Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 chuyện 'dở khóc dở cười' của điện ảnh Việt trong năm

Cảnh liếm ngực trong phim "Hoa nắng", phim hợp tác "Ranh giới trắng đen" thảm bại, sao Việt ăn mặc quê mùa trên thảm đỏ quốc tế... là những chuyện "nổi sóng" của điện ảnh Việt năm 2012.

10 chuyện 'dở khóc dở cười' của điện ảnh Việt trong năm

Cảnh liếm ngực trong phim "Hoa nắng", phim hợp tác "Ranh giới trắng đen" thảm bại, sao Việt ăn mặc quê mùa trên thảm đỏ quốc tế... là những chuyện "nổi sóng" của điện ảnh Việt năm 2012.

1. Hot girl Elly Trần gây ngỡ ngàng khi nhận giải Vàng liên hoan phim

Hot girl sở hữu vòng một khủng Elly Trần đoạt danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyền hình với vai diễn không mấy ấn tượng trong Khát vọng thượng lưu đã khiến rất nhiều người ngỡ ngàng theo vì chịu không nổi sự hài hước của các vị giám khảo giải Cánh diều 2011.

Chính đạo diễn Nguyễn Dương - người thực hiện bộ phim Khát vọng thương lưu cũng bất ngờ khi tên của Elly Trần được xướng lên trong đêm trao giải Cánh diều: "Vì cô ấy không phải diễn viên thực sự, nhiều chỗ diễn cá tính nhưng nhiều chỗ còn non. Khi diễn những cung bậc tình cảm của nhân vật, cô ấy điều khiển còn hơi chuệch choạc, đôi khi đẩy lên không tới, có lúc lại hơi quá", và anh thật thà chia sẻ: "Tôi có đọc một bài báo nói rằng mỗi giải Cánh diều đều được trao theo tiêu chí nào đó và tôi không hiểu năm nay giám khảo dựa theo tiêu chí nào để chấm cô ấy là diễn viên xuất sắc".

 Từ một hot girl, bất ngờ Elly Trần (phải) đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của Cánh diều 2011, tổ chức vào đầu năm gây ngỡ ngàng cho giới chuyên môn.

2. Học sinh bị lạc vào rừng nhưng lại thích cởi đồ, khoe hàng

Lần đầu tiên, một bộ phim đã sẵn sàng mọi thứ để ra rạp thì bất ngờ bị cấm. Đó là trường hợp của Bẫy cấp ba - được quảng cáo là bộ phim kinh dị đầu tiên của Việt Nam với nhiều tình tiết rùng rợn, ly kỳ. May cho đạo diễn Việt kiều Lê Văn Kiệt, nếu Bẫy cấp ba công chiếu, chắn chắn anh sẽ bị dư luận ném đá vì theo một thành viên trong hội đồng duyệt phim quốc gia, đó là một tác phẩm vô bổ, rất tệ về nghiệp vụ.

Chi tiết được dẫn ra là khi nhóm học sinh lạc vào một chỗ mà không biết mình đang ở đâu, cảm giác như mình bị bẫy, đáng lý phản ứng đầu tiên của những người bị lạc là phải sợ hãi, phải tìm đường thoát nhưng đằng này họ cởi quần áo nhảy ngay xuống nước để tắm, để bế nhau lên… khoe hàng.

 Thật may là phim Bẫy cấp ba bị cấm, nếu không dư luận lại hao tốn thêm một khối lượng "đá" để ném.

3. Phim hợp tác quốc tế, chất lượng còn kém xa... quốc nội

Mặc dù mang tiếng là phim hợp tác (được giới thiệu là do một đạo diễn nổi tiếng người Indonesia dàn dựng, quy tụ dàn diễn viên ngôi sao của cả ba nước Việt Nam, Indonesia và Singapore, được chỉ đạo võ thuật bởi một đạo diễn võ thuật nổi tiếng từng làm nhiều phim thương mại Hong Kong và được phát hành cùng lúc ở cả bốn nước Việt Nam, Indonesia, Singapore và Malaysia) nhưng những gì mà bộ phim Ranh giới trắng đen trình diễn trên màn ảnh khiến khán giả buồn cười - buồn vì "bị" quay ngược thời gian trở về thập niên 90 của thế kỷ trước để xem một phiên bản kém chất lượng của phim hành động Hong Kong; cười bởi không thể nhịn được trước vô số tình huống phi lý, dễ dãi, ngớ ngẩn trong phim.

Đỉnh điểm của sự ngớ ngẩn là các nhân vật (theo kịch bản là một đoàn phim Indoneisa đang sang Việt Nam phim) ùn ùn kéo đến hang ổ của bọn tội phạm để giải cứu một cô gái bị bắt cóc mà vũ khí họ mang theo chỉ là những đạo cụ đóng phim như súng giả, dao giả… Hay cảnh cô cảnh sát hình sự Ngọc Dung (Phan Như Thảo đóng) cùng đội của mình đi truy bắt tội phạm mà tung tăng, thản nhiên như sinh viên đến giảng đường đại học. Thậm chí, trong một lần bám sát một đối tượng nguy hiểm, đang nấp ở cửa hàng bán đồ lót, Ngọc Dung bỗng dưng quên mất nhiệm vụ, quay sang giành nhau... chiếc quần lót nam với nữ khách hàng đứng gần đó.

 Bộ phim hợp tác Ranh giới trắng đen ra quân hoành tráng, công chiếu thất bại.

4. Phim điện ảnh "nhảm" tung hoành

Ngô Kiến Huy và Isaac (nhóm 365) là hai nam ca sĩ lần đầu tiên "lấn sân" màn ảnh rộng, đảm nhận vai chính. Không biết nên vui hay buồn vì cả hai bộ phim họ tham gia - Nàng men chàng bóngGia sư nữ quái - đều bị thiên hạ ném đá vì sự "rẻ tiền".

Chàng men nàng bóng của Ngô Kiến Huy đón nhận "cơn bão" chỉ trích từ dư luận khi nhân vật Ẻo Ợt do anh đảm nhận là một "chàng bóng" thứ thiệt khi mê trai ra mặt, ngày đêm tơ tưởng đến những anh “cao to đẹp trai” và thích mặc đồ con gái, vậy mà chỉ một "cú chạm" nhẹ của cô nàng Út Chót (Đinh Ngọc Diệp đóng) thôi đã đùng đùng "thay đổi 180", hết thèm mê trai. Theo nhận xét của giới đồng tính, bộ phim Nàng men chàng bóng đã "đưa ra cho xã hội những ảo tưởng về việc thay đổi xu hướng tính dục, thậm chí thay đổi giới là một sớm một chiều, và tất nhiên, điều này là sai hoàn toàn. Phim còn sử dụng hình ảnh người đồng tính, chuyển giới như một yếu tố gây cười một cách dung tục, thể hiện rõ sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng của người sản xuất".

Còn với Gia sư nữ quái của Isaac bị giới truyền thông hờ hững vì… chẳng biết phải viết gì. Nội dung phim kể về câu chuyện của một cô tiểu thư giàu có (Bảo Thy đóng) nhưng lười học, nghĩ rằng không cần học chỉ cần làm giang hồ như ba cũng có thể thành đạt. Cô đã đụng độ hai chàng trai nghèo ham học (Issac và Trấn Thành đóng) lên Sài Gòn với mong muốn thành đạt. Lối làm phim Gia sư nữ quái dễ dãi, “lẩu thập cẩm” và ăn theo phong cách hài có phần “quá lố” thường thấy ở diễn viên Hong Kong Châu Tinh Trì nhưng lại trống rỗng, không có chủ đề, tính nhân văn hay thông điệp gì. Gia sư nữ quái bị đánh giá chẳng khác gì một tiểu phẩm hài pha âm nhạc kéo dài tới 92 phút.

 Ngô Kiến Huy (trái) và Đức Tiến trong phim Nàng men chàng bóng.
 Isaac (trái) và Trấn Thành trong phim Gia sư nữ quái.

5. Phim về nông thôn nhưng ăn mặc hàng hiệu

Năm 2012 được xem là "mùa vàng" của đề tài nông thôn trên màn ảnh nhỏ khi xuất hiện nhiều bộ phim có bối cảnh nông thôn. Thế nhưng, nông thôn chỉ là cái cớ để làm phim chứ nhân vật, tính cách, cốt cách và nội dung lại chẳng nghe thấy chút gì... rơm rạ.

Sở dĩ người ta đua nhau làm phim nông thôn bởi đề tài này được nhà đài khuyến khích, ưu tiên lên sóng giờ vàng chứ chẳng phải "tâm huyết, tâm can" gì. Vì vậy, phim nông thôn mà người nông thôn xem cứ tưởng đang nói chuyện đâu đâu, không liên quan đến mình. Ví dụ như hai vai nữ chính Trang và Nhi trong phim Vườn yêu là những cô gái quê miền Tây thứ thiệt nhưng cách nói chuyện, đi đứng hiện đại không khác gì những người sống ở thành thị; Những người phụ nữ làm nông trong phim Chàng mập nghĩa tình mặc đồ mới tinh; nhà nghèo xác xơ phải xin quần áo cũ của bạn mặc nhưng Lụa trong Chuyện xứ dừa lại mặc quần áo hàng hiệu; xem Ầu ơ ví dầu, khán giả không hiểu phim đang nói về thời nào, vì cách ăn mặc của ba cô con gái nhỏ cùng cảnh chủ - tớ của ông chủ đất Nhật với bà Nhàn giống với thời điền chủ - tá điền mấy mươi năm về trước hơn là thời nay…

Tuy nhiên, trong một rừng phim lấy nông thôn làm bối cảnh, vẫn có vài tác phẩm xem được như Bìm bịp kêu chiều do nghệ sĩ hài Trung Dân lần đầu đảm đương vai trò đạo diễn.

 Cảnh phim Bìm bịp kêu chiều.

6. Trào lưu chồng đạo diễn, vợ đảm vai nữ chính

Phim Việt đang hình thành những cặp đôi đạo diễn - diễn viên chính có "quan hệ thân thiết. Năm qua ba cặp có phim ra mắt khán giả: Kim Phượng - nữ diễn viên chính trong phim Vũ điệu đường cong là vợ của đạo diễn Vũ Trọng Khoa; Vai nữ chính của bộ phim Lấy chồng người ta là Đinh Y Nhung - bà xã của đạo diễn Lưu Huỳnh thực hiện bộ phim này; trong bộ phim Scandal của Victor Vũ, nhân vật nữ chính được chàng đạo diễn Việt kiều giao cho "người tình thị phi" Vân Trang.

Sự kết hợp này sẽ hiệu quả nếu hợp lý, còn không thì sẽ "phản tác dụng" như trường hợp Vũ điệu đường cong. Tuy kịch bản khá lạ, cách dàn dựng cũng mới mẻ, diễn xuất tốt nhưng nữ diễn viên chính không đủ sắc và quá già so với nhân vật nên dù Kim Phượng (thành công với vai Phượng "đê" trong series Những đứa con của biệt động Sài Gòn) nắm rất chắc vai diễn, múa bụng rất điêu luyện vẫn không thể "cứu" nổi sự thất bại về doanh thu của bộ phim. Nhiều người cảm thấy tiếc, giá như đạo diễn Vũ Trọng Khoa không giao vai chính cho bà xã của mình, mà chọn một gương mặt trẻ hợp vai hơn thì Vũ điệu đường cong có lẽ sẽ không te tua như vậy.

 Phim Vũ điệu đường cong của vợ chồng đạo diễn Vũ Trọng Khoa - diễn viên chính Kim Phượng không thành công như mong đợi.

7. Ăn mặc quê mùa ở thảm đỏ quốc tế

Mấy năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đã có cơ hội bước chân trên thảm đỏ những LHP lớn của quốc tế. Dù chỉ được mời qua "môi giới" của một hãng tài trợ nào đó chứ không phải từ BTC nhưng đó là những cơ hội để "đi một ngày đàng, học một sàng khôn".

Tuy nhiên, không hiểu các sao Việt nghĩ gì mà lần nào cũng bị chê về cách ăn mặc, nhất là các nữ diễn viên. Tại LHP Cannes (Pháp) hồi tháng 5/2012, có lẽ không có stylist và chuyên viên trang điểm đi theo nên Lê Khánh, Trang Nhung, Tina Tình… ăn mặc, làm tóc, trang điểm khiến khán giả quê nhà thất vọng vô cùng. Những bộ váy họ chọn, phụ kiện họ mang vừa lạc hậu vừa xấu, thậm chí còn kém xa cả những lần họ xuất hiện tại các sự kiện trong nước.

 Trang Nhung thật "sến" và thật "quê" trên thảm đỏ LHP Cannes 2012.

8. Cho số điện thoại cá nhân vô tội vạ trên truyền hình

Năm qua đã xảy ra một chuyên hi hữu thể hiện ý thức làm phim cẩu thả, gây ảnh hưởng đến người khác khi trong phim Vọng kim lang, nhân vật nhân vật Hoài Thu (do ca sĩ Hải Băng đóng) đọc cho người bạn số điện thoại di động. Đáng lý, trước khi quay cảnh này, đạo diễn và diễn viên chuẩn bị một số điện thoại không có thật, đằng này họ lại vô tư đọc bừa, đúng ngay số điện thoại của một người ở quận Gò Vấp.

Thế là sau đó, khán giả đã gọi điện dồn dập với hơn 7.000 cuộc vào số máy này vì tưởng của ca sĩ Hải Băng, khiến chủ nhân dở khóc dở cười. Không chỉ giải quyết chậm trễ mà bà giám đốc sản xuất còn phát biểu xanh rờn: “Mọi tình tiết trong phim như tên nhân vật, số điện thoại đều là hư cấu. Nếu nhân vật trong phim trùng tên, trùng số điện thoại với người thật thì chúng tôi cũng đành chịu".

Quả thật là phải tặc lưỡi nói lời "đành chịu" với kiểu làm ăn không chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm của những nhà sản xuất phim ảnh như thế này.

 Hải Băng (trái) và Thành Đạt trong phim Vọng kim lang.

9. Ầm ĩ kiện tụng

Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ được đánh giá là bộ phim khá nhất trong mùa phim Tết Nhâm Thìn. Dù vậy khi ra rạp, phim vẫn bị lỗ, dẫn đến vụ kiện cáo giữa Hãng phim Thanh Niên và Phương Nam phim.

Hãng phim Thanh Niên nộp đơn lên tòa án khởi kiện Phương Nam phim đòi 725 triệu đồng trong tổng số tiền góp vốn 1,25 tỷ đồng với lý do: "Họ nói bị lỗ nhưng cũng chỉ nói bằng miệng mà không đưa ra được sổ sách, chứng từ chứng minh cho việc lỗ lãi đó nên chúng tôi không chấp nhận".

Trước đó, Thiên mệnh anh hùng cũng gặp sự phản ứng của nhà văn Bùi Anh Tấn khi đơn vị sản xuất lập lờ tiền tác quyền chuyển thể tiểu thuyết Bức huyết thư của anh. Trên báo chí, nhà văn nổi tiếng của tác phẩm Một thế giới không có đàn bà chia sẻ: "Tôi không nhận một xu nào từ phía nhà sản xuất, thậm chí một lời cám ơn chính thức của họ với tôi cũng chưa hề có, thật đáng buồn, bẽ bàng".

 Midu trong phim Thiên mệnh anh hùng.

10. Phim truyền hình gây sốc bằng cảnh liếm ngực

Không chỉ phim điện ảnh mới khoái cảnh nóng, mà gần đây không ít bộ phim truyền hình cũng chạy theo trào lưu, cho vào phim những cảnh nhạy cảm, không phù hợp cho cả gia đình xem.

Ồn ào nhất là hình ảnh nhân vật nam đổ rượu lên người một cô gái, sau đó… dùng lưỡi liếm từ ngực lên cổ cô gái này trong bộ phim Hoa nắng chiếu vào giờ vàng trên kênh truyền hình quốc gia VTV3. Mặc dù các nhà làm phim cố gắng "tả thực" lối sống ăn chơi sa đọa của một nhóm bạn trẻ nhưng đã bị làm quá đà, quá mức cần thiết, mang đến cảm giác "gợi dục" hơn là giáo dục.

Cảnh nhạy cảm bị ném đá trong phim Hoa nắng.


ANH DƯƠNG

Theo Infonet

ANH DƯƠNG

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm