Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 7 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4.398.202 lượt, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Làm dở, đổ nhiều tiền cũng vô ích
Lý giải về tình trạng sụt giảm khách quốc tế liên tục thời gian qua, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh đây là hệ quả của cả một quá trình. Nguyên nhân khách quan là do kinh tế thế giới suy thoái khiến du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng nguyên nhân chủ quan là nhiều hơn.
Theo ông Bình, phải nhìn vào thực tế là du lịch Việt Nam chưa đủ điều kiện để nâng lượng khách lên. Ngoài lý do sản phẩm du lịch chưa phong phú thì công tác xúc tiến, quảng bá còn lạc hậu. Những người làm công tác xúc tiến chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm để tổ chức những sự kiện quảng bá ở nước ngoài đủ tầm để gây được sự chú ý của các nước đối với du lịch Việt Nam.
Hình ảnh Việt Nam được giới thiệu với thế giới tại Expo 2015 qua những... chiếc áo cổ Tàu. Ảnh: Nguyễn Thị Oanh. |
Nhiều chuyên gia du lịch, doanh nghiệp (DN) lữ hành đều có chung nhận định với ông Vũ Thế Bình rằng công tác chuyên môn và hiệu quả đầu tư trong xúc tiến của ngành du lịch thời gian qua đều chưa tốt. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Giám đốc một công ty du lịch lớn cho hay đến nay vẫn còn không ít người nước ngoài nghĩ Việt Nam vẫn còn lạc hậu như vừa bước qua chiến tranh.
Kinh phí dành cho việc xúc tiến du lịch hiện nay khoảng 30 tỉ đồng/năm. Ngành du lịch than khó và lý giải xúc tiến du lịch kém là do ít tiền. Thái Lan mỗi năm bỏ ra 86 triệu USD cho xúc tiến du lịch, Singapore 100 triệu USD, Malaysia 130 triệu USD.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, kinh phí hạn chế không phải nguyên nhân chính mà chính là do chúng ta làm xúc tiến du lịch kiểu manh mún khiến số tiền ít ỏi ấy trở nên không hiệu quả. PGS-TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, cho rằng ngành du lịch đang sử dụng kinh phí theo kiểu quân bình, tư duy nhiệm kỳ.
“Một sự kiện mà năm nay người này làm, sang năm người khác làm, thậm chí năm nay đơn vị này làm, sang năm đơn vị khác làm thì bao giờ chúng ta mới có một đơn vị chuyên trách để làm công tác đó?” - ông Lương đặt vấn đề.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, nhận xét Tổng cục Du lịch vẫn chọn hình thức truyền thống là tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức các đoàn farm/press trip trong xúc tiến du lịch mà hiệu quả của những hình thức này rất khó đong đếm, chưa kể trong các cuộc hội chợ đó chúng ta chưa thực sự tạo dựng được hình ảnh tốt.
Ai cũng làm thành ra... không ai làm!
Du lịch Việt Nam hiện có 3 hình thức xúc tiến là xúc tiến điểm đến của Chính phủ, xúc tiến điểm đến của địa phương và xúc tiến sản phẩm của DN. Chính một lãnh đạo của Tổng cục Du lịch phải than rằng có quá nhiều nơi, nhiều đơn vị cùng xúc tiến du lịch, thành ra cuối cùng hiệu quả không cao, cứ người nọ đổ cho người kia, cuối cùng là không ai làm.
DN thì cho rằng nhà nước không hỗ trợ, vì vậy rất nhiều DN không tham gia công tác xúc tiến. Ngược lại, cơ quan quản lý nói việc kinh doanh là của DN, chính họ phải tự đi quảng bá để bán sản phẩm...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 14 yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trên tinh thần huy động mạnh mẽ sự tham gia của những hiệp hội du lịch và DN lữ hành; đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ - ngành liên quan trong việc xúc tiến du lịch gắn với việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch thừa nhận: Để xúc tiến du lịch thành công, không có cách nào khác ngoài việc các bên liên quan, nhà quản lý, chuyên gia, DN phải ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp. Những vấn đề trọng tâm như lựa chọn thị trường để tổ chức xúc tiến, quảng bá, đầu tư sự kiện như thế nào, giao cho ai phụ trách... cần được thảo luận để có được sự thống nhất giữa các bên. Theo ông Vũ Tiến Lộc, cần phải xúc tiến du lịch theo kiểu DN chứ không nên chỉ giữ ở hình thức nhà nước.