Stefan Edberg hay, nhưng chưa đủ xuất sắc để giúp Federer có Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp. |
Để mô tả chuyển động của làng banh nỉ xung quanh xu thế các tay vợt thuê những huyền thoại làm HLV, một cây bút đã so sánh như vậy. Chưa nói đến đúng sai, trước mắt hễ có “siêu HLV” thì ai lại không thích. Thử hỏi còn gì vinh hạnh hơn khi được huấn luyện bởi một cựu tay vợt lừng danh? Rất nhiều kinh nghiệm, bí quyết và cả những mưu mẹo sẽ được người thầy đem ra chỉ dạy cho học trò lúc bấy giờ nếu làm việc cùng “siêu HLV”. Nhưng thực tế không mỹ mãn như suy nghĩ của nhiều người.
Chỉ vài ngày sau khi Roger Federer kết thúc mối lương duyên với HLV Stefan Edberg, tay vợt nữ Madison Keys cũng chia tay cựu số 1 thế giới Lindsay Davenport. Theo đó, họ thuê hai HLV khác tầm thường hơn. Với Federer, anh bổ sung vào ê-kíp huấn luyện cựu tay vợt người Croatia, Ivan Ljubicic. So với Stefan Edberg, Ljubicic không nằm trong nhóm "siêu HLV" vì chưa từng góp mặt trong trận chung kết Grand Slam nào. Còn Madison Keys bổ nhiệm Jesse Levin, cựu tay vợt ATP hạng 69 làm thầy mới.
Dưới góc nhìn cây bút chuyên viết quần vợt nổi tiếng Peter Bodo, số phận các "siêu HLV" giờ đang có nguy cơ vào danh sách đỏ tuyệt chủng? Thực hư không biết thế nào, chỉ có điều ngày càng nhiều những tay vợt tên tuổi kết thúc mối lương duyên cùng các HLV nổi tiếng trong làng banh nỉ vì sự hợp tác giữa hai bên không phát huy được tính hiệu quả tối đa. Với Federer và Keys, họ không giành được danh hiệu Grand Slam nào từ khi được huấn luyện bởi Stefan Edberg và Lindsay Davenport.
Trong khi đó, huyền thoại Michael Chang cũng chưa thể giúp niềm tự hào châu Á Kei Nishikori lên ngôi ở giải Grand Slam. Ngoài ra, không ai có thể quên Maria Sharapova sa thải HLV Jimmy Connors chỉ sau 1 trận hồi năm 2013 hay mối lương duyên kéo dài vài tuần giữa Martina Navratilova và tay vợt Agnieszka Radwanska. Từ những cuộc chia tay đó, người ta tự hỏi phải chăng đang có nhiều sự quảng cáo thái quá về kịch bản đẹp như mơ xuất hiện giữa các tay vợt giỏi và “siêu HLV”.
Ivan Lendl từng giúp Murray giải cơn khát Grand Slam. |
Có một sự thật phải thừa nhận rằng, đôi khi một tay vợt từng thành công trong sự nghiệp thi đấu chưa chắc gặt hái được thành quả tương tự lúc trở thành HLV. Tin hay không tùy bạn, nhưng chuyển động của làng banh nỉ trong hơn một thập niên qua đã nói thay câu trả lời. Điển hình, Connors và Andy Roddick từng trở thành thầy trò và có 19 tháng ngọt ngào làm việc cùng nhau từ năm 2006, tuy nhiên, cựu tay vợt người Mỹ không giành được Grand Slam danh giá thứ hai nào trong sự nghiệp dưới sự dẫn dắt Connors.
