Cùng điểm lại 10 bộ phim tiêu biểu lấy đề tài về Hà Nội được thực hiện từ khi đất nước thống nhất đến nay mà bất cứ ai muốn hiểu hơn về mảnh đất, con người nơi đây cũng nên dành thời gian chiêm nghiệm.
Sao Tháng Tám
Là tác phẩm tâm huyết của đạo diễn Trần Đắc ngay khi đất nước mới thống nhất, Sao tháng Tám là bộ phim có giá trị lâu dài và có thể nói sẽ không bao giờ bị cũ. Bộ phim lấy bối cảnh từ tháng 2 tới tháng 8/1945 tại Hà Nội. Với sự đan cài khéo léo các tuyến nhân vật, các chi tiết, bộ phim đến nay vẫn còn rất hấp dẫn. Người xem thấy ở đó nhiều tuyến nhân vật, từ người nông dân đến trí thức, người cách mạng đến những kẻ đang tâm câu kết với kẻ thù. Sự chuyển động của các tuyến truyện nhuần nhuyễn, có cao trào là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự cuốn hút của phim.
Hà Nội mùa đông 1946
Hà Nội mùa đông 1946 cũng là một phim ghi lại thời khắc lịch sử quan trọng của Hà Nội. Đó là vào mùa đông năm 1946, khi cuộc đàm phán trong Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Fontainebbeau) tại Pháp thất bại, Hồ Chủ tịch ký tạm ước với Pháp để tranh thủ thời gian chuẩn bị đối phó với tình hình. Phim khai thác mạnh khả năng đối nội và đối ngoại đầy trí tuệ của Bác Hồ và các nhà lãnh đạo chính quyền cách mạng trong thời khắc quan trọng đó.
Hà Nội 12 ngày đêm
Tác phẩm của đạo diễn Bùi Đình Hạc được thực hiện năm 2002, sau gần 30 kể từ chiến thắng vĩ đại của trận Điện Biên Phủ trên không. Hà Nội 12 ngày đêm được sản xuất với chất liệu phim màu và lần đầu tiên sử dụng kỹ xảo vi tính hiện đại để tái hiện cuộc chiến trên không. Cuộc chiến đấu cam go trên bầu trời được tái hiện lại một cách khá chân thực. Bên cạnh đó, mối tình đau thương, mất mát giữa tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân và cô giáo Hiền trong phim cũng để lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Em Bé Hà Nội
Em bé Hà Nội do Hãng phim Hà Nội sản xuất năm 1974, đạo diễn Hải Ninh thực hiện là một tác phẩm thành công và để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí người xem khi đưa góc nhìn chiến tranh qua thân phận của em bé Ngọc Hà mới 12 tuổi.
Sau Giáng sinh và đợt giội bom B52 của quân đội Mỹ, Ngọc Hà phải đi tìm bố mẹ và em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố. Cách mà một cô bé 12 tuổi phải chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh cùng lối diễn xuất thần của Lan Hương (vai Ngọc Hà) đã giúp cho bộ phim sau bao năm ra đời vẫn có thể đưa người xem như trở lại với thời khắc lịch sử ấy.
Sống mãi với thủ đô
Sống mãi với thủ đô tái hiện trận Hà Nội 1946 do đạo diễn Lê Đức Tiến chỉ đạo thực hiện, ra mắt lần đầu năm 1996. Truyện phim dựa theo tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô và Lũy hoa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Năm 1946, thực dân Pháp không ngừng gia tăng khiêu khích nhằm kiếm cớ quay lại xâm lược Việt Nam. Chúng đã gây ra rất nhiều vụ sát hại đẫm máu nhằm gây hấn. Đỉnh cao của sự kiện là Pháp gửi tối hậu thư với nội dung trong vòng 24 giờ phải giao nộp vũ khí và đầu hàng quân Pháp vô điều kiện. Biết không thể hòa hoãn thêm, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Và từ đây, cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp bắt đầu…
Long Thành cầm giả ca
Long thành cầm giả ca là một trong những bộ phim nhựa được xây dựng nhân sự kiện kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bộ phim dựa theo ý tưởng của bài thơ Long thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du.
Tuy vẫn còn 1 số chi tiết có thể làm tốt hơn nhưng nhìn tổng thể, bộ phim lịch sử này vẫn được khen ngợi là đẹp, chỉn chu, trau chuốt trong từng góc máy, khuôn hình cũng như phục trang. Phim từng giành 3 giải Cánh diều vàng 2010 cho Phim truyện nhựa xuất sắc nhất, Biên kịch phim truyện nhựa xuất sắc nhất và Họa sĩ phim truyện nhựa xuất sắc nhất.
Thái sư Trần Thủ Độ
Thái sư Trần Thủ Độ là dự án UBND TP Hà Nội đặt Hãng phim truyện I sản xuất nhân dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long với kinh phí đầu tư hơn 57 tỷ đồng cho 34 tập phim. Vì một số lí do, bộ phim không được công chiếu trong dịp đại lễ mà phải hơn 2 năm sau mới lên sóng.
Nội dung chính là câu chuyện xảy ra từ biến động náo loạn Thăng Long năm 1210 đến thời kỳ gia đình Trần Lý (gồm hai con Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu ruột là Trần Thủ Ðộ) cùng Tô Trung Từ phò thái tử Sảm chiếm lại Thăng Long, giúp thái tử Sảm lên ngôi vua, trở thành vua Lý Huệ Tông.
Năm 2012, phim đoạt 3 giải Cánh diều vàng cho Phim truyền hình xuất sắc nhất, Biên kịch phim truyền hình xuất sắc nhất và Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc nhất.
Huyền sử thiên đô
Huyền sử thiên đô là bộ phim truyền hình dài 70 tập được sản xuất ngay sau Thái sư Trần Thủ Độ và cũng nằm trong chùm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Phim có nội dung xoay quanh con người và sự nghiệp vua Lý Công Uẩn nhưng cũng mở rộng, giao thoa nhiều nhân vật khác như Lê Long Việt, Lê Long Đĩnh, sư Vạn Hạnh...
Khi phát sóng 20 tập đầu tiên, phim nhận được phản hồi khá tốt từ phía khán giả. Sau một thời gian gián đoạn, 22 tập tiếp theo cũng được chiếu tiếp, tuy nhiên vì vấn đề tài chính nên sau đó phim bị dừng lại và “treo” đến tận bây giờ.
Khát vọng Thăng Long
Khát vọng Thăng Long là một phim nhựa mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, lấy bối cảnh là nước Đại Cồ Việt cuối thế kỷ 10. Phim kể về cuộc đời của Lý Công Uẩn và Lê Long Đĩnh từ lúc nhỏ cho đến khi Lý Công Uẩn lên làm vua và ban chiếu dời đô.
Phim từng giành giải Cánh diều bạc cho phim nhựa và 2 giải Cánh diều vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất (Lưu Trọng Ninh) và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 2010.
Đặc biệt, Khát vọng Thăng Long cũng được chọn là phim đại diện cho Việt Nam tham dự Oscar lần thứ 84 ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Người Hà Nội
Người Hà Nội là một phim truyền hình dài tập do Hoàng Tích Chỉ và Đoàn Lê đạo diễn, ra mắt năm 1996, dựa theo tiểu thuyết Phố của nhà văn Chu Lai. Phim gồm 3 tập Trở gió, Giấc mơ vàng và Người đàn bà xa lạ. Lấy bối cảnh cuộc sống tại phố nhà binh những năm đầu của đổi mới, vào khoảng cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, phim xoay quanh cuộc sống đời thường của những người lính trở về sau chiến tranh. Đã một thời, Người Hà Nội được các khán giả chờ đón từng tập phim bởi nội dung gần gũi, chân thực với cuộc sống đời thường nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.