Phiên tòa dự kiến kéo dài từ nay đến 31/12 (17 ngày), chủ tọa là thẩm phán Quảng Đức Tuyên. 8h30, phiên tòa bắt bắt đầu với phần thẩm tra lý lịch và tư cách pháp nhân của các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và các luật sư bào chữa.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2007, khi đang làm cán bộ tín dụng của Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Huyền Như có vay 200 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán và bất động sản.
Huyền Như tại tòa sáng nay. |
Do làm ăn thua lỗ nên đến năm 2010, Như không còn khả năng trả nợ. Cũng thời gian này, Huyền Như được thăng chức quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Nữ trưởng phòng liền nghĩ ra cách lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã làm giả con dấu, tài liệu của nhiều ngân hàng, đơn vị và giả chữ ký trên các chứng từ và hợp đồng. Sau đó Huyền Như mang các bộ hồ sơ giả này để huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM.
Với chiêu bài này, nữ trưởng phòng đã lừa đảo 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân, chiếm đoạt tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.
Cuối tháng 1/2014, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Huyền Như tù chung thân về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 22 bị cáo là đồng phạm của Huyền Như lĩnh từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù.
Sau đó, Huyền Như làm kháng cáo xin trả lại căn biệt thự gần 3.000m2 ở Quảng Nam cho mẹ. 21 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại phần dân sự, 11 nguyên đơn dân sự và người bị hại kháng cáo yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường.
Đồng thời VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị yêu cầu tăng hình phạt với Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TP.HCM) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và kháng nghị tăng hình phạt với Đào Thị Tuyết Dung về hai tội Lừa đảo và Cho vay nặng lãi.