Phụ nữ trên khắp Thụy Sĩ biểu tình bằng cách la hét, đòi đối xử bình đẳng và chấm dứt vấn nạn bị nam giới bạo lực, đánh đập, theo The Guardian.
Cuộc biểu tình diễn ra tại nhiều địa điểm khắp Thụy Sĩ. Hàng nghìn người tham gia tại Geneva và nhiều thành phố khác chờ đến 15 giờ 24 phút chiều và liên tục hét, hô vang những khẩu hiệu đòi quyền lợi trong vòng một phút.
Số giờ được lựa chọn mang ý nghĩa thời điểm trong ngày phụ nữ bị coi như làm việc không được trả lương, dựa theo chênh lệch tiền lương giữa hai giới.
Phụ nữ tại nhiều nơi ở Thụy Sĩ xuống đường để phản đối những bất công, bất bình đẳng giới họ gặp phải, dù cuộc sống ở mức cao tại đất nước họ. |
“Tiếng hét tượng trưng cho cảm xúc của tôi. Tôi la hét cho chính bản thân, và cả những người anh chị em và cả mẹ tôi, người đã bị gã bạn trai có máu bạo lực giết hại”, Roxanne Errico, một nữ sinh viên 19 tuổi, chia sẻ về lý do tham gia biểu tình.
Rose-Angela Gramoni , một người dân ở Geneva, cho biết mình đã tham gia tất cả các cuộc biểu tình của phụ nữ kể từ năm 1991.
“Nếu giờ tôi qua đời, thế hệ tiếp theo sẽ tiếp tục đứng lên. Nhưng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác buồn bã. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để đấu tranh, lên tiếng đòi quyền lợi, nhưng chưa có mong muốn nào thành hiện thực cả”, Gramoni, người đã bước vào độ tuổi 70, nói.
Thụy Sĩ được biết đến là nơi có chất lượng cuộc sống cao nhưng lại thua xa các nền kinh tế phát triển khác trong vấn đề trả lương cho phụ nữ và bình đẳng tại nơi làm việc.
Đúng 15 giờ 24 chiều, tất cả người tham gia sẽ la hét liên tục trong vòng một phút như một cách thể hiện sự phản đối. |
Trung bình, phái yếu bị trả lương thấp hơn một phần năm so với số tiền đàn ông nhận được. Con số đã thu hẹp từ khoảng cách một phần ba vào thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng lại là một bước lùi so với những năm 2000, theo dữ liệu của chính phủ.
Ngoài ra, một phút mặc niệm trong im lặng dành cho những nạn nhân ra đi vì bị chồng hay bạn trai giết hại cũng được những người tham gia tổ chức.
“Tôi muốn được đi bộ vào ban đêm, thoải mái mặc váy, quần short hay quần legging mà không sợ bị trêu ghẹo, quấy rối hay nỗi lo bị tấn công, hiếp dâm”, Vani Niuti, cô gái 20 tuổi đến từ Geneva, cho biết.
Ngoài bạo lực gia đình, quyền lợi của cộng đồng LGBT, yêu cầu công nhận những công việc phái yếu bắt buộc phải làm nhưng không được trả lương như chăm sóc gia đình, người thân cũng trở thành chủ đề khiến hàng nghìn phụ nữ lên tiếng.
Năm ngoái, nửa triệu người xuống đường tuần hành để phản đối xếp hạng thấp của Thụy Sĩ trong danh sách những quốc gia tôn trọng quyền phụ nữ. Năm nay, quy mô của cuộc biểu tình bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên quốc gia này.