2 dĩa bánh căn tôm và mực có giá đến 250.000 đồng. |
Chiều 14/4, ông Trần Hữu Lý, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa, cho biết sau khi báo chí phản ánh về quán bánh căn số 51 Tô Hiến Thành có dấu hiệu “chặt chém”, UBND thành phố Nha Trang đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc xác minh, làm rõ.
Theo đó, chiều ngày 13/4, tổ công tác liên ngành của UBND thành phố Nha Trang đã đến kiểm tra quán bánh căn này. Cơ sở kinh doanh không xuất trình được giấy tờ gì ngoài giấy cho thuê mặt bằng ở vỉa hè.
Cở sở này vi phạm 3 hành vi: Không niêm yết giá theo quy định, nhân viên phục vụ không được khám sức khỏe theo quy định, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng số tiền bị phạt là 1 triệu đồng.
Ông Trần Hữu Lý cho rằng so với mặt bằng chung một quán vỉa hè mà bán 2 dĩa bánh căn và 2 viên xíu mại với giá 250.000 đồng là vô lý, quá đắt. Việc không niêm yết giá là không được vì như thế chẳng khác gì đánh đố thực khách, ăn xong thì coi như việc đã rồi.
Lúc 15h ngày 14/4, quán bánh căn này chưa thấy mở cửa. |
Sau khi bị xử phạt hành chính, chủ quán bánh căn 51 Tô Hiến Thành cũng đã ký cam kết về niêm yết giá cả, thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến 15h chiều 14/4, quán này không thấy mở cửa phục vụ.
Trước đó, Báo Người Lao động đã thông tin, tối 11/4, chị Nguyễn Thị Hương (ngụ Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) mời 2 người bạn từ Hà Nội ghé vào quán trên để ăn bánh căn. Chủ quán tính 2 đĩa bánh nhỏ mỗi dĩa 6 cái và 2 viên xíu mại với giá 250.000 đồng. Chị Hương cho rằng giá này quá đắt, "chặt chém" du khách, quán không có niêm yết giá. Khi thanh toán chỉ tính miệng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chủ quán bánh căn này cho rằng, mức giá này không phải "chặt chém" vì tất cả các du khách, người dân địa phương đều bán với mức giá trên. Tôm, mực ở đây đều chất lượng, tươi sống nên bán với giá như vậy. Còn việc không để giá cả cụ thể vì tôm mực giao động theo thời giá. Nếu hôm nào không mua được mực tôm lớn thì giá bán thấp lại”- chủ quán này cho hay.