hình thành trong đầu đứa trẻ mới vào lớp một? Không chỉ cha mẹ, bây giờ, con trẻ cũng bị tiêm nhiễm sự so bì, hơn thua ấy", thầy H. nói.

Tương tự câu chuyện trên, chị Thanh Hương (quận Gò Vấp, TP.HCM) tâm sự sau thời điểm họp phụ huynh, chị nghe thấy lời trách mắng "oang oang" phát ra từ hàng xóm. 

"Hào học dở hơn con mà sao thi 10 điểm. Trước đây kiểm tra, con toàn 9, 10, sao lần này thấp vậy? Học như thế này sang năm sao thi được trường Trần Đại Nghĩa? Mẹ phải đổi thầy giáo dạy Toán hay thuê gia sư riêng cho con", chị Hương kể lại câu chuyện.

Cô Hiếu Hạnh, giáo viên tiểu học tại TP.HCM, nói nhiều phụ huynh lấy thành tích của con để quyết định mức đầu tư, và cả sự yêu thương dành cho chúng. Nhiều gia đình ra điều kiện con phải được loại giỏi, xuất sắc, bao nhiêu điểm 10, mới được thưởng; không đạt được thì không có gì, thậm chí bị mắng chửi.

"Trong một gia đình, một đứa học giỏi, một bé kém sẽ thấy ngay 2 thái cực khác nhau. Tất nhiên, khen thưởng để khích lệ con là việc nên làm nhưng đòi hỏi thành tích tuyệt đối với chúng là không nên, nhất là khi trẻ không có năng lực như vậy", cô Hạnh nêu quan điểm.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục của Microsoft, cho rằng cứ vào cuối năm học, “những kẻ yếu thế” lại tiếp tục trở thành nạn nhân bị “đày đọa” bởi cha mẹ “cuồng” điểm số và giáo viên “say” thành tích.

Bà Quyên kể khi còn là giáo viên dạy Hóa học tại một trường THCS ở TP.HCM, bà gặp cậu học sinh đạt 9 điểm kiểm tra học kỳ. Trước khi tan học, cậu bé vẫn khóc, thậm chí quỳ xuống xin: “Cô cho con 10 điểm, con xin cô đấy, nếu không con sẽ bị ba đánh”.

'Nếu điểm của 42/43 học sinh giỏi sai, trường phải cho kiểm tra lại' Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT thành phố Vũng Tàu thành lập đoàn thẩm định, xác minh thông tin lớp học có 42/43 học sinh giỏi.

UBND TP.HCM vừa chỉ đạo ngành giáo dục thành phố xem xét bỏ việc xếp hạng trong lớp học để không tạp áp lực thi đua, thành tích cho học sinh sau khi nghe các em thiếu nhi than về áp lực học tập.

Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở GD&ĐT TP.HCM nghiên cứu lại thời gian vào lớp buổi sáng cho học sinh trên địa bàn, sau nhiều ý kiến phản ánh giờ vào lớp hiện nay quá sớm. Đồng thời, sở cũng nên nghiên cứu tăng giờ nghỉ giải lao, giảm chi phí học ngoại ngữ ở các trường.

Hiện nay, một số trường có sĩ số lớp học quá đông, UBND thành phố đề nghị bỏ xếp hạng trong lớp, tránh gây áp lực tâm lý cho học sinh, cũng như giảm sức ép thi đua cho giáo viên.

UBND thành phố cũng yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu đổi mới cách thức kiểm tra (một tiết, 15 phút), đề thi cuối học kỳ theo hướng không chỉ nghiêng về lý thuyết, mà nên có kiến thức thực tế xã hội.

'Trường dạy kiểu gì mà 42/43 em một lớp có giấy khen học sinh giỏi'

Nhiều phụ huynh ngỡ ngàng, hoài nghi thành tích của con em mình, vì năng lực thực tế của các bé mâu thuẫn với điểm số và kết quả trên những tờ giấy khen.

Cả lớp học sinh giỏi vì phụ huynh gây áp lực, thầy cô lo thành tích

Nhiều giáo viên cho biết họ gặp áp lực thành tích từ nhiều phía, trong đó có kỳ vọng rất lớn của phụ huynh. Con học không giỏi, cha mẹ luôn nghĩ do thầy cô không dạy tận tâm.



Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm