Ngày đầu đặt chân đến Bentiu (Nam Sudan, châu Phi), đại úy Trang cùng đồng đội mím môi, nắm chặt tay nhau đau xót bởi đất nước nội chiến, khô cằn và nghèo đói. Chỉ sau một năm đóng quân làm nhiệm vụ, các chiến sĩ mũ nồi xanh đã biến nơi hoang vu, khô cằn thành mảnh đất phủ đầy hoa lá, rau quả.
Ngày các chiến sĩ xuất quân, Bentiu vẫn xanh tốt với mồng tơi, bí, bầu, hướng dương, mười giờ, thược dược,… Bộ đội tặng lại chúng cho đơn vị quân y Mông Cổ và các nhân viên Liên Hợp Quốc.
Chế ngự nỗi nhớ gia đình và nhiều khó khăn ở đất nước nội chiến, đại úy Phạm Thị Thu Trang (39 tuổi, quê Quảng Bình) cùng 62 y bác sĩ Việt Nam được tư lệnh Phái bộ đánh giá là đơn vị chuyên nghiệp nhất của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan từ trước đến nay.
Đại úy Phạm Thị Thu Trang rạng rỡ chụp hình cùng cờ tổ quốc. Ảnh: Lê Quân. |
“Điều đọng lại nhất trong cảm xúc của tôi suốt một năm qua chính là sự cống hiến hết mình trong sự nghiệp gìn giữ hòa bình thế giới, giúp đỡ người dân tại đất nước Nam Sudan. Đây chắc chắn là kỷ niệm đẹp nhất trong suốt cuộc đời quân ngũ của chúng tôi”, đại úy Trang xúc động nói.
Cộng hòa Nam Sudan là đất nước xung đột, nội chiến với 6,2 triệu người đối mặt với nạn đói, 2,2 triệu trẻ em chưa được đến trường. Trong số 14.000 quân nhân, cảnh sát, nhân viên của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc có 63 quân nhân Việt Nam.
Tháng 10/2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam lần đầu tiên đến Nam Sudan, tiếp quản đơn vị tại căn cứ Bentiu sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Vương quốc Anh rời đi.
Ở vùng đất khí hậu khắt nghiệt, môi trường xa lạ, thiếu nước, các nam quân nhân đã tình nguyện nhường nước sạch cho chị em sinh hoạt. Với đại úy Trang cùng 9 nữ quân nhân trong lực lượng, đó là những ngày tháng thiếu thốn nhưng tươi đẹp và nghĩa tình.
Quân y Việt Nam chụp ảnh cùng người dân địa phương tại Nam Sudan. Ảnh: BVCC. |
Cuộc đại phẫu khiến Trang cùng đồng đội không thể quên chính là trường hợp nam sĩ quan người Mông Cổ nhập viện cấp cứu do viêm ruột thừa. Trong điều kiện không có thiết bị chẩn đoán hiện đại, chỉ bằng kiến thức và kỹ năng, các bác sĩ đã chẩn đoán chính xác và cắt thành công đoạn ruột bị hoại tử cho nam sĩ quan.
Không chỉ làm nhiệm vụ cứu chữa cho quân nhân Phái bộ Liên Hợp Quốc, quân y Việt Nam còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người địa phương. Đầu tháng 7, các bác sĩ Việt Nam kịp thời cứu vợ Thống đốc bang Bentiu qua cơn nguy kịch và sinh em bé khỏe mạnh.
Thống đốc bang Bentiu đã gọi điện thoại cho Chỉ huy trưởng căn cứ dã chiến Bentiu, bày tỏ lòng biết ơn các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam và tặng bệnh viện một con bò. Ở đất nước này, bò là tài sản có giá trị lớn và thường được dùng làm của hồi môn.
Sau hơn 12 tháng chính thức tiếp quản Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Vương Quốc Anh, các bác sĩ Việt Nam đã điều trị cho tổng số 2.022 lượt bệnh nhân, trong đó phẫu thuật 62 ca phẫu thuật, vận chuyển thành công bằng đường không lên bệnh viện tuyến trên 7 trường hợp. Mức độ hài lòng của bệnh nhân qua luôn đạt tỷ lệ 94-100%. Đây là lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, bệnh viện được đánh giá chuyên nghiệp nhất tại phái bộ cho tới nay.