Chi tiêu tiền thật vào thời trang kỹ thuật số có thể là sự lãng phí đối với nhiều người. Song nhiều thương hiệu thời trang sang trọng đang nắm bắt xu hướng này.
Khi thế giới ảo Decentraland cho phép người dùng có thể tự may và bán quần áo cho avatar (hiện thân ảo) để mặc trên trang web, Hiroto Kai đã thức cả đêm để thiết kế các sản phẩm may mặc lấy cảm hứng từ Nhật Bản.
Hiroto Kai là nghệ sĩ kỹ thuật số, có đam mê với Nhật Bản. Anh có tên thật là Noah, 23 tuổi và sống tại New Hampshire, Mỹ.
Hiroto Kai bán mỗi bộ kimono với giá khoảng 140 USD. Trang phục bao gồm những miếng nhung xanh được nghiền nhỏ tinh xảo và trang trí rồng vàng. Anh cho biết mình đã kiếm được 15.000-20.000 USD chỉ trong 3 tuần.
Bộ kimono ảo của Hiroto Kai. Ảnh: Daily Sabah. |
Con số này tương đương khoản tiền anh kiếm được trong một năm tại cửa hàng âm nhạc. Do đó, Hiroto Kai quyết định trở thành nhà thiết kế toàn thời gian.
"Đây là cách mới để thể hiện bản thân và là nghệ thuật sống. Điều này khiến cho công việc trở nên thú vị. Khi có quần áo, bạn có thể đi nhảy, dự tiệc, thể hiện bản thân...", nghệ sĩ kỹ thuật số chia sẻ.
Xu hướng kinh doanh thời trang ảo
Quần áo ảo (thiết bị đeo được) có thể được mua và bán dưới dạng tài sản tiền điện tử được gọi là mã thông báo không thể thay thế (NFT).
Louis Vuitton gần đây cho ra mắt trò chơi metaverse, cho phép người dùng có thể thu thập NFT. Burberry tạo ra các phụ kiện NFT.
Ngoài ra, Gucci đã bán quần áo không phải NFT cho avatar. Mẫu túi Dionysus thêu ong của hãng có giá 475 Robux (đơn vị tiền tệ trong trò chơi), có giá khoảng 6 USD trong thế giới thật. Do nó chỉ khả dụng trong một giờ, giá của túi tăng vọt. Cuối cùng, nó được bán với giá 350.000 Robux, tương đương 4.115 USD.
Túi Dionysus của Gucci có giá bán hơn 4.000 USD trong thế giới ảo. Ảnh: Jing Daily. |
Imani McEwan là người mẫu thời trang ở Miami (Florida, Mỹ), có đam mê với NFT. Theo anh, avatar đại diện cho mỗi cá nhân. Anh cho biết đã chi 15.000-16.000 USD cho 70 mặt hàng thời trang NFT kể từ tháng 1.
Imani McEwan sử dụng lợi nhuận từ các khoản đầu tư tiền điện tử. Lần mua đầu tiên của anh là một chiếc áo len có chủ đề bitcoin. Gần đây, người mẫu đã mua chiếc mũ nồi đen do bạn mình thiết kế.
Thời trang cao cấp đầu tiên trên thế giới do Amber Jae Slooten thiết kế, được đấu giá từ thiện với số tiền 9.500 USD. Ảnh: ELLE. |
Theo Reuters, rất khó để thiết lập quy mô tổng thể của thị trường quần áo ảo NFT.
Chỉ tính riêng tại Decentraland, doanh số bán thiết bị đeo được đạt tổng cộng 750.000 USD trong nửa đầu năm 2021. Con số này tăng từ 267.000 USD trong cùng kỳ năm ngoái, theo NonFungible - trang web theo dõi thị trường NFT.
"Thay vì lướt mạng và mua sắm trực tuyến, bạn có thể có trải nghiệm thương hiệu phong phú hơn bằng cách khám phá không gian ảo", giám đốc của phương tiện đầu tư bất động sản ảo - Julia Schwartz - cho biết.
Công ty giày thể thao ảo RTFKT bán NFT phiên bản giới hạn. Chúng đại diện cho giày thể thao có thể được "mặc" trong thế giới ảo.
Theo nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành Steven Vasilev, thời trang ảo thực sự thành công khi dịch bệnh diễn ra khiến nhiều người truy cập trực tuyến hơn.
Công ty đã đạt doanh thu 7 triệu USD. Những đôi sneakers phiên bản giới hạn của hãng được bán đấu giá với con số 10.000-60.000 USD. Phần lớn khách hàng ở độ tuổi 20 và 30. Ngoài ra, hãng cũng có người tiêu dùng ở độ tuổi 15.
Thời trang ảo hạn chế tác động môi trường?
Đối với những người đam mê NFT, thời trang trực tuyến không thay thế việc mua hàng thực tế.
Song Paula Sello và Alissa Aulbekova, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp thời trang kỹ thuật số Auroboros, chia sẻ rằng nó có thể là sự thay thế thân thiện với môi trường cho thời trang nhanh.
Tính bền vững là vấn đề quan trọng, được quan tâm của ngành thời trang. Thời trang nhanh góp phần đáng kể vào việc biến đổi khí hậu. Danh tiếng khủng khiếp của nó đã thúc đẩy sự mở rộng của thời trang kỹ thuật số.
Thời trang nhanh ảnh hưởng lớn đến môi trường. Ảnh: Dewimagazine. |
Khách hàng có thể gửi cho Auroboros hình ảnh của chính họ và quần áo được thêm kỹ thuật số với giá từ 83-1.300 USD.
Paula Sello lập luận rằng khái niệm may mặc ảo có thể hạn chế sự lãng phí của người tiêu dùng khi mua quần áo trực tuyến. Paula Sello cũng trích dẫn nghiên cứu của Barclaycard năm 2018 cho thấy 9% người tiêu dùng ở Anh đã mua quần áo để chụp ảnh trên mạng xã hội, sau đó trả lại.
Các phương tiện truyền thông xã hội đầy rẫy những cơn sốt thời trang với hàng loạt bộ cánh bắt mắt. Sau các bài đăng về trang phục, nhiều món đồ không được sử dụng lại. Theo PC Mag, thời trang kỹ thuật số có thể tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng. Đồng thời, môi trường có thể xanh sạch hơn.
Đối với những người muốn thử nghiệm các chuẩn mực giới tính trong cách ăn mặc, thời trang kỹ thuật số có thể thoải mái hơn so với nơi công cộng.
Nhiều thương hiệu thời trang cho ra mắt quần áo kỹ thuật số. Ảnh: PC Mag. |