Một nhân viên y tế tại trạm test Covid-19 dã chiến ở một nhà ga xe lửa tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/12/2020. Ảnh: Reuters/Kim Hong-Ji. |
Theo nghiên cứu mới, một họ virus ít người biết đã phát triển đến giai đoạn "sẵn sàng lây nhiễm" sang người. Đây là kết quả do Đại học Colorado Boulder, Mỹ, công bố trên tạp chí Cell. Loại virus này vốn đã gây bệnh đặc hữu ở các loài linh trưởng hoang dã tại châu Phi. Triệu chứng bệnh giống Ebola và gây tử vong ở một số loài khỉ, theo Scitech Daily.
Sự tương đồng với HIV
Những virus như thế này được coi là mối đe dọa nghiêm trọng với khỉ macaque, nhưng đến nay, chưa trường hợp nhiễm trùng nào ở người. Ngoài ra, giới khoa học không chắc chắn tác động của virus đối với con người nếu nó nhảy giữa các quần thể.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý mà các tác giả đề cập đến là sự tương đồng của virus mới với HIV. Nếu theo dõi virus này ở cả động vật và con người, chúng ta có thể tránh được đại dịch.
“Loại virus động vật này đã tìm ra cách xâm nhập vào tế bào người, tự nhân lên và thoát khỏi một số cơ chế miễn dịch quan trọng mà chúng ta vẫn nghĩ bảo vệ được con người khỏi virus động vật. Đây là hiện tượng khá hiếm. Chúng ta nên chú ý", giáo sư phân tử, tế bào học Sara Sawyer, Đại học Colorado Boulder, nói.
Hàng nghìn loại virus lây lan giữa các loài động vật trên toàn cầu, và hầu hết chúng không gây ra triệu chứng cho vật chủ. Số lượng loại virus kiểu này lây nhiễm sang con người ngày càng tăng trong những thập kỷ gần đây, phá hủy hệ thống miễn dịch non nớt chưa có kinh nghiệm chống lại virus. Minh chứng cho điều này là đại dịch MERS (2012), SARS (2003) và SARS-CoV-2 (2020).
Trong 15 năm, phòng thí nghiệm của bà Sawyer đã sử dụng các kỹ thuật phân tích mô từ động vật hoang dã trên toàn cầu nhằm tìm ra loại virus động vật nào có thể dễ lây sang người. Kết quả là họ phát hiện virus này khi xem xét virus sốt xuất huyết simian (SHFV), gây bệnh chết người tương tự bệnh do virus Ebola.
Virus mới phổ biến ở lợn và ngựa nhưng ít được chú ý ở các loài linh trưởng không phải con người. Nó có niên đại từ những năm 1960, đã gây ra các vụ bùng phát chết người ở các thuộc địa có khỉ bị nuôi nhốt.
Theo nghiên cứu, một phân tử hoặc thụ thể, được gọi là CD163, tạo điều kiện cho virus xâm nhập và gây nhiễm trùng cho các tế bào vật chủ. Thông qua một loạt thí nghiệm, họ ngạc nhiên khi phát hiện virus này khá thuần thục trong việc bám vào thụ thể CD163 của con người. Từ đó, nó xâm nhập vào bên trong tế bào người, nhanh chóng tạo ra các bản sao.
Virus gây ra sốt xuất huyết nhưng đa số không triệu chứng. Nó có điểm tương đồng với HIV là tấn công các tế bào miễn dịch. Ảnh: NBC News. |
Tấn công các tế bào miễn dịch
Tương tự virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và virus suy giảm miễn dịch simian tiền thân (SIV), simian arteriviruses dường như cũng tấn công các tế bào miễn dịch. Nó đồng nghĩa với khả năng vô hiệu hóa cơ chế bảo vệ quan trọng của cơ thể.
Những điểm tương đồng đặc biệt giữa loại virus này với virus gây đại dịch HIV khiến giới khoa học lo lắng. Dù vậy, các tác giả nhấn mạnh chúng ta không nên lo lắng thái quá.
Họ cho rằng cộng đồng y tế toàn cầu nên ưu tiên nghiên cứu sâu hơn về các simian arteriviruses và phát triển xét nghiệm kháng thể trong máu cho loại virus này. Lực lượng y tế cũng cần xem xét việc giám sát các quần thể người có tiếp xúc gần với vật mang mầm bệnh.
Các loài khỉ châu Phi mang lượng virus này khá cao. Chúng thường không có triệu chứng. Đặc biệt, một số loài thường xuyên tiếp xúc với con người, thậm chí là cắn người.
Các nhà nghiên cứu phát hiện loại virus tương tự HIV có khả năng lây nhiễm sang người. Ảnh: CNN. |
Giáo sư Cody J. Warren, Cao đẳng Thú y tại Đại học Ohio, Mỹ, nhấn mạnh: "Chúng ta chưa chẩn đoán được bệnh nhiễm trùng arterivirus ở người không có nghĩa là không có người nào bị phơi nhiễm".
Cả hai vị chuyên gia đều nhắc lại thời điểm những năm 1970, không ai biết về HIV. Các nhà khoa học đã biết HIV có thể bắt nguồn từ các SIV lây nhiễm sang các loài linh trưởng không phải con người ở châu Phi. Sau đó, chúng có thể đã lây sang người vào đầu những năm 1900.
Khi nó giết chết những nam giới trẻ ở Mỹ vào những năm 1980, không có xét nghiệm huyết thanh học nào tồn tại và họ cũng không được điều trị bằng bất kỳ phương pháp nào.
Quá khứ này nhắc nhở chúng ta không có gì đảm bảo các arterivirus sẽ nhảy sang con người nhưng có một điều chắc chắn là sẽ có nhiều virus hơn lây nhiễm cho chúng ta và gây bệnh.
Giáo sư Sawyer nói: “Covid-19 chỉ là sự kiện mới nhất trong chuỗi dài các sự kiện virus lây từ động vật sang con người. Một số trong đó đã bùng phát thành thảm họa toàn cầu. Hy vọng của chúng tôi là bằng cách nâng cao nhận thức về các loại virus, chúng ta có thể đón đầu điều này để nếu bệnh nhiễm trùng ở người xảy ra, chúng ta sẽ nhanh chóng xử lý được".