Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xử lý người đứng đầu để xảy ra bạo hành trẻ em là rất cần thiết

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu nếu phát hiện tình trạng hành hạ trẻ em trong các trường mầm non.

'Xử lý người đứng đầu nếu xảy ra bạo hành trẻ em' Trả lời chất vấn các đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu nếu phát hiện tình trạng hành hạ trẻ em trong các trường mầm non.

Ngày 6/12, tại kỳ họp thứ sáu của HĐND TP.HCM khóa IX, các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn, Chủ tịch HĐND thành phố truy trách nhiệm lãnh đạo của quận 12 liên quan việc trẻ mầm non bị bạo hành ở cơ sở Mầm Xanh. Một lần nữa, câu chuyện trách nhiệm gắn với các biện pháp đồng bộ được nêu ra nhằm bảo vệ trẻ em trước bạo hành.

Truy vấn trách nhiệm gắt gao 

Điều hành buổi chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chủ tịch UBND quận 12 (nơi cấp phép cho cơ sở mầm non Mầm Xanh) báo cáo thêm về công tác chỉ đạo, kiểm tra các nhóm trẻ gia đình.

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu đã đề cập các con số thống kê, động thái của quận khi vụ bạo hành trẻ đã bị phát hiện.

Cắt lời ông Hiếu, bà Tâm nói: "Chỉ nói quy trình mà không nói trách nhiệm là không được. Đề nghị chủ tịch quận 12 nói về trách nhiệm của mình khi để xảy ra vụ bạo hành và giải pháp sắp tới".

bao hanh tre mam non truong mam xanh anh 1
Ông Lê Trương Hải Hiếu trả lời về vụ bạo hành trẻ ở trường Mầm Xanh. Ảnh: Lê Trai. 

Ông Hải Hiếu trả lời sau khi sự việc xảy ra, UBND quận 12 đã tổng hợp tất cả thông tin, thanh tra các cơ sở mầm non trên địa bàn về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn giáo viên. Những thông tin này sẽ được công khai cho phụ huynh để tham khảo và đánh giá chất lượng của các trường.

Đồng thời, ông Hiếu đề nghị việc lắp camera các trường cho phụ huynh giám sát, chỉ đạo Hội phụ nữ quận và phường thường xuyên giám sát.

Không hài lòng với phần trả lời này, bà Tâm nói rằng hệ thống chính trị với rất nhiều cơ quan, đoàn thể nhưng cuối cùng việc phát hiện các vụ bạo hành chủ yếu qua kênh báo chí.

“UBND quận không trả lời được câu hỏi, khi xảy ra không nói được trách nhiệm của mình như thế này là không ổn", bà Tâm khẳng định.

'Phải xử lý nghiêm, đóng cửa ngay tức khắc'

Cũng trong buổi họp này, nhiều đại biểu chất vấn trách nhiệm từ Sở GD&ĐT TP.HCM. Ông Lê Hồng Sơn cho biết quy định phân cấp quản lý cấp phép trường mầm non là thuộc thẩm quyền của UBND quận huyện, phường xã quản lý trực tiếp nhóm lớp mầm non.

Năm 2017, sở đã kiểm tra 19 quận huyện, sau mỗi đợt đều có văn bản gửi chủ tịch UBND quận, huyện để cùng phối hợp về việc đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non.

Ông Sơn khẳng định sở đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc này. Tuy nhiên, một số trường hợp cá biệt bạo hành trẻ xảy ra do đạo đức của giáo viên.

GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng GD&ĐT - cho rằng điều quan trọng thầy cô phải là người nhân hậu, mẫu mực với trẻ. Camera chỉ là biện pháp tức thời, không đảm bảo sự an toàn lâu dài cho các bé.

Thầy cô từ bậc mầm non và các cấp học phải được đào tạo về sư phạm, có bằng cấp mới được giảng dạy, chăm sóc trẻ. Những người không có học thức tại sao lại được dạy trẻ em, dẫn đến tình trạng bạo hành, thậm chí sát hại trẻ?

Theo ông Hạc, việc này đang không được thực hiện tốt. Cụ thể, các cấp quản lý như sở, phòng GD&ĐT tại TP.HCM chưa làm đúng quy định mới để xảy ra tình trạng ở cơ sở giáo dục Mầm Xanh. 

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nói những vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra rất đau lòng. Ông đánh giá những giáo viên bạo hành trẻ là người không có đạo đức nghề nghiệp, "con sâu làm rầu nồi canh".

Ông Sơn khẳng định: “Phải xử lý thật nghiêm, phải đóng cửa ngay tức khắc những trường hợp trường không có phép, xảy ra chuyện đau lòng như ở cơ sở Mầm Xanh. Những cá nhân liên quan vụ việc đã bị khởi tố, sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu nếu phát hiện tình trạng hành hạ trẻ em trong các trường mầm non. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của đông đảo đại biểu tham gia vì đây là điều cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho trẻ, nâng cao trách nhiệm cho người đứng đầu.

Phối hợp nhiều biện pháp

Nhiều ý kiến cho rằng việc lãnh đạo TP.HCM kiên quyết xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra bạo hành trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non là biện pháp rất cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan đoàn thể cần phối hợp nhiều biện pháp khác nữa.

Về phía Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, cho biết bộ này đã yêu cầu Sở GD&ĐT TP.HCM xử lý vụ việc  để bảo vệ trẻ mầm non và phải báo cáo bằng văn bản.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tập trung việc thanh tra, kiểm tra, giám sát cấp phép cho các trường ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp tư thục. Cần áp dụng triển khai sử dụng camera, đường dây nóng tại các trường lớp.

Thông tin như tên giáo viên, bằng cấp, cần được công khai trên cổng thông tin điện tử tại các quận huyện để người dân giám sát. Bởi ở các trường tư thục, đôi khi giáo viên thay đổi công việc liên tục. Sự giám sát này cũng cần được thực hiện ở các trường công lập.

bao hanh tre mam non truong mam xanh anh 2
Cô giáo đánh trẻ ở lớp mầm non Mầm xanh, phường 12, TP.HCM. Ảnh cắt từ clip.

Theo TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, để con bị bạo hành, cha mẹ cũng có lỗi. Bà cho rằng quan tâm đến con, cha mẹ cần lựa chọn trường kỹ lưỡng trước khi quyết định gửi bé bằng cách xem xét về giấy phép hoạt động, trình độ giáo viên, cơ sở vật chất… Khi gửi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên chọn trường công lập vì họ kiểm soát tốt hoặc trường dân lập giá cao đầu tư cho chất lượng.

"Các lớp mẫu giáo ở mầm non thường có tình trạng chung là sĩ số quá đông, kỹ năng chăm sóc trẻ của nhiều cô còn kém. Vì thế, các con cần được học kỹ năng sống cơ bản trước khi đến trường như tự xúc ăn, tự đi vệ sinh, biết gọi cô giáo khi có chuyện bất ổn, biết chào hỏi, ngoan ngoãn", bà Hương nêu thêm giải pháp, nhìn từ góc độ gia đình.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Lại Văn Doãn, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng cần thắt chặt quản lý các cơ sở hành nghề trông giữ trẻ bằng cách tăng cường thanh, kiểm tra hậu cấp phép đối với các cơ sở mầm non. Cần thêm điều kiện cấp phép là phải có hệ thống camera giám sát, kết nối các phương tiện cá nhân của phụ huynh khi được yêu cầu.

Luật sư cũng đề xuất tăng hình phạt đối với loại tội này. Hành hạ trẻ em là hành vi có tác động rất nặng nề cho xã hội, ảnh hưởng nhân cách của các em và có thể làm lệch lạc quan điểm sống khi trưởng thành.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi được báo cáo từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành ở nhà. 20% trẻ em 8 tuổi bị trừng phạt thân thể ở trường. Từ năm 2011-2015, 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo cáo.

Số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy trung bình mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở mức nghiêm trọng, cần được hỗ trợ, can thiệp.

Theo khảo sát của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới với học sinh tại hai tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi.

Báo cáo về can thiệp, hỗ trợ theo đường dây nóng phản ánh về bạo lực trẻ em, cứ 10 ca bạo lực, 6 ca là bạo lực thân thể. Trong đó, 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường.

Chủ tịch quận 12 trả lời chất vấn vụ bạo hành trẻ em ở Mầm Xanh Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu trả lời chất vấn.

Bộ GD&ĐT: Công khai tên, bằng cấp giáo viên mầm non để giám sát

Theo ông Nguyễn Bá Minh, các vụ bạo hành trẻ mầm non đến khi báo chí, cộng đồng mạng phát hiện là muộn, thể hiện sự giám sát kém.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm