Zing trích dịch bài viết trên The New York Times, đề cập đến những yếu tố có khả năng giúp bạn hạn chế việc bình luận công kích người khác trên mạng.
Trong thực tế, những kẻ chuyên đi troll trên mạng có thể là chính bạn bè, hàng xóm, cha mẹ hay bản thân chúng ta. Ngay cả khi bạn có tính cách ở đời thật không giống một kẻ thích công kích người khác thì thi thoảng bạn vẫn làm điều đó trên “thế giới ảo”.
Tiến sĩ Jure Leskovec, phó giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Stanford và các đồng nghiệp đã nghiên cứu hành vi troll bằng cách mô phỏng một cuộc thảo luận trực tuyến. Họ tìm thấy hai yếu tố chính thúc đẩy hành vi xấu trực tuyến: tâm trạng tiêu cực và bối cảnh thảo luận.
“Thí nghiệm của chúng tôi cho thấy những người đang có tâm trạng tồi tệ sẽ có xu hướng viết bình luận troll. Bối cảnh cũng quan trọng. Nếu một người đang mang năng lượng tiêu cực đọc được một vài bình luận tiêu cực trước đó, họ cũng dễ viết nên những bình luận xấu”, tiến sĩ Leskovec nói.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm ra rằng các hành vi tiêu cực lan truyền nhanh hơn nhiều và dễ dẫn đến một vòng xoáy độc hại trên mạng xã hội. Những phát hiện này đủ để họ kết luận là trong những hoàn cảnh nhất định, người bình thường có thể cư xử như những kẻ thích troll.
Các hành vi tiêu cực lan truyền nhanh hơn nhiều và dễ dẫn đến một vòng xoáy độc hại trên mạng xã hội. Ảnh: Pinterest. |
Dù nguyên nhân của hành vi xấu trên mạng là gì, luật an ninh mạng đang được người dân trên khắp thế giới ủng hộ với mong muốn các nền tảng trực tuyến trở nên văn minh hơn.
“Định nghĩa về luật an ninh mạng tương đối đa dạng. Nhưng tôi nghĩ có thể tạm gọi nó là chuẩn mực hành động của mọi người với nhau, cách mọi người tương tác với nhau trong không gian kỹ thuật số. Chúng tôi đang không ngừng phát triển các định mức về sử dụng công nghệ một cách phù hợp và có trách nhiệm”, ông Ribble - một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của Hiệp hội Công nghệ Quốc tế về Giáo dục Mạng lưới Công dân Kỹ thuật số - cho hay.
Biết đặt mình vào vị trí của người khác
Các nhà nghiên cứu tại Cornell đã phát hiện ra cách mọi người giành thế thắng trong những cuộc tranh luận trực tuyến thông qua quá trình phân tích cộng đồng ChangeMyView của Reddit.
Chenhao Tan, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết: “Cố gắng thay đổi quan điểm của một người là mục tiêu phổ biến trên nhiều nền tảng tranh luận. Điều đó luôn luôn khó nhằn hơn bạn tưởng. Khả năng thành công sẽ cao hơn nếu bạn hiểu rõ nguyên lý cơ bản và những yếu tố có thể thay đổi trong quá trình tranh luận đó”.
Sự đồng cảm là một trong những lời khuyên quan trọng nhất để tranh luận trực tuyến hiệu quả. Ảnh: Pinterest. |
ChangeMyView độc đáo ở chỗ nó cung cấp một bộ quy tắc cơ bản để tranh luận, bao gồm giải thích những lý lẽ đằng sau quan điểm của bạn và giữ quan điểm thân thiện với những bình luận khác. Tiến sĩ Tan cũng cho rằng sự đồng cảm - cố gắng hiểu ý kiến của người khác đến từ những nguyên do nào - là một trong những lời khuyên quan trọng nhất để tranh luận trực tuyến hiệu quả.
Đừng bình luận khi đang “khó ở”
Trước khi nhấn “enter”, hãy dành một giây để tự hỏi xem liệu bạn có đang cảm thấy ổn không.
“Khi đang ở trong tâm trạng tồi tệ thì đừng đăng bài” là lời khuyên của tiến sĩ Leskovec. Ông còn nhấn mạnh điều quan trọng là hãy dừng lại khi bạn thấy rằng cuộc tranh luận đang dần trở nên độc hại. Nếu khi đó bạn tiếp tục, mọi thứ chỉ tiêu cực hơn mà thôi.
“Đừng bao giờ tham gia vào mấy cuộc tranh luận độc hại không hồi kết. Bạn chẳng được lợi gì từ đó cả”, ông bổ sung.
Các nhà khoa học cho rằng không nên tham gia tranh luận trên mạng khi đang cảm thấy bực tức. Ảnh: The Bull. |
Sống chậm lại một chút
“Chúng ta đang sống trong một xã hội nơi mọi người chẳng buồn bận tâm đến cảm nhận của người khác. Mọi người thường chỉ ưu tiên tốc độ, tức là chỉ muốn đăng thật nhanh những gì mình nghĩ. Họ không cân nhắc về những gì người khác nghĩ”, ông Ribble nói.
Trong cuốn sách của mình, ông Ribble đề xuất một quy trình gồm bốn phần: Dừng lại và hít thở trước khi đăng bất cứ điều gì, suy nghĩ xem những gì bạn nói có đúng và hữu ích hay không, đồng cảm với người ở đầu bên kia, và cuối cùng, hãy đăng nó nếu bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng.
Chú ý cách diễn đạt suy nghĩ của mình
Trong nghiên cứu của tiến sĩ Tan, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sử dụng ngôn ngữ tinh tế hay không là điều gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc tranh luận.
Hãy để ý, nếu một người nào đó sử dụng từ “tôi” thay cho “chúng tôi” khi tranh cãi một vấn đề, đó là dấu hiệu cho thấy anh ta không cởi mở lắm.
“Người muốn cá nhân hóa quan điểm có xu hướng sử dụng đại từ ngôi thứ nhất để khẳng định cái tôi, trong khi số nhiều của ngôi thứ nhất lại cho thấy sự khiêm nhường và muốn tăng tính khách quan của lập luận được đưa ra”, tiến sĩ Tan nói.
Vì vậy, khi ai đó sử dụng “chúng tôi”, đó có thể là một cách nói tinh tế với tư tưởng cầu tiến. Trong trường hợp đó, cuộc tranh luận vẫn nên được tiếp tục.
Sử dụng ngôn ngữ tinh tế hay không là điều gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc tranh luận. Ảnh: Pinterest. |
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những câu trả lời dài thường có sức thuyết phục hơn. Nó thể hiện bạn có bằng chứng rõ ràng cho lập luận của mình. Trong khi điều này nghe có vẻ không lạ lẫm, nó thực sự là một phát hiện mà các nhà nghiên cứu không ngờ tới.
Cũng trong nghiên cứu trên, một kết quả thú vị khác cho thấy việc đưa các đường dẫn cụ thể (URL) ra làm bằng chứng cho lập luận có hiệu quả trong nhiều cuộc tranh luận. Con người thường mất nhiều thời gian để tự thừa nhận mình đã sai, nhưng trong bối cảnh nghiên cứu này, những đường dẫn mang lại sức thuyết phục đáng ngạc nhiên.
Không nên tranh luận dông dài
Sau ba lần trả lời qua lại, cơ hội để bạn thuyết phục một ai khác sẽ giảm mạnh. Nghiên cứu cho thấy rằng một, hai và ba câu trả lời làm tăng cơ hội thay đổi tâm trí của ai đó, nhưng ba là con số hoàn hảo. Vượt quá con số đó, các câu trả lời sẽ trở nên vô nghĩa và dễ mang tính công kích hơn là thuyết phục.
“Các nền tảng mạng xã hội nên nghĩ đến việc thiết lập một quy định chung cho các cuộc tranh luận của người dùng”, tiến sĩ Tan gợi ý. Ông cũng cho rằng mỗi người nên tự xem xét nền tảng nào nên hoặc không nên sử dụng để tránh những tranh cãi không đáng có.
Thực tế, tham gia vào các cuộc tranh luận trực tuyến là một việc làm vô bổ. Khi ai đó đang sử dụng ngôn ngữ gây khó chịu để kích động sự tức giận của cộng đồng mạng thì tốt nhất, bạn nên bỏ qua “trận chiến” đó.
Tham gia vào các cuộc tranh luận trực tuyến là một việc làm vô bổ. Ảnh: The Statesman. |
Không phải cuộc tranh luận nào cũng phải đạt đến kết quả là một bên thắng, một bên thua. Nói cách khác, việc “mổ xẻ” vấn đề nào đó chỉ là cách mọi người chia sẻ qua điểm cá nhân khác nhau về chủ đề chung mà thôi.