Ngày 4/6, một YouTuber đã làm dậy sóng mạng xã hội Hàn Quốc khi tiết lộ danh tính một trong 44 hung thủ trong vụ cưỡng hiếp tập thể Miryang cách đây 20 năm. Danh tính của một số hung thủ khác cũng lần lượt bị "bóc trần", kéo theo là cuộc tấn công của dân mạng nhắm vào những người này cùng gia đình của họ.
Vụ án Miryang được coi là tội ác tình dục tồi tệ nhất của Hàn Quốc, trở thành đề tài cho nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình trong suốt 2 thập kỷ. Nhóm hung thủ là 44 nam sinh trung học ở Miryang, Gyeongsangnam-do, đã tham gia vào vụ tấn công tình dục và thể xác nhiều nạn nhân chưa đủ tuổi vị thành niên vào năm 2004.
Tuy nhiên, cuối cùng không có thủ phạm nào phải chịu án hình sự.
Bởi vậy, việc YouTuber tiết lộ danh tính những thành viên trong "Liên minh Miryang" nhanh chóng gây sốt khi nhiều người cho rằng đây là một cách để đòi lại công bằng xã hội thông qua bản án dư luận.
Rủi ro xâm phạm thông tin cá nhân
Những người theo dõi đã tặng thêm tiền cho YouTuber như một hình thức hỗ trợ tài chính, với mong muốn người này có thể "bóc" thêm những hung thủ khác.
Theo Korea Times, trong khi nhiều người cổ vũ nỗ lực truy tìm hung thủ như một cách thực hiện công bằng xã hội, vẫn có rất nhiều rủi ro đi kèm. Trong đó, nhận nhầm hung thủ hay tấn công người thân, được coi là "nạn nhân thứ cấp", là vấn đề nổi bật gây lo ngại.
Việc xác định nhầm thủ phạm có thể gây ra hậu quả khó lường. YouTuber "nalock9" đã bị yêu cầu ngừng tấn công chủ một tiệm làm nail - người bị xác định nhầm là bạn gái của một trong số thủ phạm.
Ảnh chụp tại cơ sở được cho là nơi làm việc của một hung thủ trong vụ Miryang bị lan truyền trên mạng. Ảnh: Yonhap. |
Bất chấp các rủi ro, số tiền được người xem donate (ủng hộ) vượt xa khoản tiền phạt liên quan đến xâm phạm quyền riêng tư sẽ là động lực để các blogger theo đuổi chủ đề này.
Kênh YouTube "nalock9" đã ghi nhận số lượng tương tác khủng kể từ sau khi đăng clip đầu tiên về vụ hiếp dâm tập thể ở trường trung học Miryang vào ngày 1/6.
Mỗi video thu hút hàng nghìn bình luận, đa số người xem cổ vũ chủ kênh vạch mặt những kẻ liên quan đến vụ án khác. Một số người bình luận thậm chí cung cấp thông tin của những kẻ nghi ngờ là tội phạm, bao gồm họ tên thật, địa chỉ và công việc hiện tại của họ.
Thông qua tính năng "Super Thanks" của YouTube, người xem gửi tiền ủng hộ cho chủ kênh từ 2.000-500.000 won, kèm theo bình luận ủy quyền để YouTuber vạch trần tội phạm.
Sự ủng hộ tài chính nhiệt tình của dân mạng Hàn Quốc một phần xuất phát từ việc mất niềm tin vào hệ thống tư pháp, nhiều người cho rằng khi luật xử quá nhẹ thì cần có một hình thức công lý khác thay thế.
Dân mạng gửi tiền quyên góp để ủng hộ YouTuber vạch trần tội phạm vụ hiếp dâm Miryang. |
Lee Yoon-ho, giáo sư nghiên cứu cảnh sát tại Đại học Cyber Hàn Quốc, cho biết: "Nhiều người dân mất niềm tin vào hệ thống tư pháp do nhận thấy án phạt khoan hồng. Sự mất lòng tin này thúc đẩy sự ủng hộ đối với những người dùng YouTube tham gia doxxing (hành động cung cấp công khai thông tin nhận dạng về một cá nhân hoặc tổ chức, thường thông qua Internet và không có sự đồng ý của họ - PV)".
Lợi ích tài chính lớn hơn hình phạt
Phần thưởng tài chính dành cho các blogger là rất đáng kể, khi kênh "nalock9" đã hút về 300.000 người đăng ký chỉ sau một tuần. Theo Nox Influencer, một nền tảng ước tính thu nhập của YouTuber, doanh thu hàng tháng của kênh này có thể đạt 17,6 triệu won (324 triệu đồng), với thêm 6,4 triệu won (118 triệu đồng) từ doanh thu quảng cáo.
Mức phạt đối với hành vi vi phạm quyền riêng tư theo luật liên quan ở Hàn Quốc được giới hạn ở mức 50 triệu won, nhiều trường hợp phỉ báng chỉ bị phạt tiền thay vì ngồi tù. Có thể thấy, lợi ích tài chính lớn hơn nhiều so với rủi ro các blogger phải nhận.
Tuy nhiên, hành vi doxxing gây ra hậu quả nghiêm trọng. Trung tâm Cứu trợ Bạo lực Tình dục Hàn Quốc (KSVRC), tổ chức hỗ trợ các nạn nhân trong vụ án Miryang, đã bác bỏ lập luận cho rằng YouTuber này nhận được sự đồng ý của gia đình nạn nhân để thực hiện hành vi vạch trần tội phạm.
"Việc YouTuber khẳng định đã nhận được sự đồng ý của gia đình nạn nhân là sai sự thật", KSVRC cho biết trong thông báo vào ngày 5/6.
KSVRC cũng đã yêu cầu xóa các video liên quan với lý do: "Chúng tôi không đồng ý tiết lộ tất cả thủ phạm".
Những tiết lộ này có thể mang lại cảm giác thỏa mãn ngay lập tức cho công chúng nhưng cuối cùng có thể làm xói mòn niềm tin vào hệ thống pháp luật.
Ngày 7/6, chủ kênh "nalock9" - người tiết lộ danh tính các thủ phạm vụ Miryang - đã xóa toàn bộ video liên quan. Hành động này được thực hiện sau khi một người bị lộ thông tin cá nhân trên kênh nộp đơn tố cáo YouTuber này phỉ báng lên cảnh sát.
Luật sư Park Joon-young cảnh báo: "Nếu sự việc này lan rộng, bất kỳ ai cũng có thể bị tiết lộ thông tin cá nhân một cách vô cớ và bị quay phim rồi phát tán rộng rãi. Đào bới vụ án 20 năm trước và tìm kiếm lời xin lỗi từ thủ phạm có thể kéo dài thời gian chấn thương và gây ra sự oán giận liên tục của nạn nhân".
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.