Ngày 5/3, một người tự xưng là y tá, đăng tải bài viết trên Pann kể rằng từng bị đồng nghiệp có cấp bậc và thâm niên cao hơn bắt nạt khi cả hai cùng làm việc tại phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện Đại học Quốc gia Chungbuk (Cheongju, tỉnh Bắc Chungcheong) vào 9 năm trước, theo Korea Herald.
Nạn bắt nạt đồng nghiệp được nữ y tá từng làm việc tại bệnh viện Đại học Quốc gia Chungbuk đăng tải gây xôn xao dư luận.. Ảnh: Yonhap. |
Gần đây, khi nghe tin người y tá cấp cao kia nay trở thành giáo sư điều dưỡng tại một bệnh viện ở tỉnh Gangwon, cô bèn hồi tưởng lại sự việc và cảm thấy vô cùng khổ sở.
Chia sẻ trên Pann, tác giả bài viết cho biết nữ y tá cao cấp đã buộc cô đứng trước máy chụp X-quang mà không có thiết bị bảo hộ. Người này cũng từng đưa ra bình luận phỉ báng ngoại hình của cô và mẹ mình.
"Nữ y tá kia nhiều lần quấy rối, đánh đập, xúc phạm cha mẹ tôi. Thậm chí, cô ta còn dỡ túi đờm khỏi người tôi và bắt tôi đứng trước máy chụp X-quang, cười và nói: 'Hãy nhận lấy đống bức xạ đó đi'", bài đăng đề cập.
Không thể tiếp tục chịu đựng, cô quyết định rời bệnh viện sau 13 tháng. Dù vậy, hơn một năm sống trong sợ hãi khiến cô bị tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần.
"Trước đó, tôi đã chia sẻ câu chuyện này với cộng đồng y tá Hàn Quốc. Mọi người động viên, khích lệ tôi đưa vụ việc này ra ánh sáng", nữ y tá viết.
Tới thời điểm này, giáo sư điều dưỡng được nhắc tới trong bài viết vẫn phủ nhận tất cả cáo buộc. Korea Herald đưa tin người này được cho là đang chuẩn bị nộp đơn tố cáo tác giả bài đăng.
Các y tá tại xứ kim chi phải chịu áp lực lớn từ công việc và ảnh hưởng từ văn hóa "Taeum" tại nơi làm việc. Ảnh: Korea Herald. |
Tại xứ kim chi, tình trạng bắt nạt diễn ra trong cộng đồng y tá suốt nhiều năm qua có tên gọi là "Taeum".
Cụ thể, các y tá cấp cao thường dùng cấp bậc và thâm niên làm việc để quấy rối đàn em và các nhân viên khác. Họ sẽ phân công lịch trình làm việc nối ca, cố ý giấu thông tin về công việc, đánh đập hoặc chửi mắng đồng nghiệp cấp dưới.
Tới nay, văn hóa "Taeum" vẫn tồn tại do được các y tá bệnh viện bảo vệ, cho rằng đây là phương tiện để thiết lập kỷ luật tại nơi làm việc.
Ngoài việc đăng bài, tác giả bài viết còn tạo một bản kiến nghị trực tuyến lên Văn phòng Tổng thống, hy vọng rằng câu chuyện này sẽ tạo nên sự thay đổi. Tới trưa ngày 11/3, đề xuất trên nhận được 4.691 chữ ký ủng hộ.
"Văn hóa 'Taeum' nên biến mất. Mỗi y tá là một cá nhân, có quyền được tôn trọng. Tôi yêu cầu chính phủ khẩn trương vào cuộc nhằm ngăn chặn tình trạng này tái diễn. Tôi không muốn có thêm bất cứ nạn nhân nào nữa", trích bản kiến nghị.
Trước đó, nhiều vụ việc liên quan từng nhận được sự chú ý từ dư luận, song vẫn chìm dần theo thời gian.
Năm 2019, một y tá tại Trung tâm Y tế Seoul đã tự tử do áp lực công việc và nhiều tháng chịu cảnh bắt nạt từ đồng nghiệp. Ngoài ra, một y tá khác tại Trung tâm Y tế Asan cũng quyên sinh với lý do tương tự.