Nhiều nhà sáng tạo nội dung tự ý ghi hình người khác. Ảnh minh họa: Amarin TV. |
Trong một clip nhận được hơn 21 triệu lượt xem trên TikTok và 45 triệu lượt trên Twitter, nhà sáng tạo nội dung, vũ công Huon Archer (21 tuổi) tiếp cận một cô gái tại Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ).
Theo đó, Archer nhảy múa cạnh một nhóm phụ nữ, chạm vào vai họ rồi giơ tay lên tỏ ý muốn đập tay. Cô gái đầu tiên phớt lờ Archer và bỏ đi. Người thứ hai tỏ ra giật mình và chạy đến chỗ bạn mình tìm sự hỗ trợ.
Khi Archer vỗ vai cô gái thứ ba, cô miễn cưỡng đập tay với nam vũ công rồi quay lại tiếp tục vỗ về người bạn là cô gái thứ hai. Người này bắt đầu khóc.
Đoạn video khiến nhiều người trên mạng phẫn nộ, cho rằng hành động của Archer có thể bình thường với người này nhưng có thể khiến người khác sợ hãi, khó chịu.
Một người dùng Twitter lập luận: "Thật điên rồ khi ai đó có thể quay phim bạn trong 30 giây, đăng lên mạng rồi cuối cùng biến bạn thành một nhân vật Internet nào đó trái với ý muốn của bạn". Một người khác nhận xét: "Anh ta cứ lượn lờ gần nhóm cô gái ngay cả sau khi thấy một trong số họ tỏ ra rõ ràng là không quan tâm".
Sau đó, Archer không công khai phản hồi về hành động mà chỉ tắt phần bình luận trên TikTok. Vụ việc cũng dấy lên cuộc tranh luận xung quanh phép lịch sự xã giao và cách mọi người tương tác với người lạ, theo Independent.
Kiếm view nhờ người lạ
"Não một số người 'hỏng' đến mức họ đang lập luận rằng việc xuất hiện ở nơi công cộng có nghĩa là một người đang đồng ý để người lạ chạm vào và quay phim, đồng thời đưa cảm xúc và phản ứng của họ lên mạng cho hàng triệu người cười nhạo và phân tích tâm lý", một bài đăng bàn luận về vụ việc của Archer.
Archer thường quay clip nhảy nơi công cộng và tiếp cận người lạ. Ảnh: @almightyarcher. |
Một người khác nhận định: "Thật đáng sợ khi tưởng tượng một ngày nào đó tôi ra ngoài và có thể bị hàng triệu người lăng mạ online chỉ vì một clip dài 15 giây mà tôi thậm chí không tự nguyện tham gia".
Những video như của Archer ngày càng trở nên phổ biến kể từ sau đại dịch. Hiện có vô số người làm video tương tự nam vũ công, nội dung xoay quanh việc tiếp cận người lạ. Chỉ riêng hashtag “tiếp cận người ngẫu nhiên” trên TikTok đã có hơn 6,2 triệu lượt xem.
Trong số này, một số cố gắng nói chuyện với người gặp trên tàu điện ngầm, hỏi họ đang đi đâu, đi cùng ai, một số khác đơn giản là bắt chuyện với mọi người trên phố.
Caleb Simpson (7,1 triệu người theo dõi trên TikTok) là một trong những người nổi tiếng với thể loại video này, hỏi một người ngẫu nhiên số tiền họ bỏ ra để thuê nhà mỗi tháng ở Manhattan. Ngoài ra còn có Daniel MacDonald (13,9 triệu người theo dõi), hỏi người lạ xem họ làm gì để kiếm sống và Ted Zhar (533.600 người theo dõi).
Đối với một số người, đây đơn giản chỉ là những nội dung bình thường, vô vị trên Internet. Tuy nhiên như trường hợp của Archer, khi trở thành "người lạ" xuất hiện trong clip lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nó cũng đặt ra câu hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra khi loại hành vi này được bình thường hóa ở cấp độ truyền hình chính thống và ngoài đời thực.
Ngày càng phổ biến
Xâm phạm không gian cá nhân của ai đó ở nơi công cộng không phải là điều mới, thậm chí có thể dẫn đến những hành vi xấu xí hơn. Sau đại dịch, xuất hiện ngày càng nhiều cuộc thảo luận xoay quanh hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng, hiện có thể bị phạt tới 2 năm tù ở Anh.
Tháng 12/2022, nghiên cứu của chính phủ Anh cho thấy 44% người dân cảm thấy rằng quấy rối tình dục nơi công cộng đang xảy ra thường xuyên hơn ở Anh và xứ Wales so với 5 năm trước.
Trong khi đó, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh phát hiện vào tháng 5/2022 rằng cứ hai phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 34 thì có một người từng trải qua một hình thức quấy rối trong 12 tháng trước đó; 38% phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 34 từng bị huýt sáo trêu chọc, bị nhận xét, đùa cợt mang tính quấy rối; 25% từng cảm giác bản thân bị theo dõi.
Những sự việc này rất đa dạng vì xảy ra rất nhiều, song có một điểm chung là tất cả đều liên quan đến việc những người lạ tiếp cận mọi người theo cách không phù hợp ở nơi công cộng. Đầu năm nay, hashtag #GymCreep cũng lan truyền trên TikTok, là cách nhiều phụ nữ kể lại việc bị nam giới tiếp cận hoặc nhìn chằm chằm trong khi tập gym.
Olivia Petter, nhà báo tự do chuyên về các mối quan hệ, thời trang, văn hóa đại chúng, nhận định những điều này đã xảy ra trong một thời gian, nhưng bản chất của những tương tác này dường như đã thay đổi kể từ sau đại dịch.
Nhiều hành vi tiếp cận có thể dẫn tới quấy rối hoặc ý đồ xấu. Ảnh minh họa: iStock. |
“Tôi nghĩ sau phong trào MeToo, tôi ít bị quấy rối theo những kiểu như huýt sáo trêu chọc song lại gặp phải nhiều kiểu xảo quyệt hơn. Cách đây không lâu, một thanh niên đi theo tôi trong 15 phút dù tôi đã bảo anh ta biến đi nhiều lần. Tôi đã đổi hướng đi 6 lần hoặc hơn rồi quyết định dừng lại ở ngã 3 đường và gọi cho người quen", nghệ sĩ biểu diễn George Lou Bon (28 tuổi), kể.
Đó cũng là trải nghiệm của Molly (55 tuổi), từng nhiều lần bị quấy rối nghiêm trọng ở nơi công cộng kể từ sau đại dịch, bao gồm cả nhận những lời khen về vóc dáng khi mặc quần legging tập gym đi bộ đến chỗ làm. Cô cũng từng bị một người đàn ông quay phim trên tàu điện ngầm mà chưa có sự đồng ý.
“Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ chắc anh ta xem phim, sau đó tôi mới biết anh ta đang quay phim tôi. Tôi phớt lờ cho đến khi sự việc tiếp diễn thêm một vài điểm dừng nữa. Cuối cùng, tôi yêu cầu anh ta ngừng quay phim tôi. Người đó bỏ ngoài tai và tiếp tục, vì vậy tôi xuống tàu ở điểm dừng tiếp theo".
Tất nhiên, không phải mọi tương tác công khai với người lạ đều là hành vi quấy rối. Một số người lập luận rằng trong xã hội siêu cẩn trọng ngày nay, những tương tác vô hại có thể dễ dàng bị hiểu sai thành quấy rối hoặc một thứ gì đó có hại không kém. Cũng có những người muốn được quay phim, thường làm những điều kỳ lạ ở nơi công cộng chỉ với mục đích đó.
Nhưng rõ ràng là những tương tác như vậy có thể và thực sự gây ra sự khó chịu, đặc biệt là khi chúng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Bà Olivia Petter nhận định cả người sáng tạo nội dung và người xem đều cần xem xét nhiều khía cạnh trước loại nội dung này.
"Thật khó để biết cách đối phó với việc bị tiếp cận ở nơi công cộng. Nhưng ở nhà, có thể chỉ đơn giản là tắt chúng đi", bà nhận xét.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.