Đây là những ca cấp cứu phát huy hiệu quả quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện, sự tận tâm để giành lấy sự sống của người bệnh của các y, bác sĩ.
1. Vi phẫu xuyên đêm cứu bàn tay đứt lìa của bé một tuổi
Bé trai 1 tuổi ở Đồng Tháp bị đứt lìa bàn tay khi nghịch dây sên xe máy đang chạy. Bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (TP.HCM) ngay trong đêm với vết thương đứt lìa, bầm dập và nhiễm trùng. Ngay lập tức, bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện tiến hành sơ cứu, hội chẩn và vi phẫu suốt 8 giờ nối bàn tay cho bệnh nhi.
2. Ba bệnh viện phối hợp cứu bé gái ngưng tim ngay cổng bệnh viện
Ngày 25/10, khi nhận được tín hiệu báo động đỏ cần được hỗ trợ từ xa, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 liên tục hướng dẫn qua điện thoại cho bác sĩ trên xe cứu thương, tài xế tập trung cao độ để xe cứu thương chạy với tốc độ nhanh nhất có thể. Trong khi đó, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương mang theo thiết bị bổ sung cần thiết để thực hiện kỹ thuật ECMO ngay khi bệnh nhân được chuyển đến.
Khi xe cấp cứu của Bệnh viện tỉnh Bình Thuận dừng bánh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng là lúc tim bé gái 12 tuổi ngừng đập. Các bác sĩ đã tiến hành sơ cấp cứu và tiến hành kỹ thuật ECMO cho bệnh nhi. Sau một giờ, tim bé gái đập lại, huyết động học cải thiện.
3. Cứu sống bệnh nhân xuất huyết não bằng robot
Ngày 16/6, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận một người bệnh nữ, 62 tuổi với chẩn đoán xuất huyết não ngày 2, tăng huyết áp, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người trái.
Bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh quyết định phẫu thuật lấy máu tụ bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu với sự hỗ trợ của robot Modus V Synaptive, sử dụng ống “brain path” để lấy khối máu tụ.
Với hệ thống robot chuyên dụng này, Bệnh viện Nhân dân 115 đang hình thành một trung tâm đột quỵ hoàn chỉnh đầu tiên trên cả nước. Sau 5 ngày hậu phẫu, người bệnh ổn định, được chuyển Bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị tiếp.
4. Cứu sống bệnh nhi bị tim bẩm sinh nhẹ cân nhất từ trước đến nay
Ngày 4/12, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi 7 tháng tuổi, nặng 7 kg, ngụ Bình Dương, nhập viện trong tình trạng nguy kịch do loạn nhịp nhanh và dị tật Ebstein (một loại tim bẩm sinh tím nặng), có thể đột tử.
Sau khi điều trị hai loại thuốc chống loạn nhịp đều thất bại, ngay lập tức bé được chỉ định thực hiện thăm dò điện sinh lý tim, qua thăm dò các bác sĩ đã phát hiện ổ phát nhịp bất thường và tiến hành can thiệp đốt ổ loạn nhịp thành công.
Bệnh nhi nhẹ cân nhất theo y văn bị rối loạn nhịp được can thiệp thành công. Ảnh: BSCC. |
5. Cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch
Ngày 10/7, khoa Cấp cứu, Bệnh viện quận Thủ Đức, tiếp nhận bệnh nhân 69 tuổi nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, mạch chậm với chẩn đoán nhồi máu cơ tim thành dưới thất phải giờ thứ nhất, diễn tiến nặng do nhịp tim chậm.
Các bác sĩ hội chẩn nhanh và quyết định sử dụng thiết bị tạo nhịp qua da để đảm bảo được tần số tim, giữ được tính mạng bệnh nhân tạm thời đến khi tái thông được dòng chảy nhánh động mạch vành. Sau 60 phút xử lý khẩn trương và tích cực, ê-kíp đã can thiệp thành công, khai thông dòng chảy nhánh động mạch vành.
6. Hai bệnh viện cứu thanh niên bị xe container tông đa chấn thương
Một thanh niên 27 tuổi, quê Nghệ An, bị container đụng phải, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện quận 2. Sau khi đánh giá ban đầu, xác nhận tình trạng bệnh nhân rất nặng với thương tổn phức tạp, Bệnh viện quận 2 đã kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Bác sĩ của các chuyên khoa liên quan Hồi sức cấp cứu, Chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật mạch máu, Ngoại thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh, Ngân hàng máu… có mặt tại phòng mổ sẵn sàng tiếp đón và phối hợp xử trí khẩn cấp. Sau 130 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã khống chế được tình trạng chảy máu và đưa bệnh nhân ra khỏi tình trạng nguy hiểm, dần dần phục hồi và xuất viện sau 14 ngày điều trị.
7. Bé gái bị container cán ngang người được hồi sinh
Ngày 20/9, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận bé gái 11 tuổi, ngụ Long An, nhập viện trong tình trạng xanh xao, tím tái, sốc nặng, hôn mê do bị bánh xe container cán lên người.
Ngay lập tức, quy trình báo động đỏ được kích hoạt trong toàn bệnh viện. Ê-kíp phẫu thuật được huy động gồm các bác sĩ chuyên khoa Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, Ngoại niệu, Chấn thương chỉnh hình, Lồng ngực - Mạch máu... Cuộc mổ căng thẳng và kéo dài hơn 6 giờ để giành lại sự sống cho bệnh nhi.
Hơn 20 bác sĩ phẫu thuật cứu bé gái bị container cán ngang người. Ảnh: BVCC. |
8. Bệnh viện không có bác sĩ sản cứu mẹ con sản phụ nguy kịch
Ngày 27/10, sản phụ 28 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, chuyển dạ được đưa đến Bệnh viện huyện Củ Chi. Sau một ngày theo dõi, sản phụ đột ngột vỡ nước ối, tim thai giảm sâu do sa dây rốn bên.
Ngay lập tức, bệnh viện kích hoạt báo động đỏ nội viện dù không có bác sĩ chuyên khoa sản. Em bé được bắt ra nhanh chóng trong vòng 30 giây, bé được cắt dây rốn và chuyển nhanh sang bàn hồi sức.
Trong lúc bé được chăm sóc sau sinh, ủ ấm, các bác sĩ tiến hành tiếp tục ca phẫu thuật cho mẹ. Sau mổ, tình trạng mẹ và bé ổn định, hồi phục tốt.
9. Bệnh viện cấp cứu từ xa cho người bệnh qua Viber
Cứu tháng 3, Bệnh viện huyện Cần Giờ tiếp nhận bệnh nhân 58 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới. Ngay vừa tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ của Bệnh viện huyện Cần Giờ đã liên hệ với Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hội ý nhanh qua điện thoại, các hình ảnh ECG được gửi qua ứng dụng Viber. Trên đường chuyển viện, các bác sĩ liên tục theo dõi bệnh nhân từ xa qua điện thoại.
Ngay sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, hết đau ngực, mạch huyết áp trở về bình thường và ngưng được thuốc vận mạch, được xuất viện vài ngày sau đó.
10. Hai bệnh viện phối hợp cứu sản phụ ngộ độc thuốc tê
Ngày 13/0, Bệnh viện huyện Bình Chánh tiếp nhận sản phụ 35 tuổi trong tình trạng vỡ ối, chuyển dạ. Khi đang mổ, sản phụ đột ngột hôn mê sâu, ngưng thở. Bệnh viện huyện Bình Chánh lập tức kích hoạt báo động đỏ đến Bệnh viện Hùng Vương.
Sau 20 phút, bác sĩ và hộ sinh của Bệnh viện Hùng Vương có mặt tại phòng mổ của Bệnh viện huyện Bình Chánh, tiến hành hồi sức tích cực cho sản phụ với chẩn đoán ngộ độc thuốc tê. Sau khi truyền Lipid và thuốc hạ huyết áp, sản phụ qua cơn nguy kịch.