Các chuyên gia trong ngành thời trang dự đoán với tờ Korea JoongAng Daily, xu hướng Y2K trở lại trong năm 2022. Y2K chỉ phong cách cuối những năm 1990 và đầu 2000. Thời trang Y2K là kết quả của việc pha trộn văn hóa đại chúng với công nghệ. Y2K chịu ảnh hưởng từ sự cố lỗi máy tính năm 2000 đến sự ra mắt của búp bê Bratz vào năm 2001.
Phong cách Y2K thường được đặc trưng bởi những bộ trang phục màu sắc, đặc biệt màu hồng, chất liệu bóng, áo khoác đính kim loại, quần hoặc váy cạp trễ, quần denim ống rộng, logo nổi bật với chiếc túi nhỏ...
Y2K thống trị 2022
Một số báo cáo từ nhóm nghiên cứu gần đây tiết lộ thời trang Y2K thống trị ngành thời trang Hàn Quốc trong năm nay.
Áo sơ mi cắt xéo, quần hoặc váy cạp trễ, bộ đồ thể thao có khóa dán và kim cương giả sẽ trở lại táo bạo bên cạnh trang phục dự tiệc. Lý do là "mọi người đã dành quá nhiều thời gian ở nhà và không thể thử nghiệm với xu hướng thời trang mới trong năm qua. Vì vậy họ bắt đầu mong muốn thử sức với những trang phục khoe vóc dáng và lộ da thịt".
Lim Ji Yun, chuyên gia nghiên cứu, nói với tờ The Korea JoongAng Daily: "Thời trang Y2K gợi lên sự hoài cổ đối với thế hệ cũ và với Gen Z. Nó đang được coi như diện mạo mới, hợp xu hướng thời trang. Y2K bộc lộ sự cởi mở và độc đáo".
Một báo cáo từ ZigZag cho thấy người dùng của họ đã tìm kiếm thông tin về quần cạp trễ trong nửa cuối năm 2021 nhiều hơn gần 20 lần so với cùng kỳ năm trước. Các tìm kiếm về những mẫu thời trang Y2K khác, chẳng hạn mũ nồi, tất dài quá đầu gối, tăng lần lượt 454% và 396%.
Các ngôi sao Kpop đã thể hiện sự yêu thích với thời trang lấy cảm hứng từ Y2K cả trên sân khấu và trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là Sunmi, Nancy (Momoland), Somi, Jennie của BlackPink. Taeyeon SNSD và Joy Red Velvet cũng chọn phong cách thời trang này cho đợt quảng bá ca khúc solo của họ năm 2021 là Weekend và Hello.
Sunmi và Joy góp phần giúp xu hướng Y2K hot trở lại. Ảnh: Instagram. |
Xu hướng mới này trái ngược bối cảnh thời trang năm 2021. Nhóm Nghiên cứu và Phát triển Thời trang Samsung chỉ ra trong năm 2021, trang phục thể thao rất quan trọng do số đông phải làm việc tại nhà vì đại dịch. Mọi người tìm kiếm những trang phục thoải mái. Chúng không chỉ dễ chịu khi mặc ở nhà mà cũng phù hợp chuyến đi nhanh ngoài trời.
Theo nhà phê bình thời trang Lee Dong Hyun, sự trở lại của Y2K chỉ là một phần của chu kỳ thời trang.
Lee Dong Hyun nói với Korea JoongAng Daily: "Khi mọi người cảm thấy nhàm chán với những xu hướng hiện tại, họ sẽ tìm kiếm phong cách mới bằng cách quay về quá khứ. Có vẻ mọi người đang thấy Y2K thú vị".
"Vì tình hình đại dịch hiện nay buộc chúng ta phải hoạt động nhiều hơn trong nhà, nên mọi người ưa chuộng trang phục giản dị, như thời trang dạo phố. Sau đó mọi người bắt đầu tự hỏi xu hướng hiện tại thiếu gì? Câu trả lời sẽ là hình thức. Vì vậy khi thời trang trở nên thoải mái, mọi người bắt đầu khao khát sự trang trọng. Điều này cũng diễn ra theo chiều ngược lại, giống chu kỳ không bao giờ kết thúc", ông Lee Dong Hyun nhận định.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, do đó Lee Dong Hyun tin rằng cần thêm một khoảng thời gian nữa để Y2K lật đổ sự thống trị của trang phục thể thao đang thịnh hành ở Hàn Quốc.
Thời trang không chỉ nói đến quần áo
Các chuyên gia chỉ ra yếu tố thú vị khác trong cửa hàng thời trang năm 2022 là metaverse. Metaverse là mạng lưới của công nghệ 3D thế giới ảo tập trung vào việc kết nối xã hội. Thế giới ảo mới này là chủ đề nóng kể từ năm 2021 và các thương hiệu cao cấp sang trọng như Burberry đã, đang sử dụng nó để thể hiện giao diện kỹ thuật số mới.
Gucci kết hợp với Zepeto để giới thiệu bộ sưu tập mới. |
Trò chơi Animal Crossing đã trở thành sân chơi thời trang mới cho các thương hiệu cao cấp và hợp tác với Valentino, Marc Jacobs vào năm 2020. Tháng 2/2021, Gucci hợp tác với Zepeto, một phiên bản metaverse của mạng xã hội của Naver Z, và tiết lộ khoảng 60 mặt hàng từ bộ sưu tập S/S năm 2021. Với Zepeto, người dùng có thể sử dụng khuôn mặt mình để tạo ra hình ảnh, biểu tượng cảm xúc theo dạng nhân vật 3D.
Việc thế giới thời trang chuyển sang metaverse một phần là không còn chỉ nói đến quần áo nữa.
Nhà phê bình Lee cho biết: “Gần đây, thời trang đã được định nghĩa hẹp, chỉ tập trung vào quần áo, đặc biệt là ở Hàn Quốc. Nhưng thời trang chi phối lối sống của chúng ta, vì vậy mỹ phẩm và văn hóa ẩm thực cũng được xếp vào cùng loại. Đó là lý do thương hiệu thời trang đang tăng cường hoạt động của họ”.
“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả hoạt động kinh doanh mới đều được đảm bảo thành công. Các thương hiệu thời trang cần biết nhu cầu của người tiêu dùng trong các lĩnh vực khác là gì, không chỉ chạy theo theo quan điểm thời trang”, nhà phê bình nhận định.