Việc tiêu chuẩn khí thải mới EURO 5 được áp dụng từ năm 2020 làm cho các hãng xe phải thiết kế lại hệ thống động cơ trên các mẫu superbike của mình nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới này.
Tiêu chuẩn khí thải EURO 5 khiến cho các hãng xe phải suy nghĩ để thiết kế lại động cơ thân thiện với môi trường hơn. Ảnh: AMCN |
Hãng xe đi đầu trong việc thay đổi này là Yamaha. Theo các nguồn tin đáng tin cậy, hãng xe đến từ Nhật Bản sẽ áp dụng công nghệ trên mẫu xe YZR-M1 được sử dụng trong giải đua Moto GP lên chiếc YZF-R1 2020.
Kể từ năm 2015 trở đi Yamaha YZF-R1 hầu như không có sự thay đổi gì khiến nó trở thành mẫu xe có công nghệ "lạc hậu" nhất trong giải đua WSBK. Việc thay đổi này là vô cùng cần thiết vì ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mới, Yamaha cũng mang đến cho YZF-R1 2020 những công nghệ mới và hiện đại để theo kịp các đối thủ cùng phân khúc như Honda CBR1000RR hay Ducati 1299 Panigale.
Yamaha YZF-R1 phiên bản đua giải WSBK. Ảnh: Motor2k |
Xe được thiết kế trục khuỷu quay ngược chiều với bánh xe (Reverse-rotating crankshaft), hộp số liền mạch (Seamless-shift transmission) giúp việc sang số nhanh hơn 80% và hệ thống van biến thiên (Variable Valve Timing).
Việc trang bị van biến thiên đã được Yamaha áp dụng trên các mẫu xe nhỏ của mình như YZF-R150 hay NVX 125/150, tuy nhiên trên các dòng xe phân khối lớn của Yamaha cho đến nay vẫn chưa được trang bị. Trong khi đó những đối thủ như BMW S1000RR và Suzuki GSX-R1000 đều đã được trang bị công nghệ van biến thiên này từ khá lâu.
Ngược lại, Yamaha là một trong những hãng đầu tiên trang bị trục khuỷu quay ngược trên mẫu xe đua Moto GP của mình từ hơn một thập kỷ trước. Trục khuỷu quay ngược giúp xe cho cảm giác lái lanh lẹ và dễ dàng hơn. Ngoài Yamaha thì Ducati cũng là hãng xe trang bị công nghệ này cho mẫu superbike Ducati Panigale V4.