Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xoày Trọng Chấm không cay cú khi bị so sánh với Cù Trọng Xoay

Nghệ sĩ Phạm Dũng, người thay thế cho nhân vật GS Cù Trọng Xoay trong chương trình “Hỏi xoáy đáp xoay”, chia sẻ rất cởi mở về vai trò mới này.

Xoày Trọng Chấm không cay cú khi bị so sánh với Cù Trọng Xoay

Nghệ sĩ Phạm Dũng, người thay thế cho nhân vật GS Cù Trọng Xoay trong chương trình “Hỏi xoáy đáp xoay”, chia sẻ rất cởi mở về vai trò mới này.

>>Xuân Bắc trở lại cùng 'Hỏi xoáy đáp xoay'

- Anh đã nhận được lời mời từ ekip “Hỏi xoáy đáp xoay” như thế nào? Theo anh, yếu tố nào đã khiến ekip “chấm” Phạm Dũng?

- Tự nhiên có một cú điện thoại hỏi tôi có thể tham gia được không. Tôi đã trả lời là từ năm 1976 đến giờ những chương trình mang lại niềm vui cho mọi người có bao giờ tôi từ chối đâu. Họ có nói rằng “cảm thấy anh có thể tham gia cùng chúng tôi để thay đổi gương mặt cho mới mẻ”, thế là tôi nhận lời. Chứ còn tôi rất ấn tượng cậu Cù Trọng Xoay kia. Từ trước khi tham gia chương trình này, tôi rất yêu vai diễn của Đinh Tiến Dũng. Tôi phải công nhận là người ta rất có duyên.

 Nghệ sĩ Phạm Dũng là gương mặt được ekip "Hỏi xoáy đáp xoay" nhắm tới để mang lại sự mới mẻ cho chương trình.

- Anh cũng biết vai GS Cù Trọng Xoay của Đinh Tiến Dũng thể hiện đã chiếm được rất nhiều cảm tình của khán giả, điều này có tạo áp lực gì cho học sĩ Xoày Trọng Chấm?

- Thứ nhất, trong các cuộc chơi không bao giờ tôi cảm thấy áp lực cả, nếu áp lực thì đã không chơi. Thứ hai, tôi cũng là người của công chúng cơ mà, nên đâu có ngại áp lực. Thực ra trong tất cả các lĩnh vực tôi từng hoạt động từ đóng phim, võ thuật, giảng dạy, xuất khẩu, sưu tầm… chưa bao giờ tôi thấy áp lực. Có lẽ hoạt động nhiều nghề như thế đã hình thành nên cho tôi một bản lĩnh khá “rắn”.

- Nhưng có một “tấm gương” đi trước là diễn viên Thu Huyền - trợ lý của Trần Xoáy khi phải thay cho diễn viên Xuân Bắc cũng đã bị khán giả chê khá nhiều, anh có biết không mà vẫn dũng cảm làm người thay thế?

Phạm Dũng sinh năm 1959 tại Hà Nội, từng tốt nghiệp khóa diễn viên - đạo diễn tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, hiện là tiến sĩ văn hóa dân gian - Phó Trưởng khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM. Không chỉ là diễn viên, đạo diễn, tác giả kịch bản, anh còn là võ sư, thầy giáo, nhà nghiên cứu gốm cổ, nhà sưu tầm đồ cổ và là một trong những người khởi xướng thành lập Hội Cổ vật Thăng Long.

- Tôi có nghe và có biết nhưng vẫn làm, đó không phải là dũng cảm vì cuộc chơi nào mà chả tiềm ẩn nguy cơ. Tôi nhắc lại đây là cuộc chơi và đã là cuộc chơi thì không nên tính toán. Mà nếu như tôi làm một cái gì đó thua cả chị Thu Huyền và thua cả cậu Đinh Tiến Dũng thì tôi cũng cảm thấy rất tự hào, vì có mình thì người ta mới có cái so sánh, để có thể nhìn nhận ra những nhân tài như thế mà vun vén vào, để cho nhân tài người ta phát triển.

Đâu có phải vì bị so sánh mà mình cay cú đâu. Thực ra những người cay cú là những người làm cho bản thân mình, và khi mục đích riêng cho cá nhân mình không thành thì cay cú. Còn tôi luôn xác định có những tài năng hơn mình trong lĩnh vực này, có tài năng hơn mình trong lĩnh vực kia và xác định đây là cuộc chơi thì phải có người hơn người kém. Tôi là người lớn, tôi lớn hơn tất cả những người kia về tuổi tác và cuộc đời đã dạy cho mình là phải tôn trọng những tài năng, không bao giờ nên vùi dập hay thù ghét những tài năng.

- Qua tập đầu tiên anh xuất hiện hôm 10/3, nhiều khán giả cho biết họ khá hẫng hụt vì vai học sĩ Xoày Trọng Chấm không có nhiều đất diễn, chưa kịp thể hiện gì thì đã có tiếng cồng báo hiệu hết giờ, đó có phải là chủ ý của kịch bản?

- Tôi được “chỉ thị” là ba số đầu tôi không được diễn gì, cứ ngồi đó cho “ông Trần Xoáy lấn vào mặt”. Đây là thủ pháp của đạo diễn, là ý đồ kịch bản. Vậy nên đến số sau, theo quy định là khán giả vẫn sẽ thấy tôi không được nói gì, Xuân Bắc hỏi xong là tự trả lời luôn. Từ số ba trở đi thì tôi mới có nhiều đất diễn hơn.

Theo ý đồ kịch bản, trong ba số đầu tiên, Phạm Dũng phải chịu để cho Xuân Bắc lấn át.

- Anh có cảm thấy mình ít nhiều chịu “thiệt thòi” khi bị đặt vào thế lép vế ngay từ đầu như vậy?

- Những gì ekip sản xuất “Hỏi xoáy đáp xoay” làm không nằm ngoài mục đích để chương trình hay hơn, hấp dẫn hơn. Nếu mình cảm thấy thiệt thòi có nghĩa là mình lên đây vì mục đích riêng rồi. Mà tôi sẵn sàng khẳng định rằng tôi không làm vì mục đích riêng, mà là theo mục đích của chương trình. Mình phải tuân thủ theo và chỉ được sáng tạo, phát huy trong khuôn khổ người ta yêu cầu. Vì tôi đã từng là đạo diễn, từng là tác giả viết kịch bản cho các chương trình “Gặp nhau cuối tuần”, kịch bản sân khấu… nên tôi biết những nguyên tắc đó.

Luật chơi là như thế, mình chơi thì phải chấp nhận. Giống như ngày bé mình chơi nhảy ngựa, chơi thả đỉa ba ba cũng ngã sứt đầu gối, dập mặt, có gì đâu! Và tôi cho là người xem họ có quyền đòi hỏi, có quyền bình luận thì mình đừng trách người ta. Ngay cả gia đình tôi, mọi người cũng bảo sao cứ để cho người ta lấn át, mình cứ ngồi không nói gì… Nhưng mình vẫn kệ thôi.

- Vừa là diễn viên nhưng cũng là một đạo diễn, tác giả kịch bản, vậy anh có tham gia đóng góp ý tưởng gì cho hình tượng Xoày Trọng Chấm?

- Có chứ. Tôi có góp ý về kịch bản, thậm chí ở trường quay cũng có thể góp ý lại là phải viết thế này, phản ứng thế kia… Khi ghi hình thì phần bộc phát diễn của tôi cũng phải chiếm đến 60-70% chứ không hoàn toàn dựa theo kịch bản có sẵn. Chúng tôi chỉ cần thống nhất ý tưởng ban đầu, rồi cứ thế mà diễn, sẽ mang lại nhiều hứng thú sáng tạo hơn. Tôi hợp như thế hơn là cứ rập khuôn.

Hiện nay chúng tôi đã ghi hình được năm số rồi. Từ số sau tôi sẽ tham gia cả khâu viết kịch bản, cùng sáng tạo cho vui.

- Anh có kỳ vọng vai diễn trong “Hỏi xoáy đáp xoay” sẽ mang lại gì cho bản thân anh nói riêng và cho chương trình nói chung?

- Kỳ vọng đầu tiên của tôi là mang lại niềm vui cho mọi người. Còn cho cá nhân mình thì tôi không kỳ vọng gì. Chỉ cần được mọi người xem chương trình mà cảm thấy vui vẻ, hào hứng. Thế thôi!

Theo Dân Việt

Theo Dân Việt

Bạn có thể quan tâm