Dù vậy, chọn "siêu HLV" không phải lúc nào cũng thất bại. Làng banh nỉ từng chứng kiến màn "tầm sư" gây nhiều sự chú ý của truyền thông của Andy Murray và Ivan Lendl vào tháng 12/2013. Giữa hai người đàn ông này có rất nhiều điểm chung về khía cạnh cuộc sống, con người lẫn sự nghiệp. Số là Lendl và Murray đều chịu sự tác động bởi những bà mẹ lên sự nghiệp. Lúc bấy giờ, báo chí đặt ra câu hỏi liệu một gã cứng rắn như Lendl, từng trải qua nhiều kiếp "phụ rể" như Murray ở các giải Grand Slam, có giúp cậu học trò thâu tóm những danh hiệu vô địch luôn lẩn tránh suốt nhiều năm?
Câu trả lời là có. Suốt hai năm hợp tác, Lendl giúp Murray giành Grand Slam đầu tiên với chức vô địch Mỹ mở rộng 2012, huy chương vàng Olympic London 2012, và trở thành tay vợt đầu tiên của Liên hiệp Anh lên ngôi ở giải Wimbledon suốt 75 năm qua. Lendl và Murray chia tay hồi tháng 3/2013 và tay vợt người Scotland từ đó tới nay không giành thêm Grand Slam nào. Thành công trong mối quan hệ thầy trò giữa Lendl và Murray đã tạo ra một xu thế chuộng "siêu HLV" cho làng banh nỉ ở một góc độ nào đó. Song, chỉ Novak Djokovic mới đạt được những gì Murray từng có với Lendl khi "tầm sư" Boris Becker.
Boris Becker giúp Djokovic có sự tập trung và tinh thần thép. |
Cựu tay vợt người Đức giúp Djokovic giữ được sự tập trung, thần kinh thép ở các thời khắc quyết định khi hai bên hợp tác vào năm 2014. Nói cách khác, Nole hy vọng Becker có thể truyền đạt cho anh những kinh nghiệm cần thiết để cải thiện thành tích ở các giải Grand Slam sau mùa 2012 và 2013 - chỉ bỏ túi 2 Grand Slam. Nhờ Becker, Djokovic giành thêm 4 Grand Slam nữa trong thời gian qua.
Từ thành công của Murray và Djokovic khi thuê "siêu HLV", nhiều tay vợt khác bắt đầu học theo trào lưu. Marin Cilic có Grand Slam đầu tiên nhờ Goran Ivanisevic, còn Kei Nishikori vào tốp 10 dưới sự chỉ đạo của Michael Chang. Tuy nhiên, Cilic và Nishikori chỉ trở thành những ngôi sao nổi lên một mùa. Phong độ họ thể hiện trong năm 2015 rất phập phù. Cilic vẫn là một gã có ngoại hình cao lớn, lối chơi lợi hại, nhưng thiếu ổn định. Nishikori thì không còn giữ được sự nguy hiểm trong những giải đấu lớn.
Còn Federer, thật khó để mô tả mối quan hệ giữa anh và các HLV vì chỉ có sự sắc sảo của "tàu tốc hành" mới thật sự là ông thầy giỏi nhất của ngôi sao Thụy Sĩ. Theo Peter Bodo, khái niệm "siêu HLV" như Edberg thật ra giống một thành viên trong ban cố vấn hơn. Dù không thể phủ nhận tác động tích cực được vị HLV người Thụy Điển hay trước đó là Paul Annacone tạo ra trong lối chơi tấn công của Federer, nhưng quan trọng, huyền thoại làng banh nỉ vẫn chưa có Grand Slam thứ 18.
Về trường hợp của Madison Keys, cô vẫn muốn hợp tác cùng Davenport nhưng ngặt nỗi bà mẹ bốn con lại không thể dành nhiều thời gian đi lại qua nhiều quốc gia cùng cô học trò. Song, Peter Bodo lại có góc nhìn khác. Ông tin Keys chấm dứt hợp tác với cựu sao người Mỹ vì muốn tránh những áp lực đè nặng lên vai, vốn là sản phẩm phụ thường xuất hiện khi thuê các siêu HLV. Từ thực tế trên và những gì xảy ra trong thời gian qua, phải chăng làng banh nỉ lại bắt đầu một trào lưu… không chơi "siêu HLV" nữa?