Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 bước ngoặt trong lịch sử điện ảnh

Công nghiệp điện ảnh luôn phát triển mạnh mẽ từ khi ra đời. 10 bộ phim sau đã để lại dấu ấn lớn nhất và tạo bước ngoặt trên chặng đường phát triển này.

1. The Great Train Robbery (1903)

Bộ phim câm có độ dài chỉ khoảng 10 phút này đã đem đến một bước ngoặt thay đổi của kỹ thuật quay phim và dựng phim. Bộ phim của đạo diễn Edwin S. Porter là phim đầu tiên ứng dụng nhiều kỹ thuật mới như quay với nhiều góc máy và dựng lại một cách gọn gàng để câu chuyện cuốn hút hơn.

2. The Jazz Singer (1927)

Hàng chục năm trước đó, ngành công nghiệp điện ảnh dù rất hấp dẫn khán giả nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh khi còn thiếu một yếu tố quan trọng là tiếng nói. The Jazz Singer là phim đầu tiên có thoại và mở đầu cho một kỷ nguyên mới của điện ảnh thế giới.

3. Snow White And The Seven Dwarfs (1937)

Vào thời điểm ra đời, bộ phim hoạt hình dài về nàng Bạch Tuyết được nhiều người tin là một việc làm điên rồ của Walt Disney. Nhưng thành công của nó đã mở đường cho công nghiệp làm phim hoạt hình, một trong những loại phim có lợi nhuận lớn bậc nhất trong điện ảnh.

4. Gone With The Wind (1939)

Những bộ phim với mức đầu tư hoành tráng ngày nay đã tham khảo rất nhiều từ bộ phim kinh điển Gone With the Wind. Năm 1939, lần đầu tiên khán giả được thưởng thức một câu chuyện hoành tráng, đầy chất thi ca trên màn ảnh. Quyết định đầu tư lớn cho bộ phim đã giúp đem về 8 giải Oscar và đến nay Gone With the Wind vẫn là một trong những phim có doanh thu lớn nhất

5. Citizen Kane (1941)

Đạo diễn Orson Welles đã đưa bộ phim Citizen Kane đứng hàng đầu các danh sách phim hay nhất mọi thời đại bằng một cách làm phim hoàn toàn mới mẻ so với thời của mình. Cách thức Orson Welles sử dụng âm thanh, âm nhạc, kỹ thuật quay phim cùng với cách kể chuyện từ nhiều góc nhìn khác nhau đã khiến khán giả phải sửng sốt và tạo nên bước ngoặt về cách kể chuyện.

6. Jaws (1976)

Bộ phim của đạo diễn Steven Spielberg chính là nguyên nhân chính để chúng ta có mùa phim hè với hàng loạt phim bom tấn ra rạp ngày nay. Bộ phim cũng góp phần làm thay đổi hoàn toàn cách phát hành phim vốn có khi mở màn đồng loạt tại các rạp. Trước đó, người ta chỉ phát hành phim không hay theo cách đồng loạt với mục đích tránh việc khán giả chê bai làm giảm doanh thu còn phim hay chỉ chiếu nhỏ giọt từ rạp lớn trước rồi mới đến rạp nhỏ.

7. Star Wars Episode: A New Hope (1977)

Bộ phim du hành vũ trụ của đạo diễn George Lucas đã mở đầu cho kỷ nguyên của những kỹ xảo điện ảnh. Trước khi phim ra đời, rất nhiều câu chuyện không thể đưa lên màn ảnh vì bị đánh giá là quá khó để thực hiện. Bộ phim cũng chính là điểm khởi đầu của Industrial Light & Magic, công ty đã giúp đưa những điều kỳ thú lên màn ảnh đến tận ngày nay. Bên cạnh đó, Star Wars cũng chính là bộ phim đã giúp đem lại ý tưởng về việc kinh doanh các sản phẩm lưu niệm ăn theo.

8. Toy Story (1995)

Cho đến tận giữa thập niên 1990, hầu như không ai dám nghĩ đến việc thực hiện một bộ phim dài hoàn toàn bằng máy tính. Dự án của hãng Pixar ban đầu cũng bị coi là điên rồ nhưng sau đó đã giúp thay đổi hoàn toàn công nghệ làm phim hoạt hình. Toy Story đã chinh phục tất cả khán giả khi thể hiện những hình ảnh đẹp đến từng chi tiết nhỏ, đem đến một thế giới hình vẽ giống như thật.

9. Titanic (1997)

Tính đến ngày hôm nay, đã có một số bộ phim có doanh thu chạm cột mốc 1 tỷ USD Mỹ (mới nhất là Fast & Furious 7). Nhưng ở thời điểm ra mắt, Titanic đã khiến mọi người bất ngờ và đặt dấu ấn là phim đầu tiên chạm được cột mốc doanh thu này. Không chỉ vậy, Titanic còn là bộ phim cùng với Ben-Hur (1959) nắm giữ kỷ lục đoạt nhiều giải thưởng Oscar nhất trong lịch sử (11 giải ).

10. Avatar (2009)

Đạo diễn James Cameron ấp ủ ý tưởng về bộ phim Avatar suốt 10 năm trời nhưng không tìm được công nghệ phù hợp để đưa lên màn ảnh những gì ông hình dung. Công nghệ 3D ra đời đã đem đến cho James Cameron thứ ông cần. Và dù đã xuất hiện từ nhiều năm trước, công nghệ 3D cũng phải nhờ đến đòn bẩy của Avatar để trở nên bùng nổ và tạo nên một trào lưu mới trong ngành công nghiệp điện ảnh.

http://thegioivanhoa.com.vn/combo-giai-tri/phim/52906501/10-buoc-ngoac-trong-lich-su-dien-anh/

Theo Hoàng Khánh/Thế giới văn hóa

Bạn có thể quan tâm