Nhiều cổ động viên tới Malaysia cổ vũ bóng đá với nỗi lo về an toàn của bản thân. Sự việc kinh hoàng trên sân Shah Alam tại AFF Cup 2014 đã trở thành bóng ma trong lòng họ. Khi đó, những người hâm mộ trung thành đi theo đội tuyển Việt Nam đã bị những cổ động viên quá khích nước chủ nhà hành hung.
Mới đây, sự cố xung đột không đáng có xảy ra ở vòng bảng với cổ động viên Myanmar, khi Malaysia làm chủ nhà, khiến người hâm mộ Việt Nam càng e dè. Vậy, nếu gặp rắc rối và nguy hiểm tại quốc gia này, bạn phải làm gì?
Sự cố với taxi
Malaysia có nhiều phương tiện di chuyển. Song, taxi vẫn là phương tiện di chuyển tiện dụng nhất, đặc biệt tại thủ đô Kuala Lumpur. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ, đi taxi có thể mang nguy hiểm đến cho bạn.
Những người thường đi Malaysia chia sẻ du khách nên chọn tài xế lớn tuổi, người Hoa và biết chút ít tiếng Anh. Bạn nên tránh đi xe của tài xế gốc Ấn Độ hoặc những lái xe có biểu hiện chèo kéo.
Lưu ý, bạn phải trả giá trước. Nếu đi theo nhóm, bạn đừng quên khẳng định số tiền đó dành cho tất cả để tránh một số tài xế lật lọng. Trong trường hợp không thể giải quyết, bạn phải gọi cảnh sát.
Tuy nhiên, cảnh sát tại Malaysia không túc trực thường xuyên. Do đó, bạn nên cảnh giác với bất cứ ai tìm đến bạn và tự xưng là lực lượng chức năng.
Cảnh sát tại Malaysia không túc trực thường xuyên. Do đó, bạn nên cảnh giác với bất cứ ai tìm đến bạn và tự xưng là cảnh sát. Ảnh: Reuters. |
Khi phải đi đêm
Tỷ lệ phạm tội ở Malaysia khá cao, đặc biệt là hiếp dâm và cướp giật. Do đó, du khách không nên đi lại trên đường phố quá khuya vào ban đêm, đặc biệt là phụ nữ.
Nếu có việc gấp, nữ giới nên đi cùng nam giới. Khi đi khuya, bạn nên dùng taxi, tránh đi một mình và nên chú ý thái độ của tài xế, đặc biệt là các cuộc điện thoại gọi đến và đi.
Tình trạng cướp giật ở Malaysia cũng phổ biến và đa phần nhắm vào ví và túi xách nhiều hơn điện thoại, máy tính bảng.
Gặp cảnh sát yêu cầu kiểm tra
Tại Malaysia, cảnh sát không túc trực thường xuyên. Do đó, khi có người tự xưng là cảnh sát và yêu cầu kiểm tra tiền hoặc giấy tờ của bạn, cách tốt nhất là yêu cầu người này đưa bạn về đồn để giải quyết.
Nếu đi một mình, bạn nên tìm cách thoái thác hoặc nhờ người dân địa phương xác nhận. Đặc biệt, bạn phải luôn mang theo số điện thoại khách sạn bạn ở. Đó cũng là nơi có thể xin ý kiến đáng tin cậy trong những vụ việc xảy ra bất chợt.
Để đảm bảo hơn, bạn cũng có thể gọi điện đến số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát khu vực. Bên cạnh đó, bạn cũng phải đề phòng và cân nhắc với những yêu cầu giúp đỡ bất chợt từ người lạ.
VFF khuyên người hâm mộ không nên tách đoàn và đi lại riêng lẻ trên sân vận động Bukit Jalil. |
Vào sân cổ vũ bóng đá
Tuy nhiên, "người hâm mộ Việt Nam cần hết sức cẩn thận, không tách đoàn và đi lại riêng lẻ, yêu cầu sự can thiệp của an ninh gần nhất nếu có bất kỳ sự cố thiếu an toàn nào xảy ra", Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cảnh báo.
Bên cạnh đó, VFF cũng hướng dẫn cổ động viên Việt Nam vào theo lối cổng E, ngồi tại khu vực tách biệt với cổ động viên Malaysia bằng hàng rào an ninh.
Lưu ý, khi gặp rắc rối tại bất cứ đâu, bạn nên yêu cầu sự can thiệp của an ninh gần nhất.
Nếu gặp sự cố lớn, bạn có thể liên hệ đến số điện thoại khẩn 999 để gọi cảnh sát và xe cấp cứu.
Hoặc nếu cần giúp đỡ, bạn có thể liên lạc đến số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, để nhận sự giúp đỡ khẩn cấp: +603-2148 4036.