Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất hiện tình trạng mua bán đàn ông, trẻ trong bào thai

Đại tá Lê Văn Chương - Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, nhà chức trách đã phát hiện nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai sang Trung Quốc.

"Hoạt động tội phạm mua bán người tại Việt Nam đang diễn ra phức tạp, xu hướng tăng và quốc tế hóa. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 2.200 vụ buôn người, với 3.300 người phạm tội. Có 4.500 nạn nhân bị lừa bán. So với cùng thời gian trước, tăng 11,63% số vụ (2.205/1.896)...".

Đó là thông tin do đại tá Lê Văn Chương, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát (Bộ Công an) cho biết tại tọa đàm dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), phần liên quan đến mua bán người, mua bán trẻ em diễn ra ngày 10/11.

Theo đại tá Chương, kẻ buôn người thường lợi dụng tình trạng khó khăn kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, dân trí thấp, nhẹ dạ cả tin của bị hại để lừa bán họ từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp hoặc ra nước ngoài.

Tội phạm còn lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của học sinh, sinh viên để lừa bán, chiếm 6,63% tổng số vụ (so với năm năm trước tăng 3%).

Tình trạng mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố.  Nạn nhân không chỉ phụ nữ, trẻ em mà có cả đàn ông, trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai...

Nhà chức trách đã phát hiện nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai sang Trung Quốc. "Điển hình như năm 2011 xảy ra vụ Nguyễn Thị Ngọc Hiền (Đồng Nai) đã bán 25 trẻ sơ sinh sang Trung Quốc.

Tiếp đó, Công an TP Cần Thơ bắt 10 người, đưa 75 người thuộc các địa phương phía Nam sang Trung Quốc, Singapore… bán thận. Riêng địa bàn tỉnh Hà Giang, từ năm 2010 đến nay phát hiện gần 80 vụ, chiếm đoạt hơn 100 trẻ em...", ông Chương cho biết.

Gần 90% số vụ là mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới Việt Nam với các nước như: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Trong đó, số vụ bán sang Trung Quốc chiếm 70% (tăng 10% so với cùng thời gian trước).

Điển hình, công an, biên phòng tỉnh Lào Cai phát hiện 392 vụ, bắt 458 kẻ buôn người; Nghệ An phát hiện 51 vụ, bắt 108 tên tội phạm.

Thời gian gần đây, những kẻ buôn người thường lợi dụng đường biên giới mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, một số nước miễn thị thực nên tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép.

Khi sang đến nước ngoài, những tên này thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú cho nạn nhân, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục. 

Gần đây Công an tỉnh Tiền Giang phá chuyên án, bắt 14 người lừa 124 phụ nữ bán sang Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc… hoạt động mại dâm.

Công an tỉnh Hậu Giang phá chuyên án, bắt bảy kẻ buôn người, lừa 30 phụ nữ sang Malaysia. Từ năm 2011 đến nay có trên 10.000 lượt phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị ép hoạt động mại dâm tại Malaysia.

Ông Chương đề nghị tăng mức hình phạt với hành vi mua bán người.

Cụ thể, mức khởi điểm hình phạt tù từ hai năm (khoản 1 Điều 119 BLHS hiện hành) cần tăng lên năm năm; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng (khoản 3 Điều 119) tăng lên từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

Đối với tội mua bán trẻ em tăng mức khởi điểm hình phạt tù từ ba năm (khoản 1 Điều 120 BLHS hiện hành) lên bảy năm; phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng (khoản 3 Điều 119) tăng lên từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

http://phapluattp.vn/an-ninh-trat-tu/xuat-hien-tinh-trang-mua-ban-dan-ong-tre-trong-bao-thai-590338.html

Theo Viết Long/Pháp luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm