Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Y án cựu cục phó Trần Hùng 9 năm tù

Theo HĐXX cấp phúc thẩm, mức án mà tòa cấp sơ thẩm tuyên đối với bị cáo Trần Hùng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Chiều tối 23/1, sau 2 ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với ông Trần Hùng (62 tuổi, cựu Cục phó Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) và 17 bị cáo khác liên quan vụ án 27.000 sách giáo khoa giả.

Một số bị cáo được giảm nhẹ hình phạt

Theo HĐXX, căn cứ vào lời khai của người làm chứng, người liên quan và diễn biến vụ việc cho thấy bị cáo Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng thông qua Nguyễn Duy Hải, để tác động, tư vấn Cao Thị Minh Thuận thay đổi lời khai nhằm thay đổi bản chất vụ việc. "Mức án mà tòa cấp sơ thẩm tuyên đối với bị cáo Trần Hùng là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", HĐXX nhận định.

Đối với dữ liệu cột sóng do luật sư bào chữa cho ông Trần Hùng cung cấp, HĐXX nhận định dữ liệu này không có giá trị chứng minh địa điểm chính xác của điện thoai, không có giá trị chứng minh chủ nhân của chiếc điện thoại ở đâu, nên không có giá trị chứng minh bị cáo Trần Hùng ngoại phạm.

Từ đó, HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Hùng, tuyên phạt bị cáo mức án 9 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Tòa phạt bị cáo Cao Thị Minh Thuận mức án 8 năm tù về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Bị cáo Lê Việt Phương được chuyển hình phạt 30 tháng tù sang án treo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

cuu cuc pho Tran Hung anh 1

Ông Trần Hùng tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Nam Phạm.

VKS: "Bị cáo Trần Hùng không oan"

Nêu quan điểm luận tội, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đánh giá khi Công ty Phú Hưng Phát của bà Cao Thị Minh Thuận bị tổ công tác của ông Hùng phát hiện in 27.300 sách giáo khoa giả, bà Thuận thông qua người quen chung là Nguyễn Minh Hải để hối lộ ông Hùng 300 triệu đồng.

Sau đó, ông Hùng tác động, tư vấn Thuận thay đổi lời khai, để không bị xử lý hình sự mà chỉ bị phạt hành chính 50 triệu đồng.

Theo kiểm sát viên, dựa vào lời khai của ông Trần Hùng và các bị cáo khác, VKS cho rằng mức án mà tòa cấp sơ thẩm tuyên bị cáo là có căn cứ, không oan sai. Từ đó, VKS đề nghị bác kháng cáo đối với ông Hùng.

Các bị cáo còn lại được VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo, giảm 1-2 năm tù, hoặc chuyển từ án tù có thời hạn sang án treo do có một số tình tiết giảm nhẹ mới như khắc phục hậu quả...

Bị cáo Trần Hùng: "Tôi kêu oan vì trọng danh dự và liêm sỉ"

Trước đó, quá trình xét hỏi tại tòa, bị cáo Cao Thị Minh Thuận khai số 300 triệu đồng được chuyển cho Nguyễn Mạnh Hà (giám đốc một công ty in) để người này chuyển cho Nguyễn Duy Hải rồi Hải đưa cho Trần Hùng.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc tiền qua 2-3 người vậy có gì chắc chắn đến tay Trần Hùng không, bị cáo Thuận cho rằng không biết đường đi của tiền, chỉ biết vụ việc của mình sau đó được "xử lý nhẹ".

Đối với cáo buộc nhận hối lộ của ông Trần Hùng, tại tòa, bị cáo khẳng định chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nhận tội.

"Giai đoạn điều tra, nhiều người bảo tôi nhận tội đi, có 300 triệu, cùng lắm 9 tháng tù thôi. Nhưng tôi không nhận nên phải kêu oan, vì tôi là người trọng danh dự và liêm sỉ", ông Hùng nói và cho biết 20 ngày trước vụ án được một số đại diện nhà xuất bản dẫn Hải đến giới thiệu, nói đây là người biết biết các chỗ làm sách lậu, có thể cung cấp thông tin cho Cục Quản lý thị trường.

Theo ông Hùng, Nguyễn Duy Hải từng đến phòng làm việc của ông, có mặt 2 người khác, Hải nói Thuận có 300-400 triệu đồng biếu tổ công tác nhưng ông đuổi, mắng "mày định hối lộ tao à, biếu xén cái gì". Cựu Cục phó cũng nói suốt mấy chục năm công tác "không ai sản xuất, kinh doanh hàng giả mua chuộc được tôi".

Theo nội dung bản án sơ thẩm, sau khi bị phát hiện 27.300 cuốn sách giáo khoa giả, bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) và bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) nhờ ông Hùng tha với điều kiện sẽ chi 400 triệu đồng.

Sau cuộc trao đổi với Hải, Cục phó Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc, chuyển thành sách do người khác mang đến ký gửi.

Ngày 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng của Thuận đựng trong túi nylon màu đen đến phòng làm việc ông Trần Hùng nhưng bị ông này đuổi về. Đến chiều cùng ngày, Hải cầm 300 triệu đồng quay lại phòng làm việc đưa cho ông Hùng.

Nhà chức trách xác định, sau khi công ty Phú Hưng Phát chỉ bị phạt hành chính, bà Cao Thị Minh Thuận đã nhiều lần đưa tiền cho Lê Việt Phương (cựu đội phó, Phương chia cho hai cấp dưới 11 triệu đồng) và Đội Quản lý thị trường 17 với tổng số tiền 330 triệu đồng.

Xử sơ thẩm hồi tháng 7/2023, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Hùng mức án 9 năm tù về tội Nhận hối lộ; bị cáo Nguyễn Duy Hải bị phạt 27 tháng tù về tội Môi giới hối lộ. Ba người ở Đội Quản lý thị trường số 17 gồm: Lê Việt Phương nhận mức án 30 tháng tù, Phạm Ngọc Hải 20 tháng tù treo và Thành Thị Đông Phương 18 tháng tù treo về cùng tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận bị phạt 10 năm tù về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả, phạt bổ sung 50 triệu đồng; 30 người còn lại từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trần Hùng có đơn kháng cáo kêu oan. Những bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Độc giả của Znews có thể tìm đọc các cuốn sách tại Tủ sách pháp luật để tìm hiểu thêm về Luật tố cáo, Luật khiếu nại, Luật hình sự, Luật dân sự.

Đức Mạnh - Sơn Giang

Bạn có thể quan tâm