Theo báo cáo “Kết quả triển khai Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chấn vấn liên quan đến lĩnh vực y tế” do Bộ Y tế vừa gửi Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội, trong năm 2018, Bộ Y tế và Sở Y tế 63 tỉnh/thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) là hơn 88,6 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017 (năm 2017 tổng số tiền phạt 63 tỷ đồng).
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 68.746 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản, phát hiện 4.909 cơ sở vi phạm và xử phạt 38,44 tỷ đồng.
Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 12.234 vụ, xử lý 5.866 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính gàn 15,6 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 14,9 tỷ đồng.
Hoạt động thanh kiểm tra ATTP luôn được chú trọng, đẩy mạnh. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống. |
Lực lượng Cảnh sát môi trường -Bộ Công an đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về ATTP với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm, trong đó đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ, 15 bị can.
Theo báo cáo này, hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP nhằm kiểm soát thị trường được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng có liên quan.
Các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, được công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Năng lực của các đoàn thanh, kiểm tra được nâng lên, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm ngay cả khi hàng hóa vi phạm còn để trong kho, chưa đưa ra lưu hành trên thị trường.
Về một số khó khăn, tồn tại trong công tác ATTP, tại báo cáo này, Bộ Y tế cho hay đã xuất hiện tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe (sản phẩm giảm cân, sinh lý nam, ăn ngon, ngủ ngon...); quảng cáo quá mức, quảng cáo mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung, quảng cáo như thuốc chữa bệnh, sử dụng hình hình, uy tín cơ sở y tế, nhân viên y tế...
Đồng thời Bộ Y tế cũng cho hay trong công tác ATTP, hiện vẫn còn tồn tại nhiều tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm như: Ăn tiết canh, ăn gỏi cá, thói quen chế biến, sử dụng thực phẩm tại hộ gia đình không đảm bảo an toàn... Những hành vi này không thể dùng biện pháp hành chính để thay đổi thói quen mà phải vận động, tuyên truyền, phải cần có thời gian.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng ngoài tác động ô nhiễm trực tiếp đến thực phẩm còn là nguyên nhân dẫn đến phát sinh dịch bệnh, là nguyên nhân dẫn đến lạm dụng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất...