Zing trích dịch bài đăng trên CNN về dự luật mới được thông qua tại Hungary quy định công dân không được thay đổi giới tính và tên đi kèm trên giấy tờ hành chính kể từ khi sinh ra. Điều này khiến con đường tìm kiếm một danh tính hợp pháp mới của cộng đồng LGBT, đặc biệt là người chuyển giới, ngày càng xa tầm với.
Đại dịch Covid-19 đang là mối đe dọa lớn với hệ thống y tế, nền kinh tế và những nhóm người dễ bị tổn thương nhất ở các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, những người ủng hộ cộng đồng LGBT, đặc biệt là người chuyển giới, cho rằng Hungary đã chọn thời điểm này để đưa ra một đạo luật gây tổn thương cho người chuyển giới - một trong những nhóm người thiệt thòi nhất.
Cụ thể, dự luật được Quốc hội nước này thông qua vào 19/5 và ban hành 1 tuần sau đó, quy định rằng giới tính của một người khi sinh ra sẽ được ghi lại trên sổ đăng ký dân sự của Hungary và sau đó không thể thay đổi trên các giấy tờ tùy thân như giấy phép lái xe và hộ chiếu.
Bên cạnh đó, người Hungary được phép chọn từ một sổ đăng ký các tên "nam" và "nữ" phù hợp với giới tính được xác định. Họ không được phép sử dụng tên từ danh mục giới tính khác trên các tài liệu pháp lý của mình và không có tên "trung tính" về giới tính. Vì vậy, những người chuyển giới, không xác định được giới tính của mình sẽ bị buộc phải gắn chặt với một cái tên suốt đời và không thể thay đổi dù muốn.
Iceland, Thụy Điển và Phần Lan cũng có các quy tắc tương tự, chỉ cho phép người dân chọn các tên từ danh sách được thiết lập sẵn. Tuy nhiên, quy định này hiện đã được thay đổi.
Luật mới ở Hungary khiến cộng đồng người chuyển giới lo sợ về tương lai. |
Những người ủng hộ người chuyển giới nhận định sự thay đổi này có nghĩa là người chuyển giới, không xác định được giới tính của mình và liên giới tính có khả năng bị phân biệt đối xử mỗi khi họ đến ngân hàng, thuê tài sản hoặc xin việc.
Nhiếp ảnh gia Akos Stiller (sống tại Budapest) đã ghi lại chân dung của những người có thể sẽ mất cơ hội xác định danh tính của chính mình theo luật mới.
"Tôi biết rằng họ phải trải qua một chặng đường rất khó khăn, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, để trở thành giới tính mà họ mong muốn. Điều đó khiến tôi tin rằng những người này đang phải đối mặt với thử thách thực sự khó khăn. Khi luật này được đề xuất, tôi cảm thấy cần phải giúp chia sẻ câu chuyện của họ", anh nói.
Nhóm quyền LGBTQ Hásttér Society nói với CNN rằng họ lo ngại luật mới có thể được mở rộng để áp dụng với những người đã thay đổi giới tính hợp pháp.
Tamás Dombos, thành viên hội đồng, nói nhóm đã nhận được nhiều cuộc gọi từ những người chuyển giới. Họ cho biết đang cân nhắc rời khỏi đất nước hoặc thậm chí là tự tử.
Nhiều người chuyển giới ở Hungary đang cân nhắc việc rời khỏi đất nước thậm chí là tự sát. |
Nhiều quốc gia có các lộ trình hợp pháp để người có nhu cầu thay đổi giới tính song điều đó dễ hay khó còn phụ thuộc vào từng nước, trong bối cảnh nạn phân biệt đối xử với người chuyển giới vẫn còn phổ biến tại nhiều nơi. Một dự án theo dõi người chuyển giới và đa dạng giới bị giết hại đã ghi nhận 2.982 trường hợp trên toàn cầu từ 1/1/2008 đến 30/9/2018.
Trong một email trả lời CNN, chính phủ Hungary cho biết luật mới này "không ảnh hưởng đến việc tự do trải nghiệm và thực hiện cá tính của nam và nữ giới".
Một cuộc thăm dò năm 2019 của nhóm nghiên cứu Median, được trích dẫn lại bởi Hiệp hội đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới tính (ILGA) cho thấy 70% người Hungary tin rằng người chuyển giới nên được tiếp cận với việc công nhận giới tính hợp pháp.
Katrin Hugendubel, giám đốc ILGA châu Âu, nói rằng sự công nhận giới tính hợp pháp là cơ sở của quyền tiếp cận bình đẳng và không bị phân biệt đối xử đối với người chuyển giới và liên giới tính.
Nếu không có nó, họ sẽ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, quấy rối và tấn công khi tham gia các hoạt động đơn giản như khám bệnh hoặc đăng ký điện thoại di động.
Những người chuyển giới ở Hungary vốn đã khó khăn nay càng gặp nhiều thách thức. |
Các nhóm ủng hộ bao gồm Háttér Society đang gửi yêu cầu lên Tòa án Hiến pháp Hungary để xem xét về luật này. 23 người còn nộp đơn về trường hợp của mình lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) với sự giúp đỡ của Hiệp hội Chuyển giới Transvanilla. Tuy nhiên theo Dombos, quá trình giải quyết có thể mất nhiều năm.
Nhiếp ảnh gia Stiller nhận xét luật mới của Hungary trông giống như một kế hoạch tạo ra "sự khốn khổ" cho những người vốn đã khổ sở vì phải đối phó với sự nghi ngờ chính bản thân.
"Họ đã cần rất nhiều nỗ lực để nhận ra bản thân muốn sống cuộc sống như thế nào. Điều đó thực sự khó khăn và đáng được tôn trọng", anh nói.
Khi thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm cả một loại virus chết người, mong ước đơn giản là được có một danh tính hợp pháp giờ đây dường như ngày càng xa tầm với của những người chuyển giới ở Hungary.