Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xung đột Saudi Arabi - Iran đe dọa vòng chung kết U23 châu Á

Tình hình căng thẳng leo thang trong mối quan hệ chính trị giữa Saudi Arabia và Iran có thể lan tỏa và ảnh hưởng xấu tới giải U23 châu Á và Asian Champions League.

Trong bài viết mới đây cho AP, cây bút nhiều năm nghiên cứu bóng đá châu Á John Duerden phân tích những cuộc đối đầu giữa các CLB Saudi Arabia và Iran tại Asian Champions League, cũng như hai đội tuyển quốc gia này (nếu có) ở giải U23 châu Á đang đứng trước nguy cơ xảy ra xung đột đến từ làn sóng cổ động viên.

Dòng người Iran biểu tình phản đối Saudi Arabia.


Mọi chuyện khởi nguồn sau khi chính quyền Saudi Arabia hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr dòng Shia. Để trả đũa, người biểu tình Iran tấn công đại sứ quán và lãnh sự quán của Saudi Arabia  tại Tehran (Iran) và một thành phố khác. Ngoại trưởng của Saudi Arabia, Adel al-Jubeir sau đó cũng thông báo Riyadh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia tiếp tục leo thang và rơi vào cảnh bế tắc trong việc tìm hướng giải quyết, nhiều CLB hàng đầu của Saudi Arabia cảm thấy bất an. Mới đây, họ viết đơn lên Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) yêu cầu xem xét di dời các trận đấu thuộc khuôn khổ Asian Champions League giữa những CLB của Saudi Arabia và Iran đến địa điểm trung lập.

Ông Muhammad Al-Nuwaiser, Phó chủ tịch LĐBĐ Saudi Arabia, cũng nhân tình hình hiện tại để phản đối quyền tổ chức những trận đấu của Iran tại Asian Champions League. Lý do vì những cuộc biểu tình gần đây của người Iran có thể đe dọa đến an ninh trên sân. Thống kê cho thấy có 6 trận đấu theo lịch diễn ra giữa đại diện Saudi Arabia và Iran ở vòng bảng Asian Champions League. Nếu tính thêm hai trận play-off, thì con số này có thể được tăng lên thành 8 trận.

"Nếu Iran còn không thể bảo vệ đại sự quán, làm sao họ bảo vệ được cho các sân vận động," ông Muhammad Al-Nuwaiser cho biết.

Đội U23 Iran có thể đụng U23 Saudi Arabia ở tứ kết giải U23 châu Á.


Trong bóng đá, chỉ với một trận đấu bị ảnh hưởng bởi xung đột chính trị cũng trở thành nỗi lo lớn. Có đến gần 10 trận đấu giữa Saudi Arabia và Iran diễn ra. Điều này vô tình tạo ra cơ hội lớn cho căng thẳng xuất hiện không chỉ trên khán đài mà cả dưới sân, theo chuyên gia nghiên cứu chính trị - bóng đá James Dorsey tại trường đại học Nanyang Technological ở Singapore.

"Bóng đá là cuộc chơi của chính trị và đặt biệt hiện rõ trong các trận đấu mang tầm quốc tế ở những quốc gia đặc biệt như Saudi Arabia và Iran. Trên hai đất nước này, chính trị nắm quyền điều khiển thể thao rất chặt," Dorsey nói với hãng tin AP.

"Phía Saudi Arabia đã từ chối gửi những CLB tới Iran để thi đấu ở Asian Champions League. Họ cho rằng đất nước này xuất hiện một sự bất ổn lớn và an ninh không được đảm bảo".

Đáp lại những cáo buộc từ Saudi Arabia liên quan đến việc Iran không đủ điều kiện tổ chức các trận đấu thuộc Asian Champions League, chủ tịch LĐBĐ Iran, Ali Kafashian chỉ ra quốc gia của họ vẫn đủ sức đứng ra tổ chức những trận đấu gặp Afghanistan và Iraq ở vòng loại World Cup 2018, bất chấp mối quan hệ giữa các bên.

"Iran là một quốc gia an toàn và nếu các quan chức bóng đá Saudi Arabia không hài lòng với điều đó, họ phải đưa ra được bằng chứng," tờ Tehran Times dẫn lời chủ tịch Kafashian. "Chính phủ Saudi Arabia cấm người dân đi du lịch tới Iran, song, thể thao không liên quan gì tới chính trị cả".

U23 Saudi Arabia (áo trắng) trong trận đấu với U23 Thái Lan.


Tuần rồi, AFC đưa ra thông báo sẽ "kiểm soát tình hình" ở cả Saudi Arabia lẫn Iran, nhưng không bình luận thêm bất kỳ điều gì. Tại vòng chung kết giải U23 châu Á đang diễn ra trên đất Qatar, tuyển U23 Saudi Arabia và U23 Iran hoàn toàn có thể chạm trán nhau ở tứ kết. U23 Iran nằm ở bảng A, còn U23 Ả-rập rơi vào bảng B, vì vậy cả hai sẽ đụng độ trong trường hợp một đội đứng đầu bảng A và đội kia nhì bảng B.

Đây sẽ là cuộc chạm trán rất hấp dẫn vì ảnh hưởng tới cơ hội dự Olympics Rio 2016 của hai đội. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ đổ vỡ vì sự chen ngang của rắc rối chính trị giữa hai quốc gia.

Theo John Duerden, việc Saudi Arabia chạm trán Iran tại tứ kết chưa biết diễn ra theo kịch bản nào, nhưng trước mặt một bầu không khí căng thẳng và hoàn toàn có thể dẫn đến sự thù địch sẽ xuất hiện và đe dọa trận đấu.

Nguyên Trí

Ảnh: Getty Images.

Bạn có thể quan tâm