Giữa tháng 11, một cô gái tung clip cảnh bị người yêu đòi quà sau khi chia tay đã khiến cộng đồng mạng bàn tán xôn xao. Nhiều hình ảnh chế lại vụ việc đã được phát tán.
Trong số đó có clip Anh không đòi quà của rapper Karik và Only C phát hành trên Youtube là được đông đảo giới trẻ hưởng ứng. Chiếm phần lớn thời lượng clip này là cảnh một cô gái đi giữa lòng đường, “thẳng tay” cởi bỏ quần áo đến khi chỉ còn nội y. Cô gái đó nhanh chóng trở thành người nổi tiếng trong giới trẻ.
"Anh không đòi quà" phiên bản đồng tính. |
Chỉ sau đó 1 tuần, trên mạng xuất hiện nhan nhản các phiên bản Anh không đòi quà của giới trẻ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đáng buồn là nhiều bạn trẻ coi đây như một phần thể hiện “đẳng cấp” của giới trẻ địa phương mình. Đa phần các clip được thực hiện na ná nhau không có có gì đặc biệt ngoài màn cởi đồ táo bạo, phản cảm của những cô gái trẻ ở giữa đường, giữa phố.
Đáng báo động là những clip xuất hiện về sau này có những biểu hiện a dua quá lố, dàn dựng kịch cỡm khi các chàng trai cũng lột đồ, rồi có cả clip Anh không đòi quà phiên bản đồng tính, thậm chí có cả clip Anh không đòi quà phiên bản “nhí” mà nhân vật chính cởi đồ là một bé gái… ở Buôn Ma Thuột gây bất bình trong dư luận.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Mới đây, Công an phường Hưng Phú, quận Cái Răng (TP.Cần Thơ) đã lập biên bản vi phạm hành chính 7 thanh, thiếu niên liên quan đến việc tổ chức quay video clip tại địa phương.
Cuối tuần qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi Sở VHTT&DL, Sở TT&TT, Công an tỉnh Bình Thuận và UBND TP Phan Thiết xem xét, xử lý về hai clip Anh không đòi quà được thực hiện trên địa bàn tỉnh (gồm Anh không đòi quà - Phan Thiết version và Anh không đòi quà phiên bản gái Tây).
Theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ xử phạt vi phạm quy định về nếp sống văn minh, chính quyền địa phương có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng với các hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi công cộng.
Việc làm của UBND tỉnh Bình Thuận được coi là mở màn cho khả năng các cơ quan chức năng các tỉnh có clip chế kiểu này tiến hành truy phạt.
Tuy nhiên, với mức phạt quá thấp này có vẻ như không đủ sức nặng răn đe. Điển hình là việc 7 thanh niên ở thành phố Cần Thơ khi bị xử phạt về việc quay clip đã không những không nhận thức về hành vi kém chuẩn mực của mình, trên đường được đưa về cơ quan công an, các thanh niên này đã nhanh chóng rút thẻ nhớ và phát tán clip lên mạng.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL khẳng định hiện tượng đưa clip kiểu này lên trên mạng là hết sức phản cảm, đi ngược lại với đạo đức, truyền thống văn hóa của con người Việt Nam và cho rằng cần lên án và ngăn chặn hiện tượng này.
“Để ngăn chặn những việc này thì nhà trường, gia đình và xã hội cũng phải kết hợp giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ làm sao khi chúng ta sử dụng công nghệ thì có ý thức nâng cao nhận thức, cảm thụ về những cái đẹp trong đời sống từ con người, hành vi diễn ra trong gia đình xã hội cũng như cách ứng xử đối với mỗi bản thân với cộng đồng.” – ông Nguyễn Đăng Chương cho biết.
Thời gian qua, Cục NTBD cũng đã nhanh chóng chấn chỉnh hoạt động biểu diễn và chấn chỉnh những ca sĩ, diễn viên có hành vi phản cảm có khả năng ảnh hưởng xấu đến công chúng. Điển hình là việc cấm diễn đối với “bà Tưng”, Angela Phương Trinh hay cảnh cáo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng…
Bộ VHTT&DL đã lên tiếng, các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc, tuy nhiên việc xử lý những người thực hiện clip phiên bản của Karik và Only C – phiên bản đầu tiên, nguồn gốc của làn sóng clip chế này thuộc về phía trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Thông tin - Truyền thông thì lại chưa thấy có động thái nào.