Mượn xe sang đi tỏ tình, điện thoại, quần áo đẹp của bạn đi chơi với bạn gái là chuyện không hiếm gặp trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Thậm chí, nhiều học sinh, sinh viên chưa có thu nhập nhưng “sống chết” đòi bố mẹ mua cho điện thoại xịn, xe đẹp để thỏa mãn bản tính thích thể hiện với bạn bè.
'Không có SH thì thà đi xe đạp còn hơn'
Vụ việc “soái ca SH” dẫn bạn gái đi ăn nhưng không trả nổi 200.000 đồng, thậm chí mất hút khi chủ quán lên tiếng đòi nợ vài tháng sau đó, làm dấy lên tranh cãi trên mạng xã hội.
Dân mạng “ném đá” không thương tiếc nam chính và cho rằng anh là người thích thể hiện, "thùng rỗng kêu to". Họ nói người này đi xe xịn nhưng lại không có nổi 200.000 để trả tiền ăn, uống khi dẫn bạn gái đi chơi thì nên ở nhà hoặc đi xe xấu chứ không nên phô trương như vậy.
Không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi chiếc xe SH đắt tiền đi mượn hoặc do bố mẹ mua cho chứ không phải bằng tiền mà thanh niên kiếm được bằng sức lao động của mình.
Nhiều bạn trẻ cho rằng câu chuyện này không phải hiếm gặp trong xã hội hiện đại. Không ít người có xe đẹp, điện thoại xịn để “đánh bóng” bề ngoài nhưng ví tiền lúc nào cũng trong tình trạng “giữa tháng đã hết tiền”.
Tâm sự của chàng trai khi bị người yêu bỏ vì đi xe máy "cùi bắp". |
Cũng liên quan "tình yêu vật chất", cuối năm 2016, chuyện chàng trai tên P.V.H (28 tuổi, Hà Nội) khóc lóc, quyết đập lợn mua SH vì bạn gái chia tay mối tình 2 năm mà nguyên nhân là anh chàng đi xe "cùi bắp" khiến nhiều người xôn xao.
Nhân vật chính trong chuyện cũng chia sẻ anh mua xe xịn để chứng minh cho người yêu thấy rằng "phương tiện đi lại mua thì dễ thôi, tình cảm lâu bền mới khó".
Trước đó, chuyện cô gái chia tay khi biết người yêu chỉ có xe dream mà không phải "xế hộp" như buổi đầu dẫn cô đi chơi cũng là chủ đề làm nóng một số diễn đàn của người trẻ. Người ta chê cô gái ham mê vật chất nhưng cũng trách chàng trai không thành thật từ đầu. Họ cho rằng nam chính đã tự tạo cho mình vỏ bọc hào nhoáng khiến người yêu thất vọng khi biết sự thật.
Chia sẻ quan điểm về vụ việc, đa số sinh viên được hỏi đều bày tỏ họ sẽ mua điện thoại thông minh và xe đẹp nếu điều kiện cho phép. Cũng có bạn cho rằng "thà đi bộ còn hơn đi xe số", đã mua phải tậu cho được xe đắt tiền.
Đỗ Minh (sinh viên năm thứ nhất, Đại học Thương mại Hà Nội) cho hay bản thân cũng thích mua xe xịn nhưng chưa đủ tiền nên cậu thà đi xe đạp tới trường chứ không mua xe số.
“Mình mơ ước có chiếc xe SH từ lâu nhưng chưa đủ tiền. Bố mẹ khuyên mình mua tạm xe số lấy phương tiện đi lại nhưng mình không thích. Ai cũng có quyền được chọn lựa theo ý của mình mà. Mình thà đi xe đạp đến khi đủ tiền mua xe xịn còn hơn”, chàng sinh viên này bày tỏ.
Quỳnh Anh ở Thái Nguyên từng chia sẻ thẳng thắn tiêu chí chọn người yêu của cô là anh ấy đi xe gì. "Dù không có ý phân biệt, tôi phải tìm người yêu phù hợp với mình", cô gái này nói.
'Hot trend' - thích thể hiện bản thân
Lối sống chạy theo hình thức, thích thể hiện dường như trở thành “hot trend” với không ít người trẻ hiện nay. Dân mạng ít gọi anh chàng đi xe số cà tàng là “soái ca”, mà hai từ đó thường được gắn với người đẹp trai, giàu có, mặc áo sơ mi trắng, dùng điện thoại thông minh đắt tiền.
“Anh chàng đó đi xe gì, dùng điện thoại gì?”, “Anh ấy có nhà Hà Nội chưa?”, “Lương tháng của anh ấy bao nhiêu?”… là những câu hỏi mở đầu trong những câu chuyện kể về "đối tượng" của không ít cô gái.
Chính lối sống thực dụng cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy sự thích thể hiện và bắt buộc phải thể hiện của các chàng trai. Càng ngày, lối sống này càng ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người trẻ.
Chàng trai "rao bán" tính mạng mình với 40.000 like này là người tạo ra trào lưu phản cảm trên mạng.
|
Theo các chuyên gia, tâm lý thích thể hiện xuất phát từ nhu cầu của mỗi người trong giai đoạn trưởng thành.
Thạc sĩ tâm lý học Trần Thị Thu Vân, Phòng khám Chăm sóc giảm nhẹ - Tâm lý (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) từng nói về vấn đề này rằng: "Một số bạn trẻ có nhu cầu muốn được người khác coi trọng, để ý trong từng giai đoạn phát triển tâm lý của tuổi mới lớn. Sự giáo dục, định hướng không đúng hướng của gia đình, nhà trường khiến việc xây dựng 'cái tôi' của nhiều người bị lệch lạc".
Sự thể hiện quá đà của nhiều bạn trẻ đã gây ra không ít hậu quả. Bằng chứng rõ nhất của việc này là trào lưu “nói là làm” từng gây xôn xao mạng xã hội. Đó là cách thể hiện bản thân, lôi kéo sự chú ý của nhiều người, bằng nhiều cách tiêu cực.
Khi đủ số like (thích) theo yêu cầu, chủ nhân dòng trạng thái trên Facebook sẽ thực hiện việc như đã hứa trước đó. Một cô bé bị bỏng nặng chỉ vì đốt trường nếu đủ like. Một chàng trai tẩm xăng lên người châm lửa đốt rồi nhảy xuống sông gây xôn xao cũng là hậu quả của việc muốn gây chú ý. Thậm chí, nhiều người trẻ còn không ngại khoe “chiến tích yêu đương” trên mạng xã hội.
Quay lại câu chuyện chàng trai đi xe SH quỵt nợ 200.000 đồng, nam chính nhận không ít “gạch đá” từ phía dân mạng và bị gán mác thanh niên sống ảo thích thể hiện. Nhiều bạn gái bày tỏ thà họ yêu một người đi xe xấu nhưng có lòng tự trọng còn hơn anh chàng thích khoe mẽ này.
Hoài Thương (sinh viên năm cuối, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nói không phải cô không thích bạn trai đi xe sang, dùng điện thoại xịn. Tuy nhiên, những thứ đó phải do chính chàng trai ấy làm ra.
“Xe đẹp, điện thoại xịn thể hiện sự thành công của người đàn ông ấy nếu anh ta tự mua cho mình. Nếu những thứ đó chỉ là đi mượn, được mua cho thì đừng nên thể hiện. Mình thà yêu người đi xe xấu nhưng có lòng tự trọng còn hơn”, nữ sinh viên này nói.