Zalo và câu chuyện đánh thức 'giấc mơ Việt' bị chôn giấu
Zalo đã đánh thức giấc mơ về một sản phẩm công nghệ trong nước có thể cạnh tranh cùng những đối thủ quốc tế, với hình ảnh người Việt Nam bé nhỏ nhưng thông minh và kiên cường.
Khi hệ thống báo Zalo đã đạt 2 triệu người dùng vào ngày đầu tháng 5, toàn đội Zalo tổ chức một buổi tiệc nhỏ. Họ ăn mừng cột mốc mới nhưng biết rằng chặng đường phía trước còn rất dài. Một thành viên đội phát triển ứng dụng Zalo tâm sự: “Chúng tôi hiểu rằng mình không mạnh hơn các đối thủ nước ngoài. Họ có trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính lớn cũng như bề dày kinh nghiệm. Điều giúp Zalo có được chút thành quả ban đầu có lẽ là việc kiên trì theo đuổi một giấc mơ hơi viển vông với cái nhìn cũng như cách làm thực tế và được người dùng trong nước ủng hộ”.
Người mẫu Tây Ban Nha - Andrea - là một trong những gương mặt đại diện quảng cáo cho Zalo. |
Trên thị trường, giấc mơ sản phẩm công nghệ Việt của Zalo không khởi đầu với các tính năng được giới chuyên gia đánh giá cao, mà hướng vào nhu cầu mới đang lên của người dùng. Ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt được thiết kế để người dùng các loại feature phone (điện thoại di động giá thấp) cũng có thể sử dụng được và chạy tốt trên cả 2G và 2,5G (công nghệ đời cũ).
Zalo có mức tăng trưởng rất mạnh trong mấy tháng qua. |
Zalo tập trung ban đầu vào nhắn tin thoại và vẽ hình khi nhắn tin - những tính năng đánh trúng nhu cầu đang bùng nổ của giới trẻ - điều mà các đối thủ quốc tế chưa chú trọng. Thêm vào đó, sản phẩm Việt Nam được tối ưu hóa với hạ tầng mạng di động trong nước để có tốc độ nhanh nhất trong số các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Sự thân thiện và gần gũi với nhu cầu cụ thể của người dùng Việt chính là lý do khiến Zalo có được lượng lượt tải và sử dụng nhiều nhất, dù đây chưa phải là ứng dụng có nhiều tính năng xuất sắc nhất.
Trả lời phỏng vấn khi Zalo mới ra đời và gặp rất nhiều khó khăn, ông Vương Quang Khải - Phó tổng giám đốc VNG và là người phụ trách dự án Zalo, chia sẻ: “Chúng tôi coi việc cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế là một sự lãng mạn lớn của những người làm kỹ thuật. Sự lãng mạn này từng mang lại thành công cho làng công nghệ thông tin Việt Nam như biến giấc mơ xuất khẩu phần mềm thành sự thật, hay việc đưa hạ tầng Internet/Mobile lên tầm hàng đầu khu vực chỉ sau 10 năm phát triển”. Lúc đó, phát biểu của "kiến trúc sư trưởng" Zalo có vẻ giống như chàng "Đông-ki-sốt Việt Nam".
Thế nhưng, sự lãng mạn của Zalo hóa ra không viển vông. Chỉ sau hơn 5 tháng kể từ ngày ra mắt chính thức, ứng dụng nhắn tin miễn phí thuần Việt đã trở thành ứng dụng nhắn tin miễn phí đầu tiên có 2 triệu người dùng tại Việt Nam.
Lãnh đạo một công ty viễn thông lớn bình luận, sự phát triển của Zalo có cái gì đó tương tự như Viettel trước đây. Khi mới ra đời, mạng di động Viettel yếu hơn 2 “ông lớn” MobiFone và VinaPhone ở nhiều mặt. Điều khiến cho hãng viễn thông quân đội có được sự ủng hộ rất mạnh của khách hàng là giá rẻ, sự thân thiện và giấc mơ đem dịch vụ xa xỉ chỉ dành cho người giàu đến với mọi người. Đây là điều chưa từng xảy ra vì tình trạng độc quyền về viễn thông trước đó.
Với Zalo, ứng dụng nhắn tin thuần Việt chưa thể vượt 2 đối thủ nước ngoài như Line, Kakao Talk về công nghệ, kinh nghiệm, cũng như tiềm lực tài chính. Thế nhưng, thiết kế phù hợp nhất với hạ tầng mạng và người dùng trong nước, hình ảnh thân thiện, cùng cách thức quảng bá thông minh đã giúp Zalo giành được “phiếu bầu” của hàng triệu khách hàng nội. “Zalo đã đánh thức giấc mơ về một sản phẩm công nghệ trong nước có thể cạnh tranh cùng những đối thủ quốc tế với hình ảnh người Việt Nam bé nhỏ nhưng thông minh và kiên cường. Điều này thường ít được nghĩ tới trước đây vì Việt Nam thường nhập khẩu công nghệ. Giấc mơ là một phần không thể thiếu trong kết quả bước đầu của sản phẩm này”, vị lãnh đạo nói trên bình luận.
Trong khi đó, mặc dù mới cán mốc 2 triệu người dùng và có tốc độ tăng trưởng tốt, ông Vương Quang Khải lại cho rằng: “Trong thế giới luôn thay đổi của ngành Internet, không có vị thế nào là mãi mãi. Những tượng đài thành công một thời như AOL, Yahoo hay MySpace đều đã trở thành quá khứ. Vì thế, cách duy nhất để tồn tại là phải luôn nỗ lực hết mình và sẵn sàng thay đổi để nắm bắt những xu hướng mới nhất của thị trường”.
Theo ICT